Tâm trạng của người thanh niên khi giác ngộ lý tưởng Cộng Sản qua bài Từ ấy của Tố Hữu

Tố Hữu sinh ra và lớn lên ở Huế, cái nôi của làng điệu dân ca một mảnh đất giàu truyền thống văn hoá và cách mạng. Ngay từ thời niên thiếu, hồn thơ Tố Hữu đã nảy nở thế nhưng thuở nhỏ nhà thơ thường phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn về tình cảm bởi cha thường hay đi xa và sớm mồ côi mẹ. Chính vì thế mà tâm hồn niên thiếu của Tố Hữu càng khao khát tình thương, rất dễ rung động với những em bé mồ côi, những con người nghèo khổ, tủi cực ở thành thị ngay xung quang nhà thơ

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Con đường thơ của Tố Hữu luôn song hành cùng con đường cách mạng. Bài thơ "Từ ấy" phản ánh chặng đường đầu tiên trong thơ Tố Hữu:

"Từ ấy...

..... cù bất cù bơ"

Mở đầu bài thơ là niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng của đảng:

"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim"

Bút pháp tự sự được nhà thơ sử dụng trong hai câu thơ đầu để kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của dời mình. "Từ ấy" là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ của Tố Hữu, khi đó nhà thơ mới 18 tuổi đang hoạt động rất tích cực trong đoàn thanh niên cộng sản Huế, được giác ngộ lí tưởng cộng sản, được kết nạp vào đảng. "Từ ấy" có sự chuyển biến đột ngột làm tâm hồn nhà thơ bỗng bừng lên một thứ ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ của nắng hạ. Hình ảnh "mặt trời chân lí chói qua tim" chính là sự xuyên thấu của lí tưởng cách mạng, nó cũng chính là những biểu tượng của niềm vui, của sự sống. Hình ảnh "mặt trời chân lí" là một hình ảnh ẩn dụ có ý nghĩa tượng trưng cho lí tưởng của đảng. Lí tưởng của đảng là chân chính, là ánh sáng nó sẽ quét sạch mây mù đen tối, đưa dân tộc đến ngày mai tươi sáng. Khi có lí tưởng nhà thơ- người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi ấy thấy tâm hồn mình như một vườn hoa lá, dào dạt hương thơm, rộn rã tiếng chim và chan hoà ánh nắng.

Hai câu thơ sau, Tố Hữu sử dụng bút pháp trữ tình lãng mạng nhằm cụ thể hoá cái niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản. Thông qua việc xây dựng một hệ thống hình ảnh so sánh giàu chất lãng mạn: "nắng hạ, mặt trời, hoa lá" việc sử dụng những từ ngữ diễn tả sức mạnh cao độ. Nhà thơ đã thể hiện một cách sinh động niềm sung sướng, ngây ngất khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

Khổ thơ thứ hai thể hiện những nhận thức mới về lẽ sống của nhà thơ:

"Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời"

Nếu khổ đầu là tiếng reo vui, phấn khởi thì khổ thứ hai là bản quyết tâm thư của người thanh niên cộng sản. Tự nguyện hoà cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta chung của quần chúng cần lao. Từ "buộc" thể hiện ý thức tự nguyện cao cả quyết tâm vượt qua giới hạn của giai cấp tiểu tư sản để hoà đồng với mọi người. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp hoán dụ "trăm nơi" kết hợp với từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm "trang trải" có tác dụng khẳng định thái độ chân thành, tha thiết, sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ với từng hoàn cảnh, từng con người cụ thể. Như vậy, khi một cá nhân hoà mình với tập thể, cùng một hoàn cảnh, cùng một mục tiêu phấn đấu thì sức mạnh của mỗi người sẽ được nhân đôi: "gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Vẫn trong mạch cảm xúc trữ tình của khổ đầu và khổ hai, khổ thơ thứ ba còn thể hiện niềm hãnh diện những thay đổi sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ khi mình trở thành một thành viên ruột thịt trong đại gia đình của những người nghèo khổ, bất hạnh:

"Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ"

Khi được ánh sáng của cách mạng soi rọi nhà thơ có những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm. Các từ ngữ: "là con, là em, là anh" gợi lên một mối quan hệ gia đình đầm ấm, tất cả phấn đấu cùng quyết tâm, chia sẽ nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Đó cũng là lí do thôi thúc nhà thơ quyết tâm hoạt động cách mạng.

* Bài thơ được viết với những hình ảnh tươi sáng, sinh động, sử dụng các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc tính, giọng điệu sôi nổi, tất cả những điều đó góp phần làm rõ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu giai đoạn đầu.

Với một tình cảm cá nhân đằm thắm, trong sáng bài thơ "Từ ấy" nói về lí tưởng, về chính trị một cách tự nhiên, nhuần nhuỵ. Nó xứng đáng là tiếng hát của một người thanh niên, một người cộng sản. Bài thơ cũng là một lời tuyên ngôn về nghệ thuật, về cuộc sống của chính nhà thơ Tố Hữu.

Leave a Reply