Văn tự sự - Nữ Trạng nguyên duy nhất khoa cử Đại Việt

Ngày xưa, dưới các triều đại phong kiến, phụ nữ dù tài giỏi đến mấy cũng không được dự thi đua tài để chiếm bảng vàng.

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Duệ, còn có tên là Nguyễn Thị Du, hiệu là Diệu Huyền, quê ở Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương đã cải nam thi đỗ Trạng Nguyên.

Trong hậu điện Văn miếu Mao Điền (xã Cam Điền, huyện cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) bên các bài vị của 637 vị Tiến sĩ trong 22 khoa thì Đình dưới triều đại nhà Mạc có bài vị trang trọng, ghi bằng chữ vàng chói lọi: Nghi ái quan Nguyễn Thị Duệ.

Nghi ái quan Nguyễn Thị Duệ

Sau khi thất thủ Thăng Long, nhà Mạc rút lên Cao Bằng cố thủ (nhà Mạc xây dựng nghiệp đế vương ở Thăng Long được 65 năm, cố thủ ở Cao Bằng được thêm 75 năm nữa, tổng cộng 140 năm). Năm 1593, tại Cao Bằng, vua nhà Mạc vẫn mở khoa thi hội. Nãm đó, Nguyễn Thị Duệ 20 tuổi đã giả trai ứng thí chiếm được giải Hội nguyên, vào thi Đình đỗ Trạng nguyên.

Đến khi vào cung điện nhận áo mũ và dự đại tiệc, vua Mạc Kính Cung phát hiện vị tân Trạng nguyên là nữ, nhưng bất ngờ, vua Mạc không bắt tội mà còn hết lời khen ngợi bà là một bậc nữ lưu có chí phi thường, có tài xuất chúng. Bà được vời vào cung dạy học cho cung tần, sau đó được nhà vua lấy làm phi, ban hiệu cho là Tinh Phi (nghĩa là Sao sa), bởi thế người đời gọi bà là Bà chúa Sao.

Năm 1625, quân chúa Trịnh tấn công lên Cao Bằng đánh nhà Mạc. Trước quân giặc, bà vẫn ung dung bảo hãy đem bà đến gặp chúa Trịnh và vua Lê. Vua Lê, chúa Trịnh đã trọng dụng bà, cho bà trông coi việc học của phủ Chúa, rồi phong chức Nghi ái quan cho bà.

Năm 70 tuổi, Bà chúa Sao xin về quê dưỡng tuổi già. Bà mất lúc 80 tuổi. Hiện nay ở làng Kiệt Đặc còn đền thờ Bà chúa Sao, và tên Bà được khắc vào bia đá tại Văn miếu Mao Điền, Hải Dương.

Leave a Reply