Một hiện tượng phổ biến hiện nay là vút rác ra đường hoặc những nơi công cộng. Ngồi bên hồ, dù là hồ đẹp nổi tiếng, người ta cũng tiện tay vứt rác xuống... Em hãy đặt một nhan đề để gọi ra hiện tượng ấy và viết bài văn nêu suy nghĩ của mình

Trước đây, chưa có đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện như bây giờ nhưng chúng ta được sống một môi trường trong lành và sạch đẹp. Phải nói bầu không khí vô cùng thoáng đãng và mát mẻ, những dòng sông, con suối tươi trong, có thể thấy bên dưới những dòng nước ấy là những đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội... Lúc ấy ta chưa biết ô nhiễm môi trường là như thế nào. Thế nhưng giờ đây xã hội đang ngày càng phát triển, ngày một hiện đại hơn thì nạn ô nhiễm môi trường lại càng nghiêm trọng hơn. Trong đó có thể kể đến nạn vứt rác, vứt rác ra đường hoặc những nơi công cộng là một hiện tượng khác phổ biến hiện nay. Nó là một vấn đề rất đáng báo động và cần phải giải quyết.

Vứt rác một cách vô ý thức

Ai cũng biết rác là những thứ thừa thải con người bỏ đi sau khi sử dụng xong cùng với những chất độc được xuất ra từ chúng. Rác rất đa dạng, đủ loại, đủ kiểu: có thể là những bao ni lông, vỏ chai nhựa, bã kẹo, vỏ bánh, những thức ăn thừa chúng ta không muốn dùng nữa trong sinh hoạt; hay những rác từ văn phòng là giấy báo cũ, bút viết hết mực, hư hỏng; trong y tế chẳng hạn như băng gạc, khăn giấy, kim tiêm, vỏ thuốc...Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, vứt rác là một hoạt động thiết yếu, mỗi ngày mỗi người sẽ thải ra một lượng rác nhất định và không có ai tránh được việc vứt rác. Viện nguyên vật liệu Cyclope và Veolia Propreté, công ty quản lý rác lớn thứ hai thế giới khẳng định, với lượng rác gom góp được trên toàn thế giới từ 2,5 đến 4 tỉ tấn một năm, thế giới hiện có lượng rác ngang bằng với sản lượng ngũ cốc (đạt 2 tấn) và sắt thép (1 tỉ tấn), báo cáo của Ngân hàng thế giới WB cho biết, con người sẽ thải ra môi trường hơn 11 triệu tấn chất thải rắn mỗi ngày vào năm 2100).Theo các chuyên viên nghiên cứu của hai cơ quan trên, trong tổng số rác trên thế giới, có 1,2 tỉ tấn rác tập trung ở vùng đô thị, từ 1,1 đến 1,8 tỉ tấn rác công nghiêp không nguy hiểm và 150 triệu tấn rác nguy hiểm (mức tính toán thực hiện tại 30 nước).

Dù việc vứt rác là cần thiết nhưng hiện nay rất đông mọi người đang vứt rác một cách vô ý thức, bạ đâu vứt đấy. Họ vứt rác ở khắp mọi nơi từ thành thị tới nông thôn, nơi đường phố, vỉa hè, công viên, bờ hồ... Uống xong một chai nước, ăn một gói bim bim người ta xả ngay tại chỗ, hoặc vứt bừa vào một góc khuất. Trong trường lớp, có những học sinh vứt giấy vụn xuống ngay tại chỗ ngồi của mình, hay nhét vỏ bánh vào ngăn bàn thay vì mang ra thùng rác. Hiện tường này ta có thể thấy khi tham gia giao thông, con người vô tư ném vỏ chai, túi bóng, giấy ăn qua cửa xe khi đang chạy. Ngày nay ta đi trên những tuyến đường đều sẽ thấy những bãi rác mọc lên một cách thản nhiên, có những nơi được đặt biển "Cấm đổ rác" nhưng hình như con người ta không thèm để ý mà ngang nhiên biến nó thành một biển rác vô cùng hôi thối. Thậm chí họ còn chọn những đoạn ao hồ, kênh mương gần nhà để đổ rác. Chỉ cần thấy một vài người đổ rác ở đó thì nhiều người khác cũng bắt chước như thế và dần mọi người đều cho rằng đây là một bãi rác, cứ như thế có vô số bãi rác tự phát mọc lên.

