Suy nghĩ về tình cảm gia đình qua bài "Chiếc lược ngà" - Nguyễn Quang Sáng

Hạnh phúc và chiến tranh, chiến tranh và bi kịch mãi là vấn đề muôn thuở không thể hoá giải trong lịch sử và trong đời sống con người, Tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra quyết liệt. Câu chuyện viết về tình cha con trong cảnh ngộ éo le, sinh li tử biệt đã để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm và xúc động sâu xa.

Suy nghĩ về tình cảm gia đình qua bài Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

Thời đại nào cũng vậy, Chiến tranh không đem lại lợi ích cho con người mà ngược lại, nó là tội ác, là nguyên nhân gây ra bao mất mát, đau thương: cha lìa con, vợ lìa chồng, tuổi trẻ- hạnh phúc, sự bình yên bị phá hoại. Khi ông Sáu rời nhà đi kháng chiến thì bé Thu- đứa con gái đầu lòng chưa đầy một tuổi. Ở nơi xa xôi, có những lúc nhớ con tha thiết, ông chỉ có thể ngắm nhìn, vuốt ve, âu yếm con qua tấm ảnh nhỏ. Còn Thu, con bé chỉ lớn lên, được chăm sóc, yêu thương qua hơi ấm tình yêu của má. Dù chưa được gặp ba nhưng em có thể thấy hình bóng ba qua tấm ảnh chụp chung với má. Và cứ thế, tám năm trôi qua, tình thương ba cứ lớn dần trong tâm trí, nhận thức của em, em không thể chấp nhận người ba nào ngoài người ba trong tấm ảnh nhỏ.

Tuy chiến tranh có thể khiến người chiến sĩ xa rời gia đình nhỏ nhưng không thể chia cắt được tình cảm gia đình thiêng liêng, tình phụ tử sâu nặng, mãnh liệt. Thu rất yêu ba, vì vậy, khi thấy người đàn ông xa lạ, bước từ xuồng xuống, cất tiếng gọi " Ba đây con!","Ba đây con!", Thu thấy " lạ quá...chớp mắt nhìn...mặt tái đi, vụt chạy và kêu thét" gọi má. Em cương quyết không nhận ông Sáu là ba vì em thấy ông không giống người ba trong tấm ảnh nhỏ của mình. Bé cư xử lạnh nhạt, xa cách trước sự vỗ về, yêu thương của ông, đôi lúc, em có những phản ứng quyết liệt, thậm chí có phần xấc xược, bướng bỉnh chỉ để bảo vệ tình yêu nhỏ bé của em dành cho ba. Song đến phút giây cuối cùng, trước khi ông Sáu đi xa thì tình cảm thiêng liêng ấy bỗng cháy bùng lên. Khi nhìn thẳng, đối diện với người cha " đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao". Có phải " ánh mắt xôn xao" ấy của Thu chứa đựng bao suy nghĩ, tình cảm của em dành cho người ba yêu dấu? Tiếng gọi " Ba...a...a...ba" Như tiếng xé của em cùng cử chỉ ôm chặt lấy cổ ba, hôn khắp mọi nơi,"hôn cả vết thẹo dài bên má" là biểu hiện của một tình yêu ruột thịt nồng nàn của đứa con đối với người cha. Và khi nghe thấy ông Sáu nói "Ba đi rồi ba về với con", Thu hét lên "không" rồi đôi tay nhỏ bé siết chặt cổ, dang cả 2 chân rồi câu chặt lấy ba, đôi vai nhỏ run run! Những hành động của Thu có phải đang níu giữ, níu kéo thời gian quay về, quay về ngày đầu tiên gặp ba để em được cảm nhận nhiều hơn chút nữa về hơi ấm trong vòng tay rộng lớn ấm áp của ba? Phải chăng lúc ấy cô bé thực sự thấy xót xa, ân hận về lỗi lầm của mình. Trong trí nhớ ngây thơ của Thu, người ba của mình rất khác, chỉ vì bom đạn của kẻ thù, trên khuôn mặt ba xuất hiện vết thẹo dài. Đó là đau khổ. Vậy mà bé không hiểu, bé xa lánh, cư xử lạnh nhạt khiến người ba thêm đau khổ. Khi được nghe bà ngoại giảng giải, cô bé mới hiểu ra nhưng lúc ấy, mọi thứ đã muộn rồi. Ba lại đi xa, lại tiếp tục cuộc đời gian khổ. Vì vậy Thu siết chặt cổ ba, níu chặt lấy người ba như muốn đền bù những hụt hẫng đã qua. Trong giây phút ấy, tình cảm 8 năm dài dồn nén trào dâng, sự hối hận, hối tiếc vì em đã không nhận ra ba những ngày qua. Qua những hành động, cử chỉ của Thu, ta thấy được sự tinh tế trong việc sử dụng bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật trẻ thơ của tác giả.

