Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Liên qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút tài hoa, xuất sắc của nền văn học Việt Nam Truyện của Thạch Lam luôn có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. “Hai đứa trẻ” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam. Tác phẩm là bức tranh tâm trạng của Liên trong khoảnh khắc cuối cùng của một ngày.

Tác phẩm Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn, xuất bản năm 1938. Truyện nhưng không có chuyện, chỉ là câu chuyện tâm tình. Câu chuyện không phát triển theo logic sự kiện mà giống như một bài thơ trữ tình đầy xót thương, gói gọn trong không gian nhỏ hẹp nơi phố huyện nghèo hẻo lánh với những con người nhỏ bé, những cảnh đời đơn điệu hắt hiu. Toàn truyện là những cảm xúc và tâm trạng của những đứa trẻ nơi phố huyện đó trong khoảng thời gian từ chiều đến đêm. Ngòi bút của Thạch Lam thật tinh tế khi miêu tả sâu sắc những rung động trong tâm trạng nhân vật. Trước hết là tâm trạng của Liên trong bức tranh phố huyện lúc chiều tà. Câu chuyện mở ra trong một khung cảnh chiều buồn man mác. Liên và An là những đứa trẻ từng sống ở Hà Nội, nay theo mẹ về vùng quê hẻo lánh. Liên ngồi trong không gian bóng tối để những nỗi buồn chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ. Liên cảm nhận được cái yên lặng của khung cảnh chiều quê quen thuộc. Đó là phương Tây đỏ rực như lửa cháy, những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn…gợi lên cái nhịp thời gian đang trôi, gieo vào lòng người một sự nuối tiếc mơ hồ, có cái gì đó quá khó nắm bắt.Cùng với cảm giác về thời gian còn là âm thanh tiếng ếch nhái văng vẳng ngoài đồng ruộng, tiếng muỗi vo ve, mùi âm ẩm và mùi cát bụi quen thuộc… Đó là những xúc cảm rất quen thuộc, thể hiện sự gắn bó với quê hương.Cảnh chợ tàn người về hết và tiếng ồn ào cũng mất…càng khiến lòng Liên thấm đẫm nỗi buồn về một cuộc sống xác xơ, tiêu điều, đang đi vào tàn lụi.

diễn biến tâm trạng nhân vật Liên

Từ quán hàng chật hẹp nhỏ bé của mình, Liên hướng tầm nhìn ra khung cảnh xung quanh và càng thêm xót thương cho những kiếp người nhỏ bé, mong manh. Liên thương xót cho những đứa trẻ nghèo phải nhặt nhạnh tất cả những thứ còn xót lại của một phiên chợ tàn.Liên chia sẻ với mẹ con chị Tí bằng sự thấu hiểu cuộc sống tẻ nhạt, quanh quẩn của mẹ con chị. Liên còn chia sẻ với sự ế ẩm của gánh phở bác Siêu, gánh đi gánh về gợi lên một nhịp sống buồn tẻ.Không chỉ thương xót, thậm chí Liên còn sợ hãi trước tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi điên. Đó là cảm nhận về sự mỏng mang của kiếp người. Liên còn cảm nhận được cái tù túng trong cuộc sống của chính bản thân mình: giam hãm trong gian hàng nhỏ, lắm muỗi, chiếc chõng tre sắp gãy, tính nhẩm, “ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì”. Liên cảm nhận được nỗi buồn thấm thía trước cảnh quá quen của những kiếp người nhỏ bé, leo lét trong không gian mênh mông tăm tối của phố huyện. 

