Anh / chị hãy phân tích bài Tràng giang của Huy Cận

GỢl Ý

Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận, nêu bật lên được sự gắn bó giữa cảnh và tình: dòng sông và con người, giữa không gian bao la và tâm trạng cụ thể của nhà thơ. Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc (Xuân Diệu - Lời giới thiệu. Tuyển tập thơ Huy Cận, NXB Văn học, 1986). Cảnh buồn mà đẹp của bài thơ đã thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương đất nước thiết tha của nhà thơ.

Khi làm bài, chủ yếu bám sát vào bài thơ, đi sâu phân tích những cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ trước một cảnh sông nước bát ngát mênh mông đượm buồn hoang vắng vào lúc hoàng hôn và đặc biệt là thắm đượm một tình cảm sâu lắng đối với quê hương, đất nước.

BÀI LÀM

Huy Cận là một nhà thơ mới nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám. Khi bàn về cái đa dạng trong thơ mới, nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định về ông là “ảo não như Huy Cận”. Thật vậy, tác giả Lửa thiêng thường cảm nhận sự cô đơn lạnh lẽo và buồn bã trong một không gian bao la trống trải. Người đọc hình dung nhà thơ như im lặng đúng đâu đấy mà nghe sự vận động của dòng đời, của vũ trụ, của sương khói mờ ảo lung linh.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Nỗi buồn trong thơ ông ngày ấy là nỗi buồn của một nhà thơ đã cảm nhận sâu sắc được nỗi đau của đất nước bị ngoại thuộc. Tiêu biểu nhất cho nỗi buồn ấy là bài Tràng giang.

Chính nhà thơ đã cho biết đây là một bài thơ được sông Hồng gợi tứ. Hồi ấy, trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận thường có thú vui vào chiều chủ nhật hàng tuần, đi lên vùng Chèm, vẽ để ngoạn cảnh Hồ Tây và sông Hồng. Phong cảnh sông nước đẹp đó đã gợi cho nhà thơ nhiều cảm xúc. Ông viết Tràng giang từ thuở đó, nghĩa là từ năm 1939, khi mới vào học trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội. Bài thơ sau đó được in trong Lửa thiêng (1940), tập thơ đầu tay và cũng là một tập thơ tiêu biểu của ông.

Bài Tràng giang thể hiện một nỗi sầu mênh mông xa vắng dâng lên lúc hoàng hôn. Khi nhà thơ đứng trước cảnh “cô liêu” của “sông dài, trời rộng”. Từng câu chữ trang trọng và cổ kính gợi lên một nỗi nhớ man mác: nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước.

Ngay từ câu mở đầu, hình ảnh của con sông đã hiện lên trong thơ dập dờn sóng nước dung chứa nỗi sầu của thi nhân triền miên lớp lớp.

Sóng gạn tràng giang buồn điệp điệp

Câu thơ tả sóng. Sóng triền miên trên mặt sóng. Từ điệp điệp tạo nên hình ảnh lớp lớp ngàn trùng của nỗi buồn dây dưa không dứt. Xưa nay, các nhà vẳn nhà thơ thường dùng “trùng điệp” hay “trùng trùng điệp điệp” để chỉ vật chất nhiều và cụ thể như núi non. ở đây, nhà thơ không nói sóng điệp trùng mà nói “buồn điệp điệp”. Đó là lối sáng tạo trong việc dùng từ hình ảnh hóa nỗi buồn.

Nhìn mặt tràng giang gợn những lớp sóng, nhà thơ tưởng như cũng cảm thấy nỗi sầu của mình trải ra như những lớp sóng nối nhau triền miên không dứt. Giữa khung cảnh rộng lớn đó là hình ảnh một con thuyền trên sông, thuyền và nước song song.

Con thuyền xuôi mái nước song song

Hai cặp từ láy “điệp điệp”“song song” gợi tả một nỗi buồn thấm thía, xa vắng và mơ hồ. Nỗi buồn ấy dường như đã tăng lên do sự nghịch chiều nhau giữa thuyền và nước.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

Nước và thuyền nghịch chiều nhau nghĩa là chỉ có hai chiều, hai hướng “Thuyền về, nước lại” thế mà lại tạo nên một nỗi sầu trăm ngả. Đặc biệt là hình ảnh bập bềnh trôi dạt không biết về đâu của cành củi trong câu cuối khổ thơ:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Các thi liệu sóng, nước, thuyền... đều rất quen thuộc trong thơ văn, duy chỉ cành củi khô là rất mới và đầy ý vị. Hình ảnh này cho thấy sự cô độc lạc loài khô héo và đặc biệt là khô héo giữa sự ướt át của nước. Những số từ trăm, một, mấy liên kết nhau gợi lên chút gì buồn bã chơ vơ và li biệt.

Từng câu chữ, từng hình ảnh ở đây đều đặc sắc ở chỗ vừa gợi tả tràng giang vừa dung chứa cả tâm sự buồn bã của thi nhân.

