Văn tự sự - Hành trình của cha

Ngày ấy, bố quyết định đưa gia đình đến nơi khác để sinh sống. Tôi sướt mướt: “Tại sao chúng ta lại phải đi hả bố?”. Bố xoa đầu: “Để sướng”. Mẹ thêm vào: “Con sẽ được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, có thích không?”. Bố đưa chúng tôi đến một vùng đất mới và đúng như mẹ nói, tôi được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn.

Hành trình của cha

Trước đây tôi chưa bao giờ được ăn cơm không, mùa sắn độn sắn, mùa khoai độn khoai. Quần áo của tôi là của dì, của cô được mẹ cắt xén may vá lại. Nay tôi đã được ăn cơm không độn, được mặc quần áo mới. Những người bà con ở quê cũ vào chơi, ai cũng xuýt xoa khen tôi phổng phao mau lớn. Nhưng họ lại bảo bố mau già, bảo bố sao “tham” thế, vừa làm vườn vừa buôn bán trong khi sức người có hạn. Bố chỉ cười nhìn chúng tôi âu yếm.

Cuối năm đó tôi học lớp Năm. Đám học trò nơi tôi sinh sống phải từ giã ngôi trường bé nhỏ, ai muốn học tiếp cấp II phải ra thị trấn. Lũ bạn tôi đứa nào cũng muốn học tiếp, nhưng bố mẹ chúng bắt phải nghĩ học để làm vì chúng đã hơi lớn rồi. Một lần nữa vì chuyện học của con, bố lại đưa chúng tôi đi. Bố chèo chống làm lại từ đầu nơi vùng đất mới. Tờ mờ sáng khi cả nhà còn im ngủ, bố đã lục đục đi giao hàng. Khi tôi còn ngái ngủ chui ra khỏi chăn, cũng là lúc bố kết thúc chuyên hàng cuối cùng.

Tôi lớn lên, xuống thành phố học. Nhìn tấm hình chụp chung cả lớp hồi cấp I với những đứa học trò lếch thếch chân đất đứng chen chúc trước lớp học xiêu vẹo, tôi cũng tưởng mình đã trải qua một giấc mơ.

Khi tôi đang bước trên con đường hạnh phúc của sự bảo bọc chở che, thì bố lìa xa. Những tháng ngày lao lực đã rút cạn sức khỏe của bố. Tôi đã theo cuộc hành trình của bố đi tìm tri thức và hạnh phúc. Đến bây giờ tôi mới nhận ra hạnh phúc ở ngay bên tôi và cuộc đời bố chính là bài học sâu sắc nhất về đức hi sinh. Moi khi có ai hỏi thần tượng của bạn là ai, tôi trả lời ngay: “Bố tôi”.

Leave a Reply