Suy nghĩ của em về câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

DÀN Ý

1) Mở bài:

Từ xưa tới nay lòng biết ơn đối với những người làm nên thành quả luôn là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Để nhắn nhủ điều đó, cha ông ta đã gửi gắm trong câu tục ngữ: 

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

2) Thân bài:

- Luận điểm 1: Giải thích:

+ “Ăn quả” theo nghĩa đen là thưởng thức những trái thơm quả ngọt, nghĩa bóng là hình ảnh ẩn dụ cho sự kế thừa, thừa hưởng những thành quả lao động, vật chất, tinh thần.

Suy nghĩ của em về câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

+ “Kẻ trồng cây” chính là những người đã tạo ra những trái thơm quả ngọt ấy,những người đã dầm mưa dãi nắng, chăm sóc cây để cho ra những quả ngọt, hay chính là hình ảnh ẩn dụ cho thế hệ trước, cho những người lao động đã có công vun trồng, tạo ra những giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa 

=> Câu tục ngữ khẳng định khi được hưởng thành quả, chúng ta phải biết trân trọng, nhớ ơn đến những người tạo ra thành quả. Câu tục ngữ nhắn: con người cần có lòng biết ơn.

- Luận điểm 2: Suy nghĩ, chứng minh.

+ Tại sao chúng ta phải biết ơn?

  • Biết ơn thế ơn thế hệ đi trước là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, luôn được các thế hệ đi sau kế thừa, phát huy.
  • Là lối sống đẹp, đánh giá chuẩn mực đạo đức con người.
  • Thành quả được hưởng không phải tự nhiên mà có. Thàng quả có được là nhờ sự hy sinh của biết bao thế hệ đi trước.( Dẫn dắt anh hùng liệt sĩ, cha mẹ, thầy cô,..)
  • Con người có lòng biết ơn sẽ xây dựng một mối qua hệ tốt đẹp, xa hội văn minh,..
  • Không có lòng biết ơn, con người sẽ dễ lãng quên, thờ ơ, lạnh nhạt, vong ơn bội nghĩa,...
+ Chứng minh: Cuộc ống cho thấy con người Việt Nam luôn thể hiện lòng biết ơn:
  • Mọi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên- tưởng nhớ đến người đã khuất,...
  • Đều xây dựng nghĩa trang liệt sĩ,..
  • Kỷ niệm ngày 27/7, 20/11,..

- Luận điểm 3: Mở rộng vấn đề:

+ Ngày nay vấn đề vẫn còn nguyên giá trị, hướng con người đến lối sống đẹp,..

+ Phê phán những ai sống vong ơn bội nghĩa, thờ ơ, lạnh nhạt,...

- Luận điểm 4: Bài học nhận thức:

+ Chúng ta cần phải sống như thế nào?

  • Sống cần có lòng biết ơn đến thế hệ đi trước,..
  • Sống luôn thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng những thành quả đang được hưởng,..
  • Sống không thờ ơ, lạnh nhạt, vong ơn,..
  • Là học sinh sống cần có lòng biết ơn,..

3) Kết bài:

- Biết ơn là một lẽ sống đẹp, là thước đo để đánh giá phẩm chất mỗi người,..

- Câu tục ngữ tuy ngắn ngọn nhưng hàm chưa nhiều ý nghĩa sâu xa: sống cần có lòng biết ơn, trân trọng , nâng niu ,..thành của của các thế hệ đi trước.

BÀI LÀM THAM KHẢO

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc coi trọng nguồn cội. Từ xưa đến nay ông cha ta đã để lại cho ngàn đời sau những tài sản vật thể và phi vật thể vô giá, không thể không kể đến đó là những bài học cuộc sống. Chắc hẳn ai ai cũng chẳng còn xa lạ với bài học dân gian: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Câu nói ấy nhắc nhở ta về sự biết ơn nguồn cội, về ý thức sống của các thế hệ sau đối với những thế hệ đi trước. Bởi đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Ta có thể hiểu theo nghĩa đen rằng khi thưởng thức vị ngon của cây trái, ta phải nhớ đến công ơn của người trồng cây. Bao nhiêu năm cây lớn thành một cây cổ thụ ra hoa kết trái phục vụ cho đời, những người ấy đã đổ biết bao mồ hôi công sức từ những công đoạn đầu tiên, đào đất, ươm mầm, chăm sóc, vun trồng bón phân, tưới nước… để giờ đây ta được thưởng thức những tinh hoa của thành quả ấy.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc coi trọng nguồn cội

