Văn thuyết minh - Quần đảo Cát bà, điểm du lịch quyến rũ

Quần đảo Cát Bà gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ, riêng đảo Cát Bà rộng khoảng 200 km2, cách nội thành Hải Phòng 45 km về phía Đông, cách thành phố Hạ Long 25 km về phía Nam. Nhờ cấu tạo địa hình đa dạng, nhiều khu vực trên đảo Cát Bà hiện vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ. Nằm xen giữa các vách núi có khoảng 100 bãi tắm lớn nhỏ, trong đó có những bãi tắm lớn nổi tiếng như các bãi tắm Cát Tiên, Cát Cò 2, Cát Cò 3, Cát Dứa... hệ thống hang động kì thú như các động Trung Trang, Thiên Long, Hoa Cương, Quân Y... Những tùng, vụng đẹp như tùng Vụng, tùng Dinh, bến Cái Bèo. Rừng nguyên sinh với những thảm thực vật phong phú, rừng cây Kim Giao, Ao ếch...

Quần đảo Cát bà

Với những tiềm năng to lớn đó, trong những năm qua Thành phố Hải Phòng đã tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng Cát Bà trở thanh điểm du lịch lớn và quyến rũ giữa biên Đông. Du khách có nhiều lựa chọn khi tới thăm hòn đảo xinh đẹp này: tham quan đảo qua đường bộ xuyên đảo Đình Vũ - Cát Hải, hay thử cảm giác trên những chuyên tàu cao tốc. Đến thị trấn Cát Bà, du khách nghỉ ngơi trong những nhà nghỉ hướng ra biển, thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ hải sản của Cát Bà như tu hài, phi phi, mực tươi... tham gia những tua du lịch ngắm cảnh vịnh Lan Hạ, xuyên vườn quốc gia... Hiện nay, trong nhiều chương trình hướng dẫn du lịch của nước ngoài, đảo Cát Bà được mệnh danh là “quần đảo đẹp nhất trong quần thể đảo vịnh Hạ Long”. Với sức hấp dẫn riêng của mình, mỗi năm số khách du lịch đến Cát Bà tăng lên nhanh chóng, trong đó số khách du lịch Tây Âu chiếm tỉ lệ khá cao. Riêng năm 2004, Cát Bà đón 328 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 118 nghìn lượt khách du lịch quốc tế. Năm 2005, Cát Bà phấn đấu đón và phục vụ khoảng 400 nghìn lượt khách du lịch.

Sự phát triển của kinh tế thủy sản và du lịch đã tạo nên bước phát triển mạnh mẽ cho huyện đảo, đồng thời cũng gây ra một số tác động không tốt tới cảnh quan, môi trường, gây nên mâu thuẫn giữa hoạt dộng bảo tồn và phát triển. Vì vậy, thành phố Hải Phòng quyết tâm giải quyết tốt vấn đề trên thông qua việc xây dựng đề án đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG). Ngày 2 - 12 - 2004, quần đảo Cát Bà chính thức trở thành KDTSQTG.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, KDTSQ Cát Bà có những lợi thế đặc biệt so với các KDTSQ khác ở Việt Nam vì hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái rừng và biển, cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, các thảm rong - cỏ biển và đặc biệt là hệ sinh thái hang động, tùng, vụng... Tiềm năng hệ sinh thái, tiềm năng sinh vật của KDTSQ Cát Bà cũng phong phú, đa dạng... Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, khu vực Cát Bà có 2.320 loài động vật và thực vật đang sinh sống. Trong đó, có nhiều loài động vật quý hiếm đã được đưa vào “sách đỏ” như: đồi mồi, quản đồng, rùa da, ác là, vọc đầu trắng, tê tê vàng, sóc bụng đỏ...

Việc Cát Bà được công nhận là KDTSQTG góp phần nâng tầm thành phố Hải Phòng, mở ra cơ hội to lớn đối với phát triển du lịch, trong đó hoạt động du lịch được thực hiện như những động thái tích cực trong khai thác và bảo vệ KDTSQ. Đón danh hiệu KDTSQTG trong năm 2005, TP Hải Phòng chuẩn bị xây dựng đề án đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới. Cát Bà ngày càng được nâng tầm vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, mở ra tiềm năng to lớn trong việc thu hút khách du lịch.

Leave a Reply