Phân tích tác phẩm Làng của tác giả Kim Lân

Ý chính trong bài:

Ngay ở những câu văn đầu tiên của tác phẩm, Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình khắc họa nên hình ảnh một người nông dân chân chất, thân thiện và cần cù lao động cùng với tấm lòng yêu làng, yêu nước sâu sắc của ông. Bởi kháng chiến đang diễn ra, theo sự chỉ đạo của ủy ban kháng chiến, ông Hai cùng gia đình phải tản cư đến vùng đất Thắng. Thật ra, lúc đầu ông Hai không muôn rời xa làng vì ông vẫn muốn ở lại cùng với đội du kích đào đường đắp ụ để bảo vệ cái làng Chợ Dầu thân yêu của mình. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình neo bấn, vợ con thúc bách quá, cực chẳng đã ông đành rời làng đến nơi ở mới. Ra đi, ông Hai cứ an ủi mình rằng “ tản cư cũng là kháng chiến”. Khi bước chân lên xã Thắng, gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nhỏ lớn trong nhà đều phải ra sức làm việc: ông Hai vỡ đất để trồng sắn, vợ ông bán quán cùng đứa con lớn, còn hai đứa nhỏ thì ông để chúng ra vườn trông mấy luống rau. Công việc của ông Hai – trụ cột trong gia đình, hết sức vất vả, “Có một mình, ông phải làm cố, hai vai ông mỏi nhừ.”, công việc mệt nhọc như vậy khiến ông lại càng thêm nhớ về làng Chợ Dầu nhiều hơn. Ông nhớ những ngày mình làm việc cùng anh em, “cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào cũng cuốc mê man suốt ngày. Nghĩ đến đấy, ông “thấy mình như trẻ ra”, “lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên”. Càng nghĩ về làng bao nhiêu, ông lại muốn trở lại làng bấy nhiêu, ông muốn một lần nữa được cùng anh em đào đường đắp ụ, khuân đá…Rồi ông lại nhớ đến cái chòi gác đầu làng, không biết nó dựng xong chưa và những đường hầm bí mật chắc còn lâu lắm mới hoàn thành. Tình yêu làng của ông không dừng lại ở đó. Với tính hay khoe khoang của mình, ông đi khắp nơi kể về làng Chợ Dầu một cách say sưa, náo nức. Cứ mỗi lần như thế đôi mắt ông như sáng hẳn lên. Với ông, ngôi làng của ông vốn đã là một điều gì đó vô cùng thiêng liêng và đẹp đẽ. Nay ở trong căn bếp tản cư chật hẹp, cái làng ấy lại càng đẹp hơn, trở thành một niềm mong ước, khao khát mãnh liệt. Điều đó hoàn toàn không phải phóng đại. Tâm sự của ông Hai là tâm sự của một người gắn bó với làng tha thiết, yêu làng bằng một niềm tự hào chân chính.

cái chòi gác đầu làng

Tuy nhớ làng, yêu làng nhưng ông Hai vẫn không quên nghe ngóng tin tức kháng chiến. Mặc dù ông từng học lớp bình dân học vụ, biết đọc, biết viết nhưng chữ in khó nhận mặc chữ, lại không thể cầm mãi tờ báo mà không cho người khác đọc nên ông chỉ có thể đứng vờ vờ xem tranh rồi nghe lỏm người khác đọc. Cũng chính vì thế mà ông ghét “những anh cậy ta đầy lắm chữ, đọc báo lại cứ đọc thầm một mình”. Hôm nay, gặp phải anh dân quân đọc to rõ, ông nghe được rất nhiều tin vui thắng lợi, ông mừng rỡ vô cùng. “Ruột gan ông lão cữ múa cả lên, vui quá!” Thế mà, vui chưa được bao lâu thì Kim Lân đã đưa ông Hai vào một tình huống không ngờ tới – làng Chợ Dầu theo giặc.

