Phân tích bài thơ "Tự Tình 2" của Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ xinh đẹp, tài năng và được người đời mệnh danh là “Bà chúa thơ nôm”. Các tác phẩm của bà phần lớn viết về số phận bất hạnh của người phụ nữ. Và “Tự tình” cũng mang nội dung như thế. Bài thơ là tiếng nói bày tỏ tấm lòng về số phận éo le, tình duyên trắc trở và khát vọng hạnh phúc của nhân vật trữ tình.

Phân tích bài thơ Tự Tình 2 của Hồ Xuân Hương

- Tự tình được Hồ Xuân Hương viết vào khoảng cuối thế kỉ 18 khi các tập đoàn phong kiến chia bè, kết cánh, đất nước bị chia cắt đàng trong , đàng ngoài, nhân dân bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng , đặc biệt là người phụ nữ. Bài thơ bộc lộ nỗi buồn , thất vọng trước số phận éo le, tình duyên ngang trái đồng thời là khát vọng hạnh phúc của nhân vật trữ tình, cũng là tâm trạng chung của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung. Qua đây người đọc có thể cảm nhận được giá trị nhân đạo trong sáng tác của Hồ Xuân Hương. Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”​

- Thời gian bộc lộ nỗi niềm tâm sự được nhắc tới trong câu thơ là “đêm khuya”-khoảng thời gian thường gợi buồn cho tâm hồn con người, đồng thời gợi sự tĩnh lặng của không gian. Trong không gian ấy, tiếng trống canh “văng vẳng” vang lên vừa nhấn mạnh bước đi của thời gian vừa nhấn mạnh không gian rộng lớn tĩnh lặng. Không gian bao la rộng lớn “nước non” cùng với âm thanh não nề của tiếng trống càng nhấn mạnh sự cô đơn, trơ trọi của nhân vật trữ tình. Từ “trơ”được đảo lên đầu câu thể hiện sự trơ gan, trơ lì “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”, cho thấy sự ngang tàn, thách thức số phận trong cá tính của người phụ nữ. Câu thơ còn thành công khi sử dụng nghệ thuật đối giữa “hồng nhan” với “nước non” hay giữa cái nhỏ bé với không gian rộng lớn càng nhấn mạnh sự đơn độc, nhỏ bé của con người trong không gian bao la. Mặt khác, từ “hồng nhan” vốn dùng để chỉ nhan sắc yêu kiều của ng phụ nữ, lẽ ra phải được nâng niu trân trọng, nhưng trong câu thơ “hồng nhan” lại đi liền với từ “cái” đầy rẻ rúm, cho thấy sự bé mọn và số phận bạc bẽo, lỡ làng của nhân vật trữ tình.

Trong tâm trạng cô đơn, buồn tủi ấy nhân vật trữ tình đã tìm cách vơi bớt đi nỗi sầu nhờ men rượu:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”​

- Nhân vật trữ tình tìm đến rượu để giải hết sầu muộn thế nhưng nàng “say lại tỉnh”, quên rồi nhớ chỉ trong chốc lát, đối diện với hiện thực càng làm cho nhân vật ý thức sâu sắc bất hạnh cuộc đời. Ngoại cảnh và tâm trạng đã tạo nên sự đồng nhất giữa trăng và người : “vầng trăng bóng xế ” nhưng “khuyết chưa tròn” hay tuổi thanh xuân của con người qua đi mà tình duyên, hạnh phúc chưa được trọn vẹn. Hình ảnh ẩn dụ đã nhấn mạnh số phận éo le, tình duyên lỡ làng của nhân vật trữ tình. Lời tự tình bày tỏ sự đau đớn, xót xa của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ, đây cũng là số phận nói chung của người phụ nữ trong xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ” đồng thời cho thấy tiếng nói đồng cảm, sẻ chia sâu sắc của Hồ Xuân Hương đối với kiếp người bất hạnh.