Trong 8 năm dài, có lúc nhớ, có lúc day dứt, có lỗi với con khi không cho nó một gia đình đầy đủ, một tình thương trọn vẹn, ông Sáu vô cùng đau khổ. Những cuộc chiến tranh ác liệt đã để lại di chứng - vết thẹo dài trên khuôn mặt của ông. Nỗi đau ấy không chỉ về thể xác mà còn hằn sâu trong tinh thần, tâm hồn ông. Và vết thẹo ấy cũng chính là nguyên nhân trong suốt 3 ngày phép ngắn ngủi con ông không nhận cha. Ông càng gần gũi, đứa con càng lạnh nhạt, xa lánh, ông càng chiều chuộng, yêu thương, con càng cự nự. Đứa con không thể hiểu nỗi đau do chiến tranh mang lại, không thể hiểu nỗi khát khao trong suốt 8 năm xa cách, không thể hiểu được hạnh phúc khi nghe một tiếng "ba" giản đơn mà thiêng liêng nhất cuộc đời. Để rồi mãi đến phút cuối chia tay, ông Sáu mới được hưởng chút hạnh phúc nhỏ nhoi nằm trong tình cha con. Tiếng "ba" thốt lên từ đáy lòng đứa con mà như tiếng xé, "xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người". Cha ôm con, con ôm cha tuôn trào nước mắt-khổ đau và hạnh phúc. Khi rời nhà đi chiến khu, ông Sáu mang cả ước mơ của cô gái nhỏ theo" ba về ba mua cho con một cây lược nghe ba".

Tình cảm cha con ruột thịt hoà quyện trong tình yêu quê hương, đất nước

Đó là mong ước đơn sơ của đứa con và cũng là món quà đầu tiên và duy nhất của cha dành cho con. Cây lược và nỗi nhớ cứ neo đậu trong tâm trí ông suốt cuộc hành trình đầy khói lửa của chiến tranh. Khi kiếm được khúc ngà, mặt ông " hắn hở như một đứa trẻ được quà". Rồi ông miệt mài " cư từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc". Tâm huyết, yêu thương được dồn vào từng chiếc răng lược, cứ thế mỗi ngày, cho đến khi cây lược được hoàn thành, ông lại gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét" Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Cây lược nhỏ xinh ấy chưa chải được mái tóc con nhưng nó như phần nào gỡ rối được tâm trạng của ông. Nó như giải tỏa được phần nào nỗi buồn day dứt, ân hận khi ông lỡ đánh con lúc nóng giận. Nó như hình bóng con, như kỉ vật thiêng liêng, vô giá, an ủi, động viên, nuôi dưỡng trong ông tình cha con và sức mạnh chiến đấu. Hàng đêm, ông vẫn nhìn ngắm chiếc lược cho nguôi ngoai nỗi nhớ rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Chiếc lược ngà chính là cầu nối, là biểu tượng bất diệt của tình cha con trong chiến tranh, là kết tinh của tình phụ tử mộc mạc, đơn sơ nhưng đằm thắm, diệu kì. Nhưng thật trớ trêu, chiếc lược ngà luôn được nâng niu, trân trọng ấy, chính ông lại không thể tận tay trao cho đứa con gái bé bỏng. Chiến tranh là thế, còn, mất vô cùng mong manh. Ông đã hi sinh, dù không trăng trối được câu nào nhưng ánh mắt mà ông nhìn bác Ba- người đồng chí, đồng đội và xử chỉ trao cho người bạn chiếc lược ngà như đã chuyển giao sự sống, chuyển giao nghĩa vụ làm cha, mong người bạn gìn giữ, tiếp nối tình cha con ruột thịt. Đúng như suy nghĩ của bác Ba- người kể chuyện " chỉ có tình cha con là không thể chết được ". Nó sẽ được tiếp nối trong tình yêu thương của người đồng chí, nó sẽ sống mãi trong chiếc lược ngà giản dị mà thiêng liêng.

Như vậy, truyện ngắn Chiếc lược ngà khiến ta cảm động trước tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Nó là tình cảm thiêng liêng xuất phát từ đáy lòng mỗi con người. trong tình cảnh khốc liệt, tình cảm gia đình càng được thử thách càng trở nên thiêng liêng và cao quý. Chính tình cảm gia đình đã tạo nên sức mạnh, nghị lực, niềm tin để con người ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi đặt tình cảm gia đình, tình cảm cha con ruột thịt hoà quyện trong tình yêu quê hương, đất nước.

Gấp lại trang sách, câu chuyện về Chiếc lược ngà còn âm vang mãi trong lòng người đọc. Nó không chỉ gây xúc động mạnh mẽ về tình phụ tử tha thiết, sâu nặng mà còn gợi cho người đọc suy ngẫm về một quá khứ đau thương của dân tộc. Căm ghét chiến tranh và thấm thía nỗi đau, mất mát, éo le do chiến tranh gây ra, biết bao gia đình phải chịu cảnh chia lìa, đau thương như thế, song đó cũng là niềm tự hào và vinh quang của một dân tộc nah hùng. Nhà văn đã khẳng định và ca ngợi tình cảm cha con thật thiêng liêng, cao quý mà sâu lặng

Leave a Reply