Cái tin “sét đánh ngang tai” ấy được một tốp người đi tản cư kể lại. Tin tức khiến ông Hai hết sức bàng hoàng, “Cổ ông lão nghẹn đắng lại, da mặt tê rân rân”, ông lặng người tưởng như không thể thở được, lúc sau “ông mới rặn è è, nuốt cái gì vướng ở cổ”. Ông lão như vừa bị mất một cái gì quý giá, thiêng liêng lắm. Ông trả tiền nước rồi về nhà. Những câu văn diễn tả tâm trạng thật xúc động: Đến nhà, ông liền nằm vật ra. Nhìn lũ con đang chơi đùa mà nước mắt ông cứ giàn ra “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?” Ông thật căm hận những kẻ Việt gian bán nước. Nhưng ông lại nhận ra điều gì đó sai sai, ông kiểm lại từng người trong làng thì thấy ai cũng có tinh thân cả, họ ở lại đó quyết tâm chống giặc giữ nước mà. Tiếp, ông lại nghĩ không có lửa làm sao có khói, dân làng không làm chuyện xấu ắt không có tin đồn. Chính vì hai cái suy nghĩ ấy mà ông băn khoăn mãi. Cả đêm, ông trằn trọc không ngủ được, ông trở mình hết lần này đến lần khác rồi thở dài. Từ hôm đó, cả nhà ông Hai sống trong bầu không khí ảm đạm: "Gian nhà lặng đi, hiu hắt, ánh lửa vàng nhờ nhờ ở ngọn đèn dầu lạc vờn trên nét mặt lo âu của bà lão. Tiếng thở của ba đứa trẻ chụm đầu vào nhau ngủ nhẹ nhàng nổi lên, nghe như tiếng thở của gian nhà." ông Hai ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng nơm nớp, bất ổn trong nỗi tủi nhục ê chề. Thậm chí ông không dám nhắc tới, phải gọi tên cái chuyện phản bội là "chuyện ấy". Ông tuyệt giao với tất cả mọi người, "không dám bước chân ra đến ngoài" vì xấu hổ. Có vẻ, ông sợ rằng mụ chủ nhà sẽ không cho gia đình ông sống ở đây nữa. Thế rồi, chuyện ông lo lắng bấy lâu cũng xảy ra. Mấy ngày sau khi tin đồn bắt đầu, mụ chủ nhà đã thực sự lên tiếng đuổi. Gia đình ông Hai rơi vào tình thế căng thẳng. Ông Hai phải đối mặt với tình cảnh khó khăn nhất: "Thật là tuyệt đường sinh sống!”, ”đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Mà cho dẫu vì chính sách của Cụ Hồ người ta chẳng đuổi đi nữa, thì mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu.". Đến đây, ta mới hiểu rõ về con người hay chuyện tưởng chừng rất đơn giản, bộc trực kia. Tình yêu làng giờ đây đã trở thành tình yêu có ý thức, hòa nhập và lòng yêu nước. “Về làm gì cái làng ấy nữa. Về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ.” Nhớ lại những tháng ngày đen tối bị đàn áp xưa kia, ông đã có quyết định rõ ràng, đúng đắn. Là người nông dân chân lấm tay bùn nhưng ông Hai có nhân thức cách mạng rõ ràng : “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.” Nhận thức rất mới này là một nét đặc biệt trong tính cách của ông Hai, đánh dấu sự thay đổi của người nông dân sau Cách mạng Tháng Tám. Bao nỗi niềm của ông giờ đây không biết giãi bày cùng ai, ông đành trút cả vào những lời trò chuyện cùng đứa con thơ dại. Khi nghe những câu trả lời của đứa con út rằng nó yêu làng Chợ Dầu, rằng “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”, ông đã rất xúc động.

