Anh/ chị hãy viết bài văn cảm nghĩ về các loài cây (cây cau)
Mỗi lần nhìn thấy những hàng cau chạy dài thẳng tắp tôi lại nhớ về hàng cau quê nội, Tôi lại nhớ bóng dáng nội tôi lưng còng đợi cháu. Chẳng hiểu sao tôi lại có một tình cảm đặc biệt đối với loài cây này như thể tình cảm của đứa con xa dành cho quê hương. Phải chẳng vì cau đã cho tôi nhiều kỉ niệm hay đã gắn bó cùng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.
Cau cùng họ với dừa nhưng lại mang dáng dấp của một thiếu nữ mảnh mai. Thân cây tròn, nhỏ hơn cây dừa nhưng đổi lại cây cau được xếp vào hàng những loài cây cao nhất. Cây chẳng có cành thay vào đó là những khía tròn quanh thân để người có thể trèo lên hái trái. Tôi thích nhìn lên tận cao tít ngọn cây và tưởng tượng mình có thể chấp cánh chim trời bay lên đấy. Bao nhiêu bẹ lá tập trung hết trên ấy, những tàu lá cau xanh tốt xòe ra bốn phía như chiếc dù che mưa nắng cho thân. Đã bao lần tôi ngắm nhìn những chiếc lá vươn dài như đuôi một chú chim khổng lồ rồi trầm trồ ao ước. Giá như không có bộ rể chắc khỏe giữ cây lại, có lẽ cây đã tung bay theo những cánh chim trời. Cái giống cây này cũng lạ làm sao! Hoa cau không giống bất cứ loài hoa nào, chúng không có những cành hoa riêng lẻ mà hợp thành một buồng hoa. Buồng hoa có nhiều tua hoa vươn dài như ngón tay bút hoa của cô gái. Trên những tua hoa ấy là những nụ hoa trắng tinh khôi. Ai yêu loài cây này mới thưởng thức được vị thơm ngát của hương cau. Một buổi sáng trong lành, hương hoa cau thoang thoảng vào khung cửa, đánh thức cô bé ngủ lười. Rồi mùa cau cũng đến, những quả cau xanh xanh như quả trứng gà đã che kín cả buồng cau. Kì lạ thay! Những quả trứng này lại lơ lửng trên bầu trời xanh biếc mà chẳng bao giờ sợ rơi ra. Tôi nhớ bà tôi, người luôn đợi những mùa cau. Khi cau vừa già bà nhờ chú tôi hái xuống rồi mang đi chợ bán. Bà hái thêm mớ trầu, mua lại ít vôi để têm những miếng trầu cánh phượng. Thuở nhỏ bà đã dạy tôi têm trầu và sắp trầu cho đẹp mắt. Ngày ấy tục ăn trầu còn phổ biến nên trầu và cau còn bán được giá. Bà lại sắm sửa cho chị em tôi quần áo, sách vở mới. Tôi quên làm sao được những buồng cau tươi theo bà ra chợ sớm để nỗi mong chờ ở lại cho những đứa cháu nghèo. Mặc dù giá trị kinh tế cây cau không nhiều nhưng dân quê tôi vẫn trồng như cây kiểng trước nhà. Giá trị tinh thần mà cây mang lại còn nhiều hơn thế. Ôi! Những cây cau mang hình bóng quê nhà có nhớ chăng câu chuyện tình Tân – Lang ngợi ca về tấm lòng son sắt. Có nhớ cô Tấm thuở nào đã hái những trái thảo ngay. Loài cau nhã nhặn, thanh tao ấy còn là cổ tích, là văn hóa của dân tộc. Miếng trầu, miếng cau đi vào tâm hồn nhân dân như sự chân thành, thủy chung và sức sống dẻo dai, bền bỉ.
Đối với riêng tôi, cau như hình bóng người bà tóc bạc. Cau bao nhiêu tuổi, nội tôi cũng già thêm bấy nhiêu. Có những chiều tôi bồi ngước nhìn hàng cau rồi nhìn vào vầng trán bà. Bao nhiêu vết sẹo thời gian in hằn trên vầng trán là bao nhiêu năm cau dãi dầu mưa nắng. Tôi nhớ khôn nguôi những ngày cùng bà chẻ từng trái cau lấy ruột rồi phơi khô để mùa sau. Tôi quên làm sao những trái cau khô mọc mầm bà bảo ra vườn tìm đất để gieo trồng. Những đứa trẻ thôn quê chúng tôi ai lại chưa từng chơi trò kéo mo cau. Những chiếc mo cau mang cả tuổi thơ của tôi đi đâu mất, bỏ lại một cô bé ngẩn ngơ đợi chờ dưới gốc cây rồi nhặt từng hoa cau trắng xếp tên mình. Có loài cây nào lại mang nhiểu kỉ niệm với tôi như cây cau quê nội. Dù ở nơi xa nhưng lòng tôi vẫn mong mỏi trở về thăm bà và thăm hàng cau trước nhà, ôn lại kỉ niệm tuổi thơ. Cau ơi! Chờ tôi nhé, tôi sẽ lại về bên gốc cau như một đứa trẻ và sà vào lòng bà, nũng nịu với bà. Tôi mãi gọi tên cây như tiếng lòng gọi quê mình
“Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng đầu hè”