Tâm hồn nhỏ bé và nhạy cảm của Liên cũng buồn và nuối tiếc một quá khứ xa xăm-những ngày sống ở Hà Nội- một Hà Nội sáng rực và huyên náo với những cốc nước xanh đỏ. Đó là một quá vãng xa xôi mà giờ đây trong tâm trí Liên tất cả hiện lên đều không rõ ràng. Liên có cái nhìn huyền diệu về vũ trụ bao la thăm thẳm và bí ẩn. Đó là một vò trời ngàn sao lấp lánh, dải Ngân Hà, ông thần Nông cùng con vịt. Thế nhưng vũ trụ lại quá xa lạ với tâm hồn trẻ thơ, nó làm “mỏi trí nghĩ” của hai chị em. Nên chỉ một lúc sau, hai chị em “lại cúi nhìn về mặt đất”.Cảnh đồng quê về đêm thật yên tĩnh, lặng lẽ. Tất cả sự dày đặc của bóng tối đang vây quanh “ đường phố và các con ngõ chứa đầy bóng tối” trong khi đó các cửa nhỏ chỉ để hé ra “một khe ánh sáng”, những vệt sáng của đom đóm, các “quầng sáng thân mật xung quanh ngọn đèn”. Sự đối lập gay gắt giữa bóng tối và ánh sáng tô đậm sự buồn tẻ, lay lắt của phố huyện – một cuộc sống tối tăm, quẩn quanh. Điều đó càng khiến tâm hồn Liên thấm thía nỗi buồn.

Trong tâm trạng buồn Liên hoài niệm về quá khứ và khao khát, hi vọng đợi chờ: đó là hi vọng chờ đợi một chuyến tàu đêm đi qua. Diễn biến tâm trạng chờ tàu của hai chị em Liên được Thạch Lam miêu tả khá tinh tế. Liên chờ tàu không phải để bán hàng mà là chờ đợi chỉ vì muốn nhìn chuyến tàu như nhìn thấy một cuộc sống mới náo nhiệt và sáng sủa hơn cuộc sống thường nhật của họ. Bởi vậy, An mặc dù đã buồn ngủ díu cả mắt vẫn cố dặn chị “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Hai chị em Liên chời đợi tàu trong tâm trạng háo hức, bồi hồi như chờ đợi phút giao thừa thiêng liêng. Liên lặng lẽ chờ đợi với tâm trạng yên tĩnh trong tâm hồn. Đoàn tàu đến trong sự mong chờ của chị em Liên. Liên và An hướng cả hồn mình vào đoàn tàu khi còn ở xa “tiếng còi đã rít lên và tàu rầm rộ đi tới với những toa hạng sang, kèn và đồng lấp lánh, các cửa kính sáng.Con tàu đã đem đến một thế giới khác đi qua, một thế giới rực rỡ, vui vẻ, huyên náo- một thế giới khác hẳn với sự nghèo khổ hàng ngày.Đoàn tàu chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi vụt qua đi vào đêm tối. Ta bắt gặp phía sau đoàn tàu một nguồn ánh sáng nhỏ nhoi chỉ trực tan hòa vào bóng tối. An nhận ra tàu hôm nay “kém sáng hơn”, nhưng Liên vẫn “lặng theo mơ tưởng”. Đoàn tàu không làm thay đổi cuộc sống nơi phố huyện nhưng sự xuất hiện của nó đủ để lại niềm khao khát cho những con người nơi đây.

“Hai đứa trẻ” với cốt truyện đơn giản, giọng văn trữ tình, sâu lắng, giàu chất thơ kết hợp với bút pháp hiện thực xen lẫn lãng mạn, đặc biệt là thành công trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc. Những nghệ thuật đặc sắc ấy đều nhất loạt vẽ lên bức tranh phố huyện buồn tẻ, đói nghèo quẩn quanh, bế tắc.Đây cũng chính là cảnh làng quê Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt, “Hai đứa trẻ” cũng đã cho thấy tấm lòng nhân đạo, cảm thương đối với con người, thiết ta gắn bó với quê hương của tác giả Thạch Lam, đồng thời trân trọng khát vọng đổi đời dù mơ hồ của con người nơi phố huyện nhỏ.Chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”

“Hai đứa trẻ” như một bài thơ trữ tình đượm buồn về cuộc sống đói nghèo, bế tắc của những con người nơi phố huyện qua cái nhìn của chị em Liên. Qua đó tác phẩm thể hiện những giá trị nhân đạo mới mẻ, đặc sắc của Thạch Lam.

Leave a Reply