Trong lớp có bạn cho rằng: "Không kết bạn với những người học yếu". Anh (Chị) hãy bác bỏ quan niệm đó

Dàn ý

A. Mở bài:

Ông cha ta từ xưa đã dạy con cháu: Chọn bạn mà chơi.

- Có ý kiến cho rằng: Không nên kết bạn với những người học yếu.

Ý kiến đó đúng, sai ra sao? Chúng ta nên đối xử với các bạn học yếu trong lớp như thế nào?

B. Thân bài: 

Làm rõ những ý cơ bản sau:

Mặt đúng của ý kiến trên:

- Chơi với các bạn học yếu, chúng ta có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu như không có bản lĩnh vững vàng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

- Các bạn học yếu vì nhiều lí do, nhưng phần lớn là vì ham chơi, lười học.

- Thực tế cho thấy tốt lên thì khó, xấu đi thì dễ. Vì thế nếu ta chơi với các bạn yếu kém thì phải cân nhắc thận trọng.

Chọn bạn mà chơi

Mặt chưa đúng: 

- Nếu ta chỉ chơi với các bạn học giỏi, bạn tốt thì các bạn học yếu sẽ có mặc cảm tự ti, khó hòa hợp với tập thể.

- Điều đó sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, tu dưỡng và phong trào thi đua của lớp.

Nên đối xử với các bạn học yếu như thế nào cho đúng?

- Trước hết, chúng ta không nên xa lánh, hắt hủi mà cần động viên, khích lệ các bạn ấy bằng tình cảm chân thành.

- Đối với các bạn gặp khó khăn về hoàn cảnh kinh tế hoặc trình độ nhận thức thí chúng ta nên quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần, phương pháp học tập.

- Đối với các bạn ham chơi. Thích quậy phá thì kiên trì giải thích, phân tích để đưa bạn về với bổn phận của học sinh là học tập và tu dưỡng cho tốt.

- Khơi dậy tinh thần thi đua ở các bạn yếu kém. Phải tin tưởng vào sự cố gắng và tiến bộ của các bạn ấy.

C. Kết bài:

- Cuộc sống hiện đại dặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho thế hệ trẻ.

- Mỗi học sinh cần phải có nhận thức đúng đắn trong học tập và tu dưỡng.

- Các bạn yếu kém phải có nghị lực vượt lên chính mình để đáp lại niềm tin yêu của bạn bè, thấy cô, cha mẹ.

BÀI THAM KHẢO

Quan điểm này không đúng, xét cho cùng nếu không ai chơi với bạn học yếu thì các bạn ấy biết dựa vào đâu? Các bạn ấy sẽ chơi với ai? Hay chơi với các bạn còn yếu kém hơn mình để rồi tụt dốc học tập giảm sút rơi vào các tệ nạn xã hội? Hoặc chỉ vì học lực kém, tư cách đạo đức tốt mà các bạn ấy bị hắt hủi, xa lánh, để rồi chính chúng ta đẩy các bạn ấy vào mặc cảm, tự ti, bi quan, thất vọng. Đôi khi các bạn ấy chưa tìm được phương pháp học hiệu quả nên học yếu chứ về tư cách đạo đức các bạn ấy rất tốt. Cho nên, chúng ta không thể xa lánh hoặc bỏ rơi mà cần phải động viên, khích lệ các bạn ấy bằng tình cảm chân thành và hành động thiết thực, dẫn dắt các bạn ấy hướng dẫn các bạn ấy học tập có hiệu quả, cùng tham gia vào những hoạt động bổ ích, lành mạnh giúp các bạn ấy mạnh dạn, sống hòa đồng hơn như thể dục thể thao, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ dã ngoại, lửa trại, các hoạt động từ thiện…

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Trong học tập, nếu chúng ta có ý thức giúp đỡ các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn hay có trở ngại về nhận thức, chúng ta cùng trao đổi từng bài văn hay, tranh luận cách làm mỗi bài toán khó thì các bạn ấy sẽ tiến bộ rất nhanh. Mặt khác, đây cũng là dịp giúp bản thân chúng ta khắc sâu kiến thức, nhớ kĩ, nhớ lâu bài giảng của thầy cô giáo. Chúng ta cũng phải biết phương pháp giúp các bạn ấy học tốt như dùng những lời nói nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ hiểu, khích lệ các bạn vượt lên chính mình để cùng tiến bộ. Khi các bạn ấy đạt được thành tích dù là nhỏ nhất chúng ta cũng nên động viên, khích lệ kịp thời. Khi bạn vấp ngã, chúng ta đừng bỏ chạy mà hãy quan tâm nâng đỡ bằng cả tấm lòng và tình cảm. Đặc biệt là chúng ta không được có thành kiến xấu về các bạn học yếu, coi thường các bạn ấy bởi có thể lúc này các bạn ấy học yếu nhưng khi các bạn ấy nắm bắt được phương pháp tốt thì có thể chúng ta lại là những người học yếu. 

Trong văn học và trong cuộc sống ai ai cũng biết đến tình cảm đẹp, cảm động giữa Lưu Bình và Dương Lễ. Dương Lễ khi làm quan to vẫn không quên bạn cũ là Lưu Bình và ông đã tìm mọi cách giúp đỡ để bạn ngay cả để vợ mình đến chăm sóc giúp đỡ bạn học hành thi đỗ làm quan như mình. Chúng ta cũng được nghe biết nhiều tấm gương giúp bạn vươn khó trong học tập. Thạm chí có những học sinh cõng bạn bị liệt đến trường suốt mấy năm trời. Và cũng có nhiều bạn bè nhường cơm sẻ áo cho nhau, cùng động viên nhau vượt khó với phương châm “đôi bạn cùng tiến”.

Đứng trước sự phát triển của xã hội và nhiều cái mới du nhập vào nước ta, xấu có, tốt có. Bản thân chúng ta phải biết tránh xa những sự cám dỗ của các thói hư tật xấu, đồng thời chủ động nắm bắt cơ hội. Trước hết bản thân chúng ta cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Rèn luyện đức tính khiêm tốn, tự tin, nhẫn nại, thi đua lành mạnh cùng các bạn khá giỏi để trở thành người có ích cho xã hội.

Leave a Reply