Phân tích bài Thương vợ tác giả Trần Tế Xương

Trần Tế Xương (1870-1907) thường gọi là Tú Xương quê ở Nam Định,ông sinh ra trong 1 gia đình nhà nho nghèo,cuộc đời ông lận đận trong con đường thi cử.Ông để lại cho đời hơn 100 bài thơ thuộc nhiều thể loại,trong đó phải kể đến “Thương vợ”. Bài thơ ghi lại 1 cách xúc động cuộc đời tần tảo và những phẩm chất tốt đẹp của người vợ thân yêu của Tú Xương.

Nuôi đủ năm con với một chồng

Trong nền văn học Trung Đại Việt Nam,rất ít văn nhân,nghệ sĩ viết về người phụ nữ đặc biệt là hình tượng người vợ của mình.Vậy nên có lẽ Tú Xương đã tạo ấn tượng với người đọc ngay từ nhan đề “Thương vợ”. Từ nhan đề ngắn gọn mà chứa chan cảm xúc ấy đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm chân thành của tác giả đối với vợ của mình là bà Tú.

Mở đầu bài thơ tác giả đã giới thiệu về công việc của người vợ:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”​

Công việc của bà Tú được khắc họa trong tác phẩm là “buôn bán” 1 công việc chẳng hề dễ dàng lại nhiều lo toan, vất cả, bon chen, vậy mà bà Tú phải làm việc “quanh năm”, ngày tiếp ngày,tháng tiếp tháng, dường như không lúc nào bà được nghỉ ngơi.Thời gian triền miên ấy hay chính là nỗi vất vả triền miên của bà Tú.Đáng chú ý hơn,địa điểm bà làm việc lại là “mom sông” gợi cảm giác chênh vênh hay cũng là công việc luôn rình rập nhiều hiểm nguy của bà Tú ở 1 xóm chợ nghèo ven sông Vị Hoàng,làng Vị Xuyên - quê hương tác giả.

Bà Tú làm việc vất vả quanh năm để “nuôi đủ năm con với một chồng”,việc sử dụng số từ “một,năm” đã gọi gánh nặng gia đình chồng chất lên đôi vai của bà Tú.Đặc biệt hơn,cách ngắt nhịp “Năm con/1 chồng” cho thấy sự ngang bằng trong việc nuôi “năm con” và nuôi “ một chồng”.Chồng cũng phải nuôi như con nhưng lại là đứa con đặc biệt-là anh học trò dài lưng tốn vải,thi tới 5 lần 7 lượt mới đỗ Tú tài,lại còn ăn chơi,nay cô đầu,mai con hát.Ông Tú tự cảm thấy mình ăn theo lũ con,làm trĩu thêm gánh nặng lên đôi vai vợ mình.Vậy mà bà Tú lại “nuôi đủ” cả về vật chất và tinh thần,hơn ai hết ông Tú hiểu được nỗi vất vả của bà Tú và công việc của bà,từ đó ông càng yêu thương,trân trọng,ngợi ca người phụ nữ đảm đang,tháo vát,tảo tần-một người mẹ,1 người vợ Việt Nam giàu đức hi sinh cao đẹp.

Hai câu thơ tiếp theo, tác giả đã cụ thể hóa nỗi vất vả trong công việc của bà Tú:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”​

Với việc sử dụng đảo ngữ “lặn lội” đã nhấn mạnh sự lam lũ,vất vả của bà Tú và gợi ra sự bươn chải của bà.Hình ảnh “thân cò” trong câu thơ vừa gợi cho người đọc liên tưởng đến hình ảnh con cò trong ca dao xưa : “Con cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” chỉ thân phận nhỏ bé đặc biệt là người phụ nữ,vừa gợi nỗi đau thân phận,gợi cảm giác đáng thương,tội nghiệp.Hình ảnh ẩn dụ bà Tú chẳng khác nào “thân cò” tội nghiệp kia,phải lặn lội kiếm sống,nuôi gia đình “khi quãng vắng,buổi đò đông”. Cụm từ “khi quãng vắng”vừa chỉ thời gian: lúc muộn màng nhất, chiều muộn, lúc mà mọi người đã nghỉ ngơi,quây quần bên gia đình thì bà Tú vẫn phải tần tảo,lặn lội với công việc của mình; vừa chỉ không gian:địa điểm vắng vẻ,ít ai lui tới vậy mà bà Tú vẫn phải dấn thân kiếm từng đồng tiền bát gạo để nuôi chồng,nuôi con.Đảo ngữ “eo sèo” vừa là từ tượng hình vừa là từ tượng thanh gợi quang cảnh chợ đông,người mua kẻ bán chèo kéo ồn ào,phức tạp mà bà Tú vốn là con nhà khuê các bây giờ phải hòa vào môi trường hỗn tạp,không ít khó khăn.Bên cạnh đó “ buổi đò đông” gợi liên tưởng tới chuyến phà Tân Đệ xưa,tấp nập, không tránh khỏi sự chen lấn,xô bồ.Vậy mà bà Tú vẫn làm việc quanh năm cho thấy sự tần tảo,đảm đang tháo vát,giàu đức hi sinh vì chồng,vì con của bà Tú,cũng qua đó cho thấy sự thương cảm,xót xa của ông Tú đối với vợ của mình.