- Nếu như 4 câu thơ đầu diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn tủi trước số phận éo le, tình duyên ngang trái thì đến 2 câu thơ tiếp theo, Hồ Xuân Hương đã bất ngờ hướng ngòi bút về ngoại cảnh để gián tiếp diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”​

- "Rêu” và “đá” là những sự vật nhỏ bé nhưng chúng không cam chịu số phận, không chấp sự nhỏ bé, yếu mềm ấy, bằng mọi cách chúng xố sức vươn lên, vượt những cản trở của “mặt đất, chân mây” để chứng tỏ mình. Hồ Xuân Hương đã rất khéo léo khi kết hợp 3 nghệ thuật :đảo ngữ, nhân hóa, động từ mạnh trong cùng 1 câu thơ đã góp phần nhấn mạnh sự cứng cỏi, gan góc mạnh mẽ của những sự vật nhỏ bé đang cố sức vượt lên số phận. Hình ảnh rêu và đá đã gợi liên tưởng đến hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, cố sức phản kháng, vùng vẫy thoát khỏi số phận, vươn lên tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân. Đằng sau từng câu chữ dường như là thái độ phẫn uất của tác giả trước xã hội phong kiến thối nát, bất công, đồng thời ngợi ca, đề cao khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người.

Tự Tình 2

- Hai câu thơ cuối không còn sự bức bối, phản kháng, tâm trạng Hồ Xuân Hương bất ngờ lắng dịu, nhường chỗ cho sự trở lại của nỗi buồn chán, tuyệt vọng:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”​

Tác giả Hồ Xuân Hương đã rất khéo léo khi sử dụng đảo ngữ “ngán” đã nhấn mạnh tâm trạng ngán ngẩm, chán trường của nhân vật trữ tình. Đồng thời, nghệ thuật chơi chữ “xuân” vừa mang nghĩa là mùa xuân của thiên nhiên vừa mang nghĩa là tuổi thanh xuân của con người đã khắc họa 1 nghịch lí của cuộc đời: Mùa xuân qua đi rồi trở lại, đó là quy luật của tạo hóa nhưng mùa xuân qua đi cũng cuốn theo tuổi thanh xuân xủa con người đi mãi mãi. Hai câu thơ cuối đã cho thấy nghich cảnh éo le và số phận bất hạnh của người phụ nữ. Tác giả đã sử dụng từ “mảnh tình” cho thấy sự ít ỏi, nhỏ nhoi, nhưng lại phải “san sẻ”, phải chia 5 sẻ 7 chỉ còn lại những mảnh ghép hạnh phúc nhỏ nhoi chút ít - “tí con con”. Câu thơ là tiếng than đầy tuyệt vọng về bi kịch cuộc đời của nhân vật trữ tình hay của chính những người phụ nữ trong xã hội xưa. Tiếng than còn là tiếng nói lên án, phê phán xã hội phong kiến bất công đã đổ dồn đau khổ, bất hạnh nên thân phận nhỏ bé, yếu đuối của người phụ nữ, nhẫn tâm đẩy họ xuống tận cùng của mọi nỗi đau. Cũng thông qua đó người đọc có thể cảm nhận được tình cảm xót thương, đồng cảm của tác giả đối với nhân vật trữ tình hay với những ng phụ nữ bất hạnh.

- Bài thơ “Tự tình” đã rất thành công khi sử dụng ngôn ngữ thơ nôm đặc sắc, ngắn gọn, xúc tích, kết hợp với việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật như: đảo ngữ, ẩn dụ, liên tưởng, nhân hóa, chơi chữ, đối, động từ mạnh, …xây dựng hình tượng nhân vật vừa mang tính cá nhân vừa mang tính biểu tượng… “Tự tình” của Hồ Xuân Hương là lời than thở cho số phận hẩm hiu của người phụ nữ, đồng thời là khát vọng hạnh phúc của họ. Bài thơ bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với nỗi bất hạnh của người phụ nữ, phê phán gay gắt xã hội phong kiến bất công đã gây nên mọi đau khổ cho người phụ nữ. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo, nhân văn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm.

“Tự tình” diễn tả 1 tình cảnh đáng thương, 1 thân phận đáng cảm thông, 1 khát vọng đáng trân trọng, 1 tâm trạng đáng được chia sẻ. Bài thơ đã trở thành 1 trong nhiều thi phẩm đặc sắc của Hồ Xuân Hương nói riêng và của văn học Trung Đại Việt Nam nói chung.

Leave a Reply