Không gian của nỗi buồn tiếp đó được mở rộng ra từ dòng sông, lan tỏa sang đôi bờ và cao vút lên theo tia nắng của giây phút ngày tàn đến với bầu trời xa thẳm:

Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

Đầu tiên là cảnh trên bến với những ‘‘cồn nhỏ lơ thơ“ trong “gió đìu hiu”. Lơ thơ là từ gợi hình ảnh, đìu hiu là từ gợi cảm giác. Cả hai từ láy ấy khiến người đọc hình dung ra cảnh một bến sông hiu hắt và cô quạnh, gợi lại các câu thơ cổ nổi tiếng “Non Kì quạnh quẽ trăng treo. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò“ (Chinh phụ ngâm) và “Lơ thơ tơ liễu buông mành” (Kiều).

Nỗi buồn ở đây được gợi lên từ sự vắng vẻ của cảnh vật qua những tiếng lao xao của một buổi chợ chiều từ làng xa nào đó vẳng lại. Đây là những âm thanh nhỏ bé, mơ hồ, nửa hư nửa thực, càng gợi lên một không gian trống vắng, chia lìa của giây phút tàn tạ, phôi phai. Nhà thơ Xuân Diệu có lần giải thích “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, theo tác giả khi ấy muốn là “có đâu”, “đâu có” tiếng làng xa vãn chợ vì tâm lí của nhà thơ trữ tình công khai trước cách mạng là nói “nỗi buồn”. Như vậy, nghĩa là tất cả đều vắng lặng, quạnh hiu và những hình ảnh “lơ thơ cồn nlĩỏ“, “nắng xuống trời lên”, “sâu chót vót”, “gió đìu hiu”... đều chỉ là đôi nét chấm phá điểm thêm, nhằm tô đậm cái thần thái của khung cảnh: “Sông dài, trời rộng, bển cỗ liêu”. Nói “bến cô liêu” cũng là nói “hồn cô liêu” hay “hồn đơn chiếc” như có lần nhà thơ đã viết: Cô hồn vạn thuở buồn đơn chiếc. Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ”.

Chính nỗi buồn cô đơn và sự rợn ngợp trước vũ trụ bao la ấy đã dẫn Huy Cận đến một khung cảnh tưởng như không có một dấu vết nào của sự sống:

Bèo dạt về đâu hàng nổi hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Trước mắt nhà thơ lúc này, là một dòng sông mênh mông, dằng dặc, không có lấy một chuyến đò ngang. Cũng không hề có một nhịp cầu nào nối liền đôi bờ vắng lặng. Trên mặt sông chỉ có bèo dạt, những cánh bèo trôi dạt trong thơ khác chi dấu hỏi: Bèo dạt về đâu hàng nối hàng? Cái hình ảnh nổi trôi vô định này đã đẩy khung cảnh bãi bãi bờ bờ lặng lẽ kia đến cõi mông lung cùng cực.

Những cụm bèo trôi dạt trong thơ gợi người đọc nhớ đến nỗi buồn của một lớp nhà thơ thời nước mất chưa tìm được hưởng đi cho mình và cũng chưa làm được gì hữu ích cho đời như Huy Cận. Từ đây, ta hiểu được chút lòng yêu nước thầm kín của ông, tuy là thầm kín nhưng cũng không kém phần thiết tha thắm đượm.

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Trong cảnh chiều xuống, nỗi cô đơn cứ dâng cao trước vũ trụ vô cùng và hóa thành nỗi nhớ nhà sâu thẳm và vời vợi trong khổ thơ cuối:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nưóc

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà

Lúc này mặt trời đã xuống thấp, những đám mây trắng đùn lên ở phía chân trời phản chiếu ánh chiều lấp lánh trông như những núi bạc. Thuở xưa, trong bài thơ Thu hứng, Đỗ Phủ từng viết:

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng

Tái thượng phong vân tiếp địa âm

Nguyễn Công Trứ đã dịch là:

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm

Mặt đất mây đùn cửa ải xa”

Trước cảnh sông nước, mây trời bao la, bóng chiều nặng nề sa xuống, lại hiện lên hình ảnh một con chim non nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Đặc biệt là trên mặt tràng giang, tuy không có khói sóng mà lòng thi nhân vẫn nhớ nhà da diết. Hồn Đường thi và ý vị cổ điển vang hưởng từ từng câu chữ của bài thơ cổ phong biến thể và nhat la hiện rõ lên trong hai câu kết. Thuở xưa, Thôi Hiệu đời Đường nhìn khói sóng nhớ đến quê nhà:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Tản Đà dịch là:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Do vậy mà Huy Cận thường nói vui rằng cảnh trên sông nước có khói sóng làm cho Thôi Hiệu buồn, nhớ quê, còn ông thì không có khói sóng cũng da diết nhớ quê hương. Nhà thơ bảo vì ông buồn hơn Thôi Hiệu đời nhà Đường.

Như vậy đúng là Tràng giang, một bài thơ đặc sắc đã kết hợp được thơ ca truyền thống, những nét cổ điển của Đường thi với những nét hiện đại. Đây là một bài thơ rất Việt Nam. Từ hình ảnh dòng sông, con thuyền, cành củi khô, cánh bèo trôi dạt, chợ chiều làng xa... tất ca đều gắn bó ruột thịt từ lâu đời, ăn sâu đường tim hơi thở của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét rất xác đáng về bài thơ này: Tràng giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc. (Xuân Diệu - Lời giới thiệu tuyển tập thơ Huy Cận - NXB Văn học 1986).

Leave a Reply