Từ nỗi vất vả cực nhọc của bà Tú,ông Tú đã khái quát nên sự hi sinh thầm lặng của bà:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công”​

Quanh năm buôn bán ở mom sông

“Duyên nợ” theo quan niệm dân gian là từ dùng để chỉ quan hệ tình cảm gắn bó khăng khít đặc biệt là tình cảm vợ chồng. “Duyên” là duyên may hạnh phúc. “nợ” là gánh nặng bởi vậy mà Tú Xương mới tách câu thơ ra thành “một duyên /hai nợ”.Bà Tú lấy ông Tú có thể coi là cái duyên hạnh phúc vì được ông trân trọng nhưng duyên thì chỉ có một mà nợ thì lại nhiều gấp đôi,câu thơ như tiếng thở dài của ông Tú thay cho vợ của mình.Đây cũng là tiếng nói cảm thương,trân trọng của ông Tú dành cho bà Tú,cuộc sống vất vả,chuân chuyên là thế mà bà không hề oán than nửa lời,trái lại còn “âu đành phận”- chấp nhận thiệt thòi,chấp nhận cuộc sống vất vả,cơ cực.Thành ngữ “năm nắng mười mưa” khiến ta liên tưởng tới thành ngữ “một nắng hai sương”,thành ngữ đã nhấn mạnh sự nhọc nhằn,vất vả nhưng bà Tú vẫn tự nhủ “dám quản công”-không so đo hay kể công.Từ vần thơ của ông Tú ta thấy được tình yêu thương và đức hi sinh lớn lao,hết lòng vì chồng vì con của bà Tú.Phải chăng sự nhẫn nhịn,vị tha,hi sinh của bà Tú cũng là những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam?

Từ sự cảm thông,thấu hiểu nỗi vất vả của bà Tú,ý thơ đột ngột thay đổi:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không”​

Tiếng chửi “cha mẹ thói đời” là tiếng nói gay gắt, quyết liệt, đày căm phẫn của ông Tú đối với “thói đời”hay chính là xã hội phong kiến đầy bất công ngang trái không biết trọng dụng nhân tài đã khiến con người tài đức như ông Tú trở thành bất tài,vô dụng.Đồng thời là tiếng nói lên án xã hội đối xử không công bằng đối với người phụ nữ,trói buộc họ trong “tam tòng” tứ đức,trong những hủ tục hà khắc và trút tất cả những gánh nặng lên đôi vai bé nhỏ của họ. Bên cạnh đó,ông Tú còn lên tiếng chửi chính bản thân mình “Có chồng hờ hững cũng như không”,tự cho mình là vô tích sự ,đã không giúp gì cho vợ con lại còn là gánh nặng cho gia đình.Đó là sự chân thành của ông Tú bởi lẽ ông tự nhận ra lỗi lầm của mình,ăn năn,hối hận,bởi vậy ông Tú đáng thương hơn đáng trách.

Với thể thơ thất ngôn bát cú ngắn gọn,hàm súc kết hợp với các yêu tố của văn học dân gian,giọng điệu thơ vừa trữ tình vừa trào phúng đã tạo nên nét độc đáo rất riêng của bài thơ.Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ đã góp phần truyền tải nội dung nhân đạo,nhân văn sâu sắc:Tình yêu thương vợ,nỗi vất vả,chuân chuyên và đặc biệt là thái độ trân trọng của ông Tú dành cho vợ.Cũng qua đó người đọc có thể cảm nhận được vẻ đẹp con người tác giả.Bài thơ “Thương vợ” nói riêng và văn chương của Tú Xương nói chung đã tạo điểm nhấn và là giàu có,đặc sắc,cuốn hút cho nền văn học Trung Đại Việt Nam. “Thương vợ” là một bài thơ đặc sắc mà có lẽ hiếm có bài thơ nào khác đạt cảm xúc sâu sắc đến thế.Đọc “Thương vợ” ta càng cảm thông với những tâm tư của người phụ nữ xưa,càng thêm yêu quý những người mẹ, người chị hôm nay.

Leave a Reply