Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình. Hãy chứng minh điều đó

BÀI LÀM THAM KHẢO

Ca dao là tiếng lòng thổn thức, là hơi thở của người dân Việt Nam. Những làn điệu dân ca, ca dao đã hóa thân thành nhừng lời tự tình dân tộc. Ca dao có nhiều mảng đề tài nhưng nổi bật nhất vẫn là những câu nói về tình gia đình đằm thắm và tình làng xóm, quê hương, đất nước tha thiết.

Mảng ca dao viết về gia đình có số lượng khá phong phú. Nó tái hiện lại được bức tranh sinh hoạt và những môi quan hệ gia đình. Sinh hoạt và tình cảm gia đình luôn gần gũi, thiêng liêng. Bao giờ con cháu cũng luôn tưởng nhớ đến tổ tiên trước nhất:

Con người có tổ có tông,

Như cây có cội, như sông có nguồn.​

Ca dao là tiếng nói tình cảm gia đình

Sau đó, con cháu bày tỏ lòng biết ơn công lao của ông bà cha mẹ: Ngó lên nuộc lạt mái nhà Đếm bao nhiêu nuộc, nhớ ông bà bấy nhiêu. và: 

Ơn cha nặng lắm ai ơi,

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.​

Tình nghĩa ấy luôn vĩnh cửu, cao như núi, dài như sông, rộng mênh mông như biển Thái Bình:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.​

Lớp lớp con cháu rất thông cảm với nỗi vất vả của ông bà, cha mẹ: Non xanh bao tuổi mà già Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.

Mặt khác dân tộc ta rất đề cao tinh thần đoàn kết. Gia đình là tế bào xã hội. Anh em trong gia đình phải biết đoàn kết, thương yêu nhau thì xã hội mới tồn tại và phát triển:

Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.​

Vì tình cảm anh em đậm đà như máu thịt nên lúc hoạn nạn đói rét phải hết lòng giúp nhau:

Anh em như chân với tay 

Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.​

Con cháu lớn lên thì phải lấy vợ hoặc lấy chồng. Bao giờ ca dao cