Cảm nhận hai đoạn thơ: Đất nước bốn ngàn năm... Một nốt trầm xao xuyến. (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

Cảm nhận hai đoạn thơ :

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

 

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)

DÀN Ý

I. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

- Khái quát về nội dung của 2 đoạn thơ: ước nguyện xuân

II. Thân bài:

1. Đoạn "Đất nước ... phía trước": Mùa xuân của nhà thơ

- Xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước khi bước vào mùa xuân, nhà thơ Thanh Hải đã có cái nhìn sâu sắc và tự hào về lịch sử bốn nghìn năm dân tộc:

+ Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam

Tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam

+ Niềm tin tưởng của tác giả vào tương lai rạng ngời của dân tộc Việt Nam. Âm thanh mùa xuân đất nước vang lên từ chính cuộc sống vất vả, gian lao mà tươi thắm đến vô ngần. 

=> Xuân đến với Thanh Hải cũng chính là mùa xuân của mọi người, của đất nước

2. Đoạn "Ta làm... xao xuyến"

- Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta”-“hoa”-“ca”.

- Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: con chim, một cành hoa, một nốt trầm. 

+ Con người ta sẽ đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ!

+ Con người ta sẽ hạnh phúc hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời!

Con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời

- Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. 

=> Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình.

- Hình ảnh “nốt trầm” và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. 

+ Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là “một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. 

=> Nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. 

3. Nghệ thuật:

- Với nghệ thuật nhân hóa, Tổ quốc như một người mẹ tần tảo, vất vả và gian lao, đã làm nổi bật sự trường tồn của đất nước. 

- Phép tu từ so sánh được nhà thơ sử dụng vô cùng đặc sắc, làm ý thơ hàm súc – “Đất nước như vì sao”. Sao là nguồn sáng kì diệu của thiên hà, là vẻ đẹp lung linh của bầu trời đêm, là hiện thân của sự vĩnh hằng trong vũ trụ. 

=> So sánh như thế là tác giả đã ca ngợi đất nước đẹp lung linh tỏa sáng như vì sao với tư thế đi lên. 

- Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm”-“nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ - hoá thân để sống đẹp, sống có ích. 

- Cái “tôi” của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hoá thành cái “ta”. Có cả cái riêng và chung trong cái “ta” ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung.

III. Kết bài: Tổng kết nội dung của hai đoạn thơ & liên hệ bản thân

Leave a Reply