Suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Nam Cao là một nhà văn của nhân dân. Ông sinh ra và lớn lên từ làng quê nghèo khổ nên đã có những cái nhìn, những sự thương cảm rất sâu sắc về số phận của người nông dân. Những tác phẩm viết về người nông dân của Nam Cao rất nhiều, nhưng tôi lại ấn tượng nhất với truyện ngắn Lão Hạc. "Lão Hạc" là tên truyện, đồng thời là nhân vật chính của truyện. Lão Hạc đại diện cho những người nông dân đang sống cơ cực dưới ách những kẻ thống trị tàn bạo, bất nhân. Hé mở cho chúng ta thấy về thực trạng xã hội và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam xưa.

Suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao

Lão Hạc là một nông dân thuộc vào loại nghèo nhất làng. Cũng như bao người khác, lão sống dưới ách của bọn lý dịch to nhỏ trong làng. Lão Hạc góa vợ đã lâu, lão có một đứa con trai nhưng đứa con ấy lại bỏ lão để đi làm đồn điền cao su, mãi vẫn chưa thấy về. Và lão, tuy nghèo khổ, tuy già yếu nhưng chưa bao giờ lão làm điều gì khiến hàng xóm phải phiền lòng. Lão khiến cho "ông giáo"-một người mà lão coi là ở trên hẳn lão phải kính phục lão. Lão Hạc không sống cô đơn. Làm bạn của lão còn có con chó vàng, mà lão âu yếm gọi là "cậu Vàng". Những cử chỉ âu yếm, dịu dàng mà lão dành cho một con vật đã khiến người đọc phải cảm động. Lão xem nó như con, là nguồn vui cuối cùng của cuộc đời khắc khổ. Thế nhưng trời nào có để yên đâu? Năm ấy trời bão, mất mùa, lão Hạc lại mới qua một trận ốm hai tháng mười tám ngày nên yếu sức rất nhiều, mà hoa lợi của khu vườn thì sạch cả, đến cả tiền cũng sắp hết. Thế là, sau khi do dự rất lâu, lão quyết định bán con chó vàng-con vật mà lão xem như con. Thật là bất ngờ. Ngay cả nhân vật "ông giáo" cũng không nghĩ lão sẽ bán con chó, thế nhưng cuối cùng rồi lão cũng bán. Lão đau đớn làm sao! Khổ thân lão, lão bán con chó mà tưởng như đang bán chính con ruột mình. Rồi lão sẽ ra sao? Sẽ sống sao trong cảnh cô quạnh hiu hắt? Cái đau đớn của lão có lẽ không diễn tả hết bằng lời. Còn gì đau bằng mình lừa chính người mà mình yêu thương nhất? Nhưng lão bán "cậu Vàng" đi cũng là vì lão nghĩ đến con lão. Già đến tuổi này, lão chưa cho con được thứ gì. Nó chỉ còn có cái vườn, thì lão nghĩ lão không được phạm đến cái vườn của con trai. Lão sẽ tự làm nuôi thân. Thế nhưng người cha thương con ấy sắp không thể giữ trọn cái vườn cho con vì gia cảnh quá nghèo túng. Và lão đã làm gì? 

Hỡi ôi...Lão đã bán con chó vàng trước, rồi sang gửi gắm tiền nong cho ông giáo. Lão làm như thể lão sắp xếp trước mọi việc để chỉ còn một sự cuối cùng. Ấy là lúc cao trào của truyện, khi lão Hạc xin bả chó về. "Ông giáo" và những người hàng xóm cứ nghĩ lão sắp làm chuyện xấu xa. Nhưng không! Lão đã tự vẫn. Bằng những lời văn miêu tả xen lẫn cảm xúc dồn nén, tác giả như làm cho người đọc có thế thấy chiếc chõng mà lão Hạc đang quằn quại vì cơn đau đớn. Ôi...Xót xa biết bao khi người ta nhận ra tấm lòng của lão Hạc. Lão thật là cao quý. Để giải thoát cho mình, đồng thời giữ lại một đường sống cho con trai, lão đã chọn cách ra đi. Lão ra đi vì tình cha con thắm thiết cao cả, vì danh dự của một con người.

Lão Hạc là một người bần nông sống trong xã hội bất công, tàn bạo, thối nát, thế mà lão vẫn giữ được những phẩm chất vô cùng đáng quý, đáng trân trọng của dân tộc. Lão là một người cha yêu con, một người hàng xóm đáng quý, một người biết trọng danh dự, phẩm giá của mình. Thật xót xa khi đâu đó quanh ta vẫn còn những mảnh đời như lão Hạc, những cuộc đời như lão trong xã hội hiện đại này. Qua lão Hạc, chúng ta biết thêm về những khía cạnh khác của cuộc sống và giá trị của nhân cách con người. Điều đó làm chúng ta biết cảm thông trước những mảnh đời bất hạnh và từ đó nhận ra một chân lý mới về người, về cuộc sống!

Leave a Reply