Cảm nhận bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Mở bài:

Mùa thu có lẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Trong thi đàn văn học Việt Nam, chúng ta từng bắt gặp 1 mùa thu phơi phới trong “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, một thoáng “Sang thu” mơ màng trong thơ Hữu Thỉnh, 1 thu ngơ ngác trong “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư…Và quay ngược bánh xe lịch sử, ta không thể không nhắc đến chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Ba bài thơ đã vẽ lên những nét đặc trưng riêng của mùa thu đồng chiêm trũng Bắc Bộ, trong đó “Thu điếu” được đánh giá là “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. 

điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam

Thân bài:

“Thu điếu” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, giàu hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Mở đầu bài thơ là khí lạnh của ao thu được đặc tả qua từ láy “lạnh lẽo”, cái lạnh như thấm sâu vào da thịt con người. Tính từ “trong veo” đã tuyệt đối hóa độ trong của nước, đồng thời gợi ra độ thanh sạch, sự bất động, tĩnh lặng của mặt ao. Hai âm “eo” được gieo trong một câu như thu hẹp không gian. Trên nền cảnh thu ấy xuất hiện một chiếc thuyền câu lẻ loi, đơn chiếc. Số từ chỉ số ít “một chiếc” kết hợp với từ láy “tẻo teo” khiến cho chiếc thuyền càng nhỏ bé hơn, như co lại thành một nét chấm trên nền ao cũng bé xíu và trong trong tận đáy. Không gian thu ngưng đọng, yên tĩnh đến lạ.

Trung tâm của bức tranh là ao thu với chiếc thuyền câu nhỏ bé, từ điểm nhìn này, Nguyễn Khuyến thu vào tầm mắt tất cả cảnh sắc của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Sắc thu hài hòa, trên nền xanh của nước thu, trời thu nổi bật lên màu vàng của một chiếc lá chao nghiêng. Cách hòa phối màu sắc đã đạt đến sự “thú vị” như phát hiện của nhà thơ Xuân Diệu: “Cái thú vị của bài “Thu điếu” ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi”. Phép đối tài tình làm nổi bật linh hồn của mùa thu qua những chuyển động tinh vi của cảnh vật: Gió thổi nhẹ làm cho sóng biếc lăn tăn từng làn từng làn “hơi gợn tí”, cho chiếc lá thu “khẽ đưa vèo”. Cảnh vận động 1 cách khẽ khàng không đủ để phá tan không khí tĩnh lặng của mùa thu. Bức tranh thu vì thế càng thanh bình, yên ả.

Điểm nhìn của thi nhân có sự dịch chuyển từ mặt ao hướng lên bầu trời từ đó thu vào một khoảng trong xanh vời vợi:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Mùa thu có lẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ

Trời thu xanh ngắt thăm thẳm, bao la. Tầng mây lơ lửng, nhè nhẹ trôi. Cảnh thu thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Điểm nhìn dịch chuyển, men theo những “ngõ trúc quanh co”, không gian lại trở nên vắng lặng, buồn thảm. Ba từ “khách vắng teo” càng làm tăng thêm sự hiu hắt đến chạnh lòng.

Nhan đề bài thơ là Thu điếu – câu cá mùa thu, vậy mà đến 2 câu thơ cuối bóng dáng con người mới trực tiếp xuất hiện:

Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

2 dòng thơ gợi lên ấn tượng về sự tĩnh lặng đến vô cùng của không gian. Chỉ một tiếng cá đớp động dưới chân bèo mà thanh động cả thế giới thu nhỏ trong chiếc ao thu cùng không gian im vắng. Thủ pháp lấy động tả tĩnh phát huy hiệu quả trong việc biểu hiện mối u hoài, tĩnh lặng ghê gớm trong lòng người câu cá. Người đi câu như ngưng đọng trước thời gian và không gian qua tư thế ngồi bất động “tựa gối buông cần”. Đi câu mà cái chí không để ở việc câu. Đi câu mà ngẩng mặt suy tư trông trời xanh xa vời vợi, để thấy cái vèo trông của thế sự ruổi qua. Có lẽ với Nguyễn Khuyến, câu cá là câu cái thanh, cái tĩnh, cái lắng trong tâm hồn, để truy cầu một không gian thanh sạch. Câu cá để nhàn nhưng lại không thể, bởi nhàn trước hoàn cảnh thực tại của đất nước dường như là 1 điều bất nhẫn.

Kết bài:

Thu điếu là một tuyệt bút tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Khuyến, cái hồn của cảnh sắc mùa thu được hiện lên qua những hình ảnh giản dị, đặc trưng cho làng quê đồng bằng Bắc Bộ; những nét vẽ xa gần, mềm mại, tinh tế, gợi cảm; sự hòa phối màu sắc cùng cách gieo vần “eo” độc đáo. Ẩn chứa trong bức tranh thu đẹp, đơn sơ, thanh đạm ấy là tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, là tấm lòng ưu thời mẫn thế của một nhà nho ẩn sĩ.

Leave a Reply