Phân tích nội tâm nhân vật Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao

Nhắc đến Nam Cao, người ta sẽ luôn nhớ đến một ngòi bút hiện thực phê phán xuất sắc của văn học Việt Nam những năm trước và sau Cách mạng tháng Tám với một phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo. Bởi lẽ mỗi khi đọc các tác phẩm của ông, đôi lúc ta sẽ không khỏi rùng mình bởi cái sắc lạnh trong ngôn từ, trong miêu tả và trong cả cách nhìn nhận sự việc. Nhưng đằng sau đó, lại ẩn chứa một tấm lòng cao đẹp, xót thương cho con người, cho những số phận bị bần cùng, bị xã hội tha hóa đến đánh mất cả nhân tính lẫn nhân hình, nhưng vẫn luôn mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và chính tài năng ấy, bằng nghệ thuật miêu tả, phân tích diễn biến tâm lí nhân vật xuất sắc, đã khiến hình tượng người nông dân hiền lành, chân chất bị xã hội đày đọa, tha hóa, biến chất đến mức trở thành “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” hiện lên vô cùng rõ nét, không ai khác chính là nhân vật Chí trong tác phẩm Chí Phèo. Bi kịch nối tiếp bi kịch. Nhưng phải đến khi Chí gặp Thị Nở, cốt truyện của Nam Cao mới được đẩy lên đến cao trào. Tất cả dường như đã kết thúc, nhưng không, cái xã hội thối nát đó vẫn không buông tha cho Chí Phèo…

Chí đã có một hoàn cảnh vô cùng đáng thương

Ngay từ thuở bé, Chí đã có một hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Hắn được sinh ra trong một lò gạch cũ nát, nơi còn không được dùng để ở. Thậm chí, Chí còn đáng thương đến mức không biết cha mẹ mình là ai, chỉ cô độc lớn lên như thế dưới bàn tay cưu mang của anh đi thả ống lươn, bà góa mù rồi ông phó cối,…, của mọi người trong làng. Tuy vậy, ông trời vẫn cho Chí bản chất lương thiện, giàu lòng tự trọng cùng với một ước mơ giản dị như bao người đàn ông khác -một mái ấm gia đình trọn vẹn. Nhưng rồi tai họa ập đến, năm 20 tuổi, anh nông dân chất phác hiền lành ấy bị lão Bá Kiến, tên địa chủ cường hào già đời ranh mãnh ghen tuông, tìm cớ đẩy vào tù chỉ vì đã bóp chân cho vợ lão. Từ đó, cuộc đời Chí bước sang một trang mới, Chí trở thành một tên lưu manh thực sự, rồi lại tiếp tục bị lừa gạt, đục khoét biến thành một con quỷ dữ, “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”: “cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm,…. Cái ngực phanh đầy nét chạm trổ…”. Chí không còn là Chí ngày xưa nữa. Bị tước mất quyền làm người, bị người đời xa lánh, Chí Phèo trượt dài vào những cơn say rượu triền miên, ngày ngày đi phá phách, rạch mặt ăn vạ, đánh mất cả nhân tính lẫn nhân hình của chính mình. Con quỷ như hắn tưởng rằng sẽ sống mãi kiếp thú vật, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó sau một trận say hay một lần đâm thuê chém mướn lại có một bước ngoặt vô cùng quan trọng, ấy là kể từ khi Chí Phèo gặp Thị Nở. Bằng trái tim nhân đạo của mình, Nam Cao đã đưa Chí trở về sống kiếp người thật tự nhiên.

Chí Phèo vô tình gặp được Thị Nở- một người đàn bà xấu xí “ma chê quỷ hờn”, ngẩn ngơ, ế chồng. Trong một lần uống say, Chí ngứa ngáy rồi ra bờ sông tắm. Rồi thị và hắn gặp nhau. Đang trong cơn say, cộng thêm bản năng khao khát ẩn sâu bấy lâu nay của người đàn ông được rượu đánh thức. Chuyện gì sẽ đến rồi cũng đã đến, hai người ăn nằm với nhau. Đến nửa đêm, Chí ốm, đau bụng nôn mửa. Thị Nở dìu Chí vào nhà và đi “nhặt nhạnh tất cả những manh chiếu rách đắp cho hắn”. Thị đã bắt đầu quan tâm đến Chí như thế, và nhờ đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, “con quỷ dữ tên Chí” thật sự tỉnh rượu, tỉnh cả tâm tính của một con người với bản chất lương thiện dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Sau đêm ấy, Chí tỉnh dậy khi “trời sáng đã lâu”. Kể từ khi mãn hạn tù, có vẻ đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say. Miệng đắng, chân tay uể oải. Chí bỗng dưng thấy lòng “bâng khuâng”. Chí “mơ hồ buồn”. Và cũng hôm ấy, lần đầu tiên, hắn cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống: “Mặt trời đã lên cao và nắng bên ngoài đã rực rỡ. Cứ nghe tiếng chim ríu rít bên ngoài là đủ biết….Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài đi gõ mái chèo đuổi cá”. Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào mà chẳng có. Đó là giai điệu của cuộc sống đời thường, tiếng gọi thiết tha trở lại cuộc sống. Ấy vậy đến “hôm nay hắn mới nghe thấy…” những âm thanh báo hiệu một cuộc sống trở về. “Một cuộc vùng lên, một cuộc lật đổ”. Chí sẽ trở về làm người, bản chất lương thiện đang được đánh thức.

Trong Chí đang dâng trào những cảm giác, cảm xúc mà có lẽ lâu lắm rồi, từ trước khi bị đày đọa, mới có được. Và vì cảm thấy rồi, “cái lòng” của Chí Phèo mới nhói lên. Mọi thứ đã gợi lại quá khứ mà hắn đã lãng quên bấy lâu nay. Cả cuộc đời triền miên trong những cơn say, lần đầu tiên Chí biết thế nào là buồn. Một người bắt đầu biết suy nghĩ về cuộc sống có nghĩa là cũng đã biết tự chiêm nghiệm về mình. Và Chí Phèo bắt đầu nhìn lại chính bản thân mình bấy lâu nay. Nhịp sống trở lại đã đưa hắn về lại với những ký ức xa xôi, với những ước mơc bình dị như biết bao người dân quê khác. Chí đã từng mơ ước có một gia đình nhỏ, một cuộc sống gia đình hạnh phúc được tạo dựng từ bàn tay lao động cần cù của chính mình. Rồi Chí lại nghĩ đến bản thân ở hiện tại. Nghĩ về tương lai đơn độc với tuổi già ốm yếu đang cận kề, hắn lại càng lo lắng hơn. Bởi lẽ, một cuộc đời từng trải đủ để khiến Chí Phèo nhận ra rằng cô độc còn đáng sợ hơn bệnh tật và đói rét. Thế nhưng càng nghĩ, Chí Phèo càng xót xa cho chính mình: “Hắn là một kẻ trắng tay. Đứng ở bên kia dốc cuộc đời, hắn biết mình đang bị bỏ rơi, bị mọi người xa lánh. Ngoài 40 tuổi đầu,… dầu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn, rằng những ước mơ lương thiện từng có ở một anh nông hiền lành chất phác đã không thể nào thực hiện được, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Thực sự quá đau đớn cho số phận của một con người khốn khổ!

nhân vật Chí Phèo

Và rồi, Thị Nở lại sang. Thị sang mang theo cho hắn một bát cháo hành, mang cho hắn sự quan tâm chăm sóc chân thành, mang cho hắn tình yêu và từ đó nhen nhóm lại cho hắn giấc mơ được trở lại kiếp người lương thiện. Bỏ qua những suy nghĩ ban nãy, Chí lại nghĩ đến Thị Nở. Tình yêu của Thị và Chí thật đẹp đẽ biết bao! Chí biết thị xấu lắm, xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng mà thị rất tốt bụng. Thị chính là người tốt bụng nhất trong cái làng Vũ Đại ai ai cũng xa lánh Chí này. Lúc Thị chăm sóc Chí sao mà ân cần, mộc mạc đến thế. Chí Phèo nhận bát cháo hành xoàng xĩnh của thị Nở mà cảm động đến mức “vừa húp vừa khóc”, “rất ngạc nhiên, hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt”. Đúng thế, bát cháo hành không chỉ là liều thuốc giải cảm, là tình người ấm áp mà còn là sự thức tỉnh, cầu nối đưa Chí Phèo về với lương thiện. Hương cháo hành đã dẫn dắt tính người quay lại, trong hình hài một con quỷ dữ, đánh thức khát khao, đánh thức ước ao, đánh thực niềm mong muốn được trở về với xã hội loại người. Chí đã không thể ngờ, từ một thằng chỉ biết đi rạch mặt, giành cướp lấy cái ăn của người khác lại có ngày được nhận từ ai đó sự chăm sóc, quan tâm. Thị Nở không những bỏ qua mọi sự sợ hãi căm ghét mà còn đem lại cuộc sống mới cho hắn. Chí Phèo rất hạnh phúc, “hắn cười thật hiền”, lần đầu tiên được chăm sóc bởi bàn tay một người đàn bà, dù có vì lý do nào đi chăng nữa Chí vẫn cảm thấy ấm áp. Nó đã khiến Chí ăn năn hối hận vì những gì trước đây mình đã làm, Chí thấy thèm “lương thiện”. Hơn hết, Chí Phèo muốn tiếp tục ước mơ còn đang dang dở của mình, sống một cuộc sống gia đình thật đầm ấm, hạnh phúc bên một người vợ là Thị Nở. “ Con quỷ dữ của làng Vũ Đại” đang yêu, đang thẹn thùng ngại ngùng khi nghĩ đến thị. “Cứ thế mãi như này thì thích nhỉ”. Và Chí Phèo hy vọng: “Hắn muốn làm hòa với mọi người. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn. Họ sẽ nhận thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại ai. Họ sẽ nhận lại hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Chí Phèo đâu có hoàn toàn đáng sợ như người ta tưởng. Hắn đáng sợ chỉ vì bởi người ta đã lợi dụng để biến hắn thành như vậy. Bản tính lương thiện vẫn tồn tại trong con người Chí Phèo và giờ đây, khi được một tình người chân thành cảm hóa, nó được khơi dậy thành một khát khao mãnh liệt, phần người chân chất hiền lành trong hắn đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng đáng thương thay, cánh cửa ấy, cánh cửa được mở ra bởi tình yêu thương con người, nhưng lại là của một người đàn bà dở hơi, người duy nhất có thể trao đi yêu thương, một cánh cửa không vụ lợi lại không thể giúp hắn thoát ra cái xã hội tối tăm thối nát nên đã vội vàng đóng chặt.

Mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu như Thị đồng ý tấm chân tình của hắn, đáng tiếc người đàn bà ấy dở hơi ấy đã từ chối bởi bà cô của thị không cho phép cháu gái lấy một thằng “chỉ có mỗi cái nghề là rạch mặt ăn vạ”. Nhưng không thể trách gì bà ta, đó cũng là cách nhìn của cà làng Vũ Đại và rộng ra là cả xã hội với quan niệm không thể cổ hủ hơn. Chí bị thị Nở cự tuyệt. Tất cả đều coi hắn là quỷ dữ. Chí cố níu kéo nhưng không thể được. Hắn lại rơi vào bi kịch đen tối bị cự tuyệt làm người. Thế là hắn lại tìm đến rượu. “Càng uống càng tỉnh”, hắn cứ uống cho đến lúc say mềm lại vừa vác dao vừa đi vừa chửi, lại trở lại giống như xưa. Nhưng không, mồm thì chửi cô cháu nhà thị Nở, nhưng chân thì lại đưa đến nhà Bá Kiến. Hắn đến nhà Bá Kiến để “xin làm người lương thiện”. Xã hội ấy còn tàn bạo đến đâu cũng không thể hủy hoại được ánh sáng nhân phẩm trong con người cơ cực. “Ai cho tao lương thiện?”. Tiếng nói của Chí chính là tiếng là của những con người bị xã hội tha hóa đến mức không còn lối thoát. Chính kẻ gieo nhân xấu sẽ phải gặp quả báo. Thấm thía tình trạng tuyệt vọng của mình và con đường trở về lương thiện là không thể. Chí biết Chí đã bị đẩy đến bước đường cùng. Hắn đã lao vào đâm chết Bá Kiến và cũng tự kết thúc cả cuộc đời mình. Cái chết của Bá Kiến đã khẳng định: “nợ máu phải trả bằng máu”. Còn cái chết của Chí Phèo đã thể hiện ý tưởng nhân đạo sâu xa nhằm góp phần tạo nên giá trị hiện thực của tác phẩm. Chí Phèo chết là bản án tố cáo xã hội đương thời, một xã hội phi nhân tính đã tước bỏ quyền sống, quyền làm người của những người dân lương thiên. Chí Phèo chết, thà chết chứ không chịu quay lại con đường lưu manh, không chịu sống kiếp sống của loài cầm thú chuyên làm điều ác. Thà chết chứ không chịu bỏ khát vọng hoàn lương. Đó là sự cảm thông và cũng là niềm tin của chúng ta, của tác giả Nam Cao vào bản chất tốt đẹp của con người.

Hình tượng người nông dân bị tha hóa đến mất đi nhân tính, nhân hình nhưng vẫn ẩn chứa phần người lương thiện của nhân vật Chí Phèo đã cho thấy cái tâm, cái tài năng xuất chúng trong bút pháp phân tích, miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật sâu sắc, biến hóa cốt truyện đầy kịch tính cùng ngôn ngữ giản dị mà sống động của nhà văn Nam Cao. Chí Phèo chính là đại diện của lớp lớp những con người với khát khao cháy bỏng, niềm mong ước đến tột cùng được sống lương thiện, được sống như một “con người” trong cái xã hội bần cùng, thối nát. Và cũng chính vì những giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo đó, “Chí Phèo” xứng đáng là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất của nền văn học trung đại Việt Nam.

Leave a Reply