Công việc của ông Hai – trụ cột trong gia đình

Thời điểm ấy, nhà văn đã nhìn thấy những nét đáng trân trọng bên trong người nông dân chân lấm tay bùn. Nhân vật ông Hai, một người có tình yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến mãnh liệt. Với các chi tiết miêu tả tâm lí nhân vật, Kim Lân đã thể hiện trạng thái tâm lí hết sức đặc trưng của một người nông dân tủi nhục, đau đớn vì cái tin làng mình phản bội. Và tác giả đã không phụ lòng người đọc. Khi nghe tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu, ông Hai đau khổ, tủi nhục bao nhiêu thì giờ đây, phát hiện nó không phải sự thật, ông lại vui mừng, sung sướng bấy nhiêu. Ông như sống lại. “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên.”. Một lần nữa, tình yêu làng, yêu nước của ông được thể hiện một cách chân thực và cảm động. Nguồn sinh lực ngày nào đã trở về trong ông. Ông Hai lại là ông Hai của những ngày trước. Ông lại nói về làng mình, về “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn !” Niềm vui sướng của ông được thể hiện thật hồn nhiên, chân thật và rất mãnh liệt. Có lẽ không ai trên đời lại đi khoe, đi mừng việc nhà mình bị đốt như thế. Nhưng với ông Hai, điều đó đâu có là gì so với niềm vui khi thanh danh của làng được rửa. Vì sự mất mát ấy cũng là sự hồi sinh của một làng Chợ Dầu mà ông hằng yêu và xứng đáng với tình yêu ấy : làng Chợ Dầu kháng chiến. Tình yêu làng là cơ sở, là biểu hiện hùng hồn nhất của tình yêu nước trong ông Hai. Nếu so với lão Hạc của Nam Cao hay chị Dậu của Ngô Tất Tố trước Cách mạng tháng Tám – những người nông dân cả cuộc đời đầu tắt mặt tối trong ruộng vườn thì nhân vật ông Hai đã có nhận thức rõ ràng về cách mạng, về kháng chiến. Ông đã nhận ra rằng : Đất nước còn thì làng còn, đất nước mất thì làng cũng mất. Đây không chỉ là sự thay đổi trong suy nghĩ người nông dân, mà còn là suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam thời điểm đó. Họ sẵn sàng hy sinh những cái riêng, những cái nhỏ vì sự nghiệp chung, vì cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Họ không hề quên đi cội nguồn của mình mà gìn giữ nơi ấy ở trong tim, biến thành động lực chiến đấu để giải phóng đất nước, giải phóng quê hương.

Truyện ngắn “Làng” đã xây dựng thành công nhân vật ông Hai, đặc biệt qua tình huống tin đồn thất thiệt về làng Chợ Dầu. Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện có tính căng thẳng để thử thách nhân vật. Nó đã cho ta thấy chiều sâu của nhân vật ông Hai, những nét tính cách, những chuyển biến trong nhận thức và tính cảm của ông, và hơn hết là tình yêu làng, yêu nước tha thiết. Cũng như câu nói của Nguyễn Minh Châu : “Tình huống là một loại sự kiện đặc biệt của đời sống, được sáng tạo ra theo hướng lạ hóa. Tại đó, vẻ đẹp nhân vật hiên ra sắc nét, ý nghĩa tư tưởng phát lộ toàn diện.”. Đồng thời, Kim Lẫn cũng vô cùng thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, từ cử chỉ hành động, đến độc thoại, độc thoại nội tâm, đối thoại để có thể lột tả hoàn toàn tính cách nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện rất linh hoạt, tự nhiên, lúc dềnh dàng, lúc đột ngột tùy theo diễn biến cốt truyện. Bên cạnh đó, vốn am hiểu cuộc sống nông thôn nên ngôn ngữ của ông Hai đã dùng khẩu ngữ, bình dị, gần gũi và đậm chất nông dân.

Ông Hai là một nhân vật độc đáo mang nhiều đặc điếm chung tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm tính cách rất riêng, rất thú vị. Ông đã trở thành linh hồn của Làng và thể hiện trọn vẹn tư tưởng của nhà văn và tác phẩm.

Leave a Reply