Văn thuyết minh - Cá Đá sông Ba

Quê tôi nằm kẹp giữa hai đỉnh đèo Mang Yang - An Khê. Sông Ba vắt đầu trên đỉnh núi Ngọc Linh tỉnh Kon Turn, vặn mình uốn khúc trải dài bốn huyện miền núi K’Bang, An Khê, Kông Chro, Ayun Pa - Tỉnh Gia Lai rồi nhập vào sông Ayun ra biển. Sông Ba chảy qua nhiều thác và ghềnh đá nên sản sinh một loại cá Đá mà ở các sông vùng khác rất hiếm hoặc không có. Cá sống thành từng đàn đủ cỡ dưới những kẽ đá và lượn iờ bên hông những tảng đá ngầm. Cá Đá thân tròn, dài bằng ngón tay giữa. Con to nhất như ngón tay cái người lớn, vảy mịn, lưng màu đen óng, hai bên hông có sọc dọc theo thân màu đen nhạt, bụng màu trắng. Cá chỉ chọn ghềnh thác, nơi có nhiều khe đá là lí tưởng nhất để sinh sống. Thức ăn là rong bám trên thềm đá ngập nước lâu năm, hoặc những con bọ vảy nhỏ như cây tăm ẩn mình dưới kẽ đá.

Cá Đá sông Ba

Cá Đá là món ăn dân dã, của người dân sống trong thung lũng dọc theo hai bên bờ sông này. Cá bắt được phơi khô, giã nhỏ trộn muối làm ruốc để dành trong những cuộc trường chinh của thời kì quân lính vua Quang Trung tụ nghĩa. Rồi thời kì chống Pháp và chống Mĩ, cá Đá cũng gop phần làm lương khô trong những ngày dài cùng bộ đội chiến đấu.

Thời ấy, cá nhiều, việc đánh bắt dễ dàng. Các cụ bảo: Cứ ra sông dùng lưới nhặt bao quanh các gộp đá, dùng vợt cào vào những hốc đá, cá lớp tung ra mắc lưới, lớp vào vợt, hoặc dùng rổ thưa xúc chừng non buổi là có ngay cả rổ mang về. Cá Đá lấy ruột rồi muôi làm mắm, bịt kín trong thố sành để lâu chừng một tháng lấy ra kho với ớt xanh, lá gừng. Nước chấm ngả màu ruốc. Một chút đắng của rong, một chút béo của mỡ cá, một chút cay the mùi ớt và lá gừng, chấm rau cải ăn là hết ý. Thân cá được kẹp thành gắp, nướng sơ rồi phơi khô để dành ăn dần trong những mùa mưa lụt. Nếu ăn tươi là kho rim tiêu. Cá thân mềm, vị ngọt, thịt dai, xương mảnh, mềm, ăn không bỏ. Nhất là vào mùa tháng ba tháng tư là mùa cá đẻ. Cá bắt được, nướng hoặc kho chín lên là rươm rướm mỡ, mỗi con mang bọng trứng vàng cam, hay bọc sữa trắng đục to úc núc dưới bụng. Khi gắp cá lên chén ăn với cơm cháy nóng nấu bằng gạo Móng chim thơm là chỉ có căng bụng mới thôi.

Không biết từ khi nào mà món ăn dân dã “cá Đá kho tiêu” đã có mặt trong các nhà hàng ăn uống ở thị xã tôi và đã trở thành món ăn đặc sản quý hiếm của một vùng.

Leave a Reply