Tác hại của việc vứt rác bừa bãi là vô cùng nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường đất mà còn có cả môi trường nước và không khí. Với những lại rác khó phân hủy hay độc hại khi ngấm vào đất sẽ làm tổn hại đến cây côi, hoa màu đang sinh sống, lấy dinh dưỡng từ lòng đất để nuôi bản thân. Rồi những hóa chất, thuốc cỏ, thuốc trừ sâu được con người vứt xuống sông đã hòa vào dòng nước, từ dòng nước ở những sông nhỏ đã chảy ra các sông lớn rồi đến biển, "dòng nước độc hại này" làm hại không biết bao nhiêu sinh vật biển. Nhiều khi xem trên thời sự, báo đài ta thấy rất nhiều vụ ô nhiễm nguồn nước đã làm cá chết hàng loạt, vậy nguồn nước bị ô nhiễm này càng ô nhiễm hơn vì hàng loạt con cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước không chỉ vậy còn ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến những người dân làm nghề đánh bắt cá, đến mọi người và còn cả bản thân mình nữa. Hiện nay các nước trên thế giới đang mở rộng việc giao lưu hội nhập quốc tế, những người khách du lịch sẽ nghĩ gì khi thấy những nơi công cộng, khu du lịch hay trên đường đầy rác, khói bụi, mùi hôi thối và những con ruồi, bọ, chuột muỗi, gián... vây quanh; những dòng sông đen ngòm cùng với rác thải nổi lềnh bềnh,...? Dù đất nước đó có đẹp, hùng vĩ đến thế nào thì khi thấy rác nằm rải rác khắp nới cũng sẽ là điểm trừ trong mắt bạn bè quốc tế, dẫn đến giảm tiềm năng du lịch. Hơn thế nữa, xả rác bừa bãi còn là nguyên nhân gây nên nhiều mầm mống bệnh tật nhất là những chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hay sốt xuất huyết - căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng...

Vứt rác bừa bãi là một thói quen vô cùng xấu

Phải chăng người ta vứt rác bừa bãi như vậy để làm thỏa mãn cái tôi của mình, họ lười phải đi xa một đoạn đường nữa để bỏ rác vào thùng rác, lười mang rác ra khu tập kết, và có lẽ một điều vô cùng đúng đó là con người chưa có ý thức, thiếu văn minh. Vứt rác bừa bãi là một thói quen vô cùng xấu, những người có thói quen đó là người có lối sống cẩu thả, lười biếng, không có ý thức. Khi còn nhỏ, trẻ em được dạy bảo rất cẩn thận về việc vứt rác đúng nơi quy định, khi đi đường gặp bất cứ vỏ bánh kẹo, mẩu giấy thì phải tự động nhặt lên bỏ vào thùng rác. Một hành động vô cùng đẹp. Thế nhưng hành động đẹp này lại dần mất đi khi các em lớn lên, là do thầy cô, người lớn không còn nhắc nhỏ nữa hay do chính những người lớn vứt rác bừa bãi đã "làm gương" cho các em bắt chước theo?

Con người thật ích kỷ, họ chỉ biết đến cái lợi của bản thân mà quên mất cái lợi cho xã hội, cộng đồng, những người sống xung quanh họ và hơn hết là họ quên mất môi trường mà ta đang sống hàng ngày. Lúc ở nhà, họ luôn giữ cho ngôi nhà thật sạch sẽ từ nhà ăn đến phòng khách nhưng khi ra đường, lại bạ đâu quăng đấy vì xem việc đó chẳng ảnh hưởng gì đến bản thân, đến gia đình mình, xem đó là việc vô cùng bình thường. Có lẽ nguyên nhân cũng do trên các đường phố có quá ít thùng rác hoặc nó chỉ được đặt ở những con phố lớn, đông đúc, còn những vùng nông thôn thì hầu như không. Điều đó khiến nhiều người có cớ để vứt rác lung tung mà không ai nói gì. Mặt khác, có thể việc xử phạt những người vô ý thức xả rác chưa thật nặng và nghiêm túc. Lấy ví vụ như ở Nhật Bản, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị sẽ bị xử rất nặng và lực lượng chức năng luôn theo đuổi đến cùng, người ta cho phép việc chụp ảnh người làm xấu bộ mặt đô thị rồi dán ngay nơi họ vi phạm để cảnh cáo; các công dân Đức vô cùng ý thức trong vấn đề này, một khi được cảnh sát mời lên “hỏi chuyện”, người vi phạm thường sẽ chịu nhận tội. Lý do là nếu sự việc được đưa ra tòa và chứng minh lỗi sai thuộc về ai thì phía đó phải chịu án phí cực kỳ cao; trong khi đó mức phạt ở Singapore thường tăng lũy tiến theo số lần vi phạm. Người xả rác không chỉ mất tiền phạt mà còn phải dọn sạch khu vực công cộng trong 12 giờ. Vì việc xử phạt nặng nề như thế nên người dân các nước này luôn cẩn thận trong việc bảo vệ môi trường và đây cũng là những điểm đến thu hút khách du lịch, l được báo chí quốc tế khen ngợi là đất nước xanh-sạch-đẹp. Còn việc vứt rác ở Việt Nam chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức chứ chưa đến mức bị phạt, vì điều đó nên mọi người không ý thức tốt được viện mình cần làm là bảo vệ môi trường, vứt rác đúng nơi quy định.

Vậy chúng ta cần phải làm gì để hạn chế cũng như khắc phục những hậu quả của tình trạng trên? Nạn vứt rác bừa bãi có thể khắc phục dựa trên sự cố gắng của mỗi người và toàn xã hội, ngay lúc này đây ta cần kêu gọi ý thức giữ gìn vệ sinh của tất cả mọi người. Trong cuộc nói chuyện với các học sinh cấp 3 ở Bắc Giang, Giáo sư Phan Văn Trường đã từng yêu cầu :"Hãy hứa với thầy là mỗi tuần các em sẽ nhặt một mẩu giấy dưới đất bỏ vào thùng rác. Thầy làm cái đó mỗi phút trong suốt cuộc đời. Các em thấy khó vì chưa bao giờ làm, thậm chí có giấy trong túi còn vứt xuống đất". Mỗi người chỉ cần vứt một tờ giấy, trái đất sẽ trở thành "trái rác". Vì vậy, con người phải tự giác nhận biết và điều chỉnh hành vi, thói quen của mình, thay vì vứt rác sao ta không nhặt rác vì hành động ấy đẹp vô cùng mà. Cần có những hoạt động tuyên truyền, viết khẩu hiệu treo ở khắp nơi, tổ chức các hoạt động tình nguyện như nhặt rác ở những nơi công cộng, tham gia tổng vệ sinh chung, làm sạch đường phố để khuyến khích mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời nhà nước cần có các biện pháp để xử phạt nặng những hành vi vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường, làm xấu đi bộ mặt đô thị, tăng thêm thùng rác ở những nơi công cộng, ra một số quy định chung là đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định... Đất nước ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao vì vậy cách nghĩ, cách ý xử, ý thức của con người cũng phải theo đó mà văn minh hơn. Hãy chấm dứt hành vi kém văn hóa ấy để làm cho cuộc sống chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, nó không chỉ làm cho môi trường thêm xanh mà còn bảo vệ được sức khỏe cho bản thân và người khác.

Xả rác bừa bãi là thực trạng đáng phê phán vì nó gây những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và xã hội. Ô nhiễm môi trường là vô cùng nghiêm trọng, nó đang dần hủy diệt Trái Đất thân yêu của chúng ta, mà mỗi hành động vứt rác là mỗi lần góp phần gây ô nhiễm môi trường.Hãy cùng chung tay góp sức vì một trái đất màu xanh, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Mỗi người cần ý thức rõ hành vi của mình, thay vì vứt một vỏ bánh ta hãy nhặt một mảnh giấy vụn rơi trên đường. Những hành động nhỏ giúp cuộc sống thêm tươi đẹp hơn. Đừng chờ đợi người khác, hãy đi đầu, làm gương cho những người xung quanh và giải thích cho họ việc bạn làm có ý nghĩa.

Leave a Reply