Qua các tác phẩm đã học em hãy chứng minh Nguyễn Bính là nhà thơ "Chân quê" hay viết về mùa xuân

Trong các nhà thơ của phong trào Thơ Mới (1932 – 1945), Nguyễn Bính chắc chắn là một trong những thi sĩ đưa Tết vào thơ nhiều hơn cả. Trong số 272 thi phẩm viết trước Cách Mạng của thi sĩ chân quê, chúng tôi thống kê có tới 41 lần từ Tết xuất hiện. Tết còn đi vào ngay nhan đề của một số bài thơ như: Tết, Tết của mẹ tôi, Tết biên thùy. Đi vào thơ Nguyễn Bính, Tết không chỉ gợi ý niệm về thời gian mà còn gợi cả những ý niệm không gian cùng một tấm lòng thiết tha vô hạn với quê hương của tác giả.

Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một nhà thơ của thôn quê Việt Nam truyền thống. Thơ của Nguyễn Bính mang bản chất trữ tình, đôn hậu. Nhẹ nhàng nhưng chứa chan tình cảm. Trong thơ Nguyễn Bính chúng ta không thấy ngôn từ bóng bẩy, văn hoa của thị thành. Đã từ lâu nhiều nhận xét trên thi đàn văn học qua bộ môn thi ca tiền chiến đều đồng ý cho rằng Thơ Nguyễn Bính gần gũi với dân chúng nhất, gần gũi như cành lá sớm mai, tiếng chim hót trên hàng tre ban trưa và làn khói lam thổi cơm buổi chiều...

Trong mạch thơ tìm về khung cảnh làng quê xưa để hoài niệm, để tìm một sự yên lắng cho tâm hồn tránh những rối rắm của kinh thành đô thị thì những bài thơ xuân của Nguyễn Bính có một ý nghĩa đặc biệt. Mùa xuân là mùa “đâm chồi” những giao cảm tình người. Nguyễn Bính lại là người sớm tha hương phiêu bạt tứ xứ, nên mỗi độ xuân về ông càng thổn thức tưởng đến quê hương, đến người thân.

Nguyễn Bính có một biệt tài không lẫn là có thể lay động cái hồn quê ở trong mỗi người chúng ta nhờ sức mạnh của những vần thơ. Thơ Nguyễn Bính có đặc điểm chung là thường dùng phương thức tự sự - phương thức truyền thống của văn học Việt Nam. Tự sự thường dễ bị sa vào kể lể dông dài, đơn điệu, nhàm chán. Nhưng thơ Nguyễn Bính luôn thu hút, lôi cuốn người đọc. Chiếc cầu nối chắc bền nhất thi sĩ với công chúng và cũng là điều quyết định sức sống của thơ ca chính là “hồn quê".

Các tác phẩm của Nguyễn Bính có thể chia làm hai dòng "lãng mạn" và "cách mạng" mà dòng nào cũng có số lượng đồ sộ nhưng khi nói về Nguyễn Bính là nói về nhà thơ lãng mạn của làng quê Việt Nam. Thơ Nguyễn Bính đến với bạn đọc như một cô gái quê kín đáo, mịn mà, duyên dáng. Người đọc thấy ở thơ ông những nét dung dị, đằm thắm, thiết tha, đậm sắc hồn dân tộc, gần gũi với ca dao. Cái tình trong thơ Nguyễn Bính luôn luôn mặn mà, mộc mạc, sâu sắc và tế nhị hợp với phong cách, tâm hồn của người Á Đông. Vì vậy thơ Nguyễn Bính sớm đi sâu vào tâm hồn của nhiều lớp người và đã chiếm lĩnh được cảm tình của đông đảo bạn đọc từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt là lớp người bình dân, họ thuộc lòng, ngâm nga nhiều nhất. Vì ngoài phần ngôn ngữ bình dân dễ hiểu, dễ thuộc còn một vấn đề khác khiến thơ ông trường tồn chính là tiếng nói trong thơ ông cũng là tiếng nói của trái tim nhân dân thời đó.

Trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, Nguyễn Bính lại gắn bó và hấp thụ tinh hoa ca dao, dân ca, truyện thơ dân gian cả về nội dung lẫn hình thức. Bài thơ "Chân quê" chính là tuyên ngôn của thơ Nguyễn Bính.

Hoài Thanh xếp Nguyễn Bính vào “dòng Việt”, tức là gồm một số ít nhà thơ mà “thơ của họ có tính cách Việt Nam rất rõ rệt”, “có chịu ảnh hưởng phương Tây nhưng rất ít và cũng không chịu ảnh hưởng của thơ Đường” (như Lưu Trọng Lư, như Nguyễn Nhược Pháp,…). Ông cũng đánh giá rằng: “Sau này Nguyễn Bính đi tìm chất Việt Nam lại trở về ca dao. Thơ Nguyễn Bính có cái vẻ mộc mạc của những câu hát đồng quê”.

Leave a Reply