Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà thơ Mai-a-cốp-xki có viết: "Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ/ Mới thu về một mà thôi/ Những chữ ấy làm cho rung động/ Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài." Em hiểu gì về ý kiến trên? Hãy phân tích ...

Bàn về ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, nhà thơ Mai-a-cốp-xki có viết:

"Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ

Mới thu về một mà thôi

Những chữ ấy làm cho rung động

Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài."

Em hiểu gì về ý kiến trên? Hãy phân tích một vài dẫn chứng để làm sáng tỏ.

GỢI Ý

1. Giải thích:

- Phép tương phản: "ngàn cân quặng chữ" >< "một chữ" => Để tạo nên một tác phẩm, mỗi người nghệ sĩ cần phải chắt lọc ngôn ngữ một cách tỉ mỉ, kĩ càng.

- "Rung động triệu trái tim trong hàng triệu năm dài": những vần thơ câu chữ trong mỗi tác phẩm phải làm rung động nơi tâm hồn độc giả, phải khiến người đọc cùng khóc, cùng cười, cùng căm phẫn, cùng uất hận thì khi ấy, ngôn ngữ trong tác phẩm mới đạt đến độ tuyệt diệu, tác phẩm ấy mới là một tác phẩm chân chính.

=> Câu nói của Mai-a-cốp-xki đã làm nổi bật quá trình lao động nghệ thuật gian khổ, khó nhọc của người nghệ sĩ đồng thời nhấn mạnh tính chất chọn lọc, tinh tế, gợi cảm của ngôn từ văn chương.

Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học

2. Bàn luận. 

- Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Nếu không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học. Macxim Gorki từng khẳng định "Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ".

- Nếu ngôn ngữ của đời sống được xem là nguyên liệu để sáng tác thì ngôn ngữ của văn học lại là sản phẩm hoàn chỉnh, được sáng tạo qua bàn tay điêu luyện của người nghệ sĩ tài hoa. Đó là một quá trình lao động đầy nghệ thuật, đầy sáng tạo, nhưng cũng rất vất vả.

- Ngôn ngữ văn học không thể là kết quả của quá trình sáng tác hời hợt, nông cạn mà phải là kết tinh của sự sáng tạo, chắt lọc, trau chuốt, tỉ mỉ. Nói như Nguyễn Tuân: "Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay…Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy, nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng thì chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp.”

- Văn học bắt nguồn từ tình cảm của người nghệ sĩ. Những góp nhặt trong cuộc sống xung quanh đã ùa vào trái tim mỗi người nghệ sĩ và tràn ra nơi đầu ngọn bút những vần thơ câu chữ. Những vần thơ câu chữ có thấm đẫm cảm xúc hay không, có chạm tới tim người đọc hay không là tùy thuộc vào ngôn từ - chất liệu mà nhà văn nhà thơ sử dụng. Ai đó đã từng nói những tình cảm đẹp đã trở nên tầm thường khi diễn tả thành lời, đó là một sự thất bại của người nghệ sĩ.

Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học

- Đây là qui luật, bản chất, yêu cầu của sáng tạo. Người nghệ sĩ, để tạo nên một tác phẩm độc đáo cần trải qua quá trình lao động nhọc nhằn, như người đào vàng, tìm ngọc, đãi từ kho quặng chữ thô ráp lấy một viên ngọc chữ nghĩa tinh khôi. Nhiều khi khát cháy trên sa mạc ngôn từ vẫn chưa tìm được thứ báu vật thiêng liêng ấy. Như vậy nhà văn là người "phu chữ". Đỗ Phủ cả một đời luôn trăn trở: "Chữ chẳng làm kinh động lòng người chết chẳng yên"

...

3. Chứng minh.

Có thể lấy dẫn chứng trong các đoạn trích của "Truyện Kiều" - Nguyễn Du. Các đoạn trích theo mình là phù hợp nhất, đó là "Chị em Thúy Kiều", "Mã Giám Sinh mua Kiều"... Hoặc có thể lấy các tác phẩm khác như "Ông đồ" - Vũ Đình Liên, ngôn ngữ trong tác phẩm này được đánh giá là rất "đắt". Nếu có thể thì liên hệ thêm các tác phẩm lớp trên như "Vội vàng" - Xuân Diệu, "Sóng"- Xuân Quỳnh....

Chú ý là phân tích nét đặc sắc trong ngôn từ nhé, phải chỉ ra cái tinh tế, cái chắt lọc của tác giả đã đến độ tuyệt đỉnh, và phải khẳng định rằng chính những ngôn từ đó đã tạo nên sự sống còn của tác phẩm tới bao đời nay.

4. Đánh giá.

- Ngôn ngữ trong mỗi tác phẩm cần trau chuốt tỉ mỉ, xứng đáng với tên gọi tác phẩm nghệ thuật.

- Ngôn ngữ hay, trau chuốt nhưng nội dung hời hợt, sáo rỗng thì cũng không thể làm nên tác phẩm.

- Trách nhiệm của người viết và người đọc:

+ Người viết: cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật, ở đây là ngôn ngữ. Để làm được điều đó, nhà văn phải sống sâu, sống lâu, trở thành những người thợ lặn trong bể cuộc sống, tìm kiếm những gì còn bị che giấu, bị khuất lấp của con người, đem ra phơi bày trước ánh sáng.

+ Người đọc: cần biết chọn lựa tác phẩm để đọc và cần có sự cảm nhận đúng đắn, sâu sắc về ngôn từ trong tác phẩm đó.

Leave a Reply