Tuy nhiên, đằng sau cách diễn đạt mộc mạc ấy là sự ẩn chứa một bài học nhân cách và đạo đức về đạo lý ở đời. “ Quả” còn có nghĩa là thành quả về vật chất, tinh thần mà ngày nay tất cả chúng ta đang được hưởng từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày. Những người tạo nên thành quả ấy là “kẻ trồng cây”. Trong cuộc sống hiện tại, những thứ ta đang hưởng thụ một cách hiển nhiên từ đồ ăn thức uống, từ cái tăm cái dép, cho đến cuộc sống tự do hạnh phúc chúng ta đang có hôm nay đều được dựng xây từ xương máu những người đi trước, những người đã hy sinh đấu tranh cho hòa bình dân tộc. Mọi thứ trên cuộc đời này không phải tự dưng mà có, không phải tự dưng mà mất đi, tất thảy đều được đánh đổi bằng mồ hôi công sức, bằng tính mạng và cuộc đời của con người. Để có được một bát cơm ngon, người nông dân phải một nắng hai sương trên cánh đồng nắng cháy, chăm cho từng hạt lúa từng tấc đất. Để có được một chiếc áo đẹp, những người thợ phải dệt sợi may vá, chăm chút đến từng mũi khâu. Con người ta hôm nay nhờ công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục, kiến thức ta bước vào đời do thầy cô ân cần dạy dỗ. Hơn tất thảy, cuộc sống ấm no mà ta trải qua từng ngày được đánh đổi bằng sự hy sinh to lớn của bao anh hùng liệt sĩ, những người chấp nhận ra đi trong đau đớn về thể xác và sự lo lắng trong tâm hồn khi chưa được tận mắt thấy nước nhà độc lập. Trong lúc ta đang hạnh phúc bên những người thân, hưởng thụ thành quả của những người đi trước thì rải rác bên những cánh rừng biên giới hay nơi hải đảo xa xôi vẫn còn bao hài cốt của những liệt sĩ vô danh chưa có người chăm sóc, vẫn vùi sâu trong đất mẹ mà chưa có ai hay. Nhớ ơn họ là điều bắt buộc với mỗi chúng ta.

Biết ơn người đi trước là một truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam, là lẽ sống tốt đẹp mà bao đời nay cha ông ta cố công gìn giữ, gửi gắm qua dân gian. Bài học về lòng biết ơn là bài học giáo dục về nhân cách,về thái độ sống và là cách gìn giữ truyền thống tốt đẹp để duy trì được nét đẹp tâm hồn, bản sắc văn hoá riêng của dân tộc.

Lòng biết ơn phải được thể hiện qua những việc làm cụ thể, dù ít dù nhiều. Ta cần phải duy trì, bảo tồn và gìn giữ di sản di vật tinh thần của những người đi trước để lại và tiếp tục phát huy những giá trị ấy cho đời sau. Tất cả những điều tốt đẹp ấy cần phải được lưu giữ để nó đã, đang và sẽ trở thành nét đẹp văn hoá riêng của đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số người sống quên nguồn cội, không biết trước biết sau, vong ân bội nghĩa, quay lưng với quá khứ, chỉ biết ăn quả mà không biết ai là kẻ trồng cây. Họ sẵn sàng chà đạp lên những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc trong khi toàn dân đang cố gắng phát huy những việc làm tốt đẹp thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn. Không ít các bạn trẻ đã và đang như thế. Chính lối sống chóng vánh vô cảm của hiện đại với những thú vui tầm thường vô nghĩa đã khiến cho một số bạn trẻ ngày nay quên mất những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, không tỉnh táo mà tiếp nhận những phù phiếm đang bôi nhọ truyền thống dân tộc . Thật đáng xấu hổ khi có nhiều người rõ ràng là có học thức, có trình độ nhưng lại vô ơn không biết gì về những nhân vật có công với đất nước trong lịch sử và những trang sử vàng của dân tộc bắt đầu từ thuở Hùng Vương dựng nước. Họ đang dần dần tự đánh mất chính mình, tự phủ nhận nguồn cội, thật đáng bị lên án.

Phát huy truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là việc cần thiết phải làm với mỗi người hiện nay. Chúng ta đang sống trong một dân tộc giàu truyền thống văn hóa, trong một đất nước đang phát triển trên xương máu của thế hệ đi trước. Chúng ta luôn phải biết ơn những công lao vô danh nhưng hết mực to lớn vĩ đại, phát huy và giữ gìn chúng để đất nước ta mãi là một cái nôi giàu truyền thống tốt đẹp như ông cha ta mong đợi.

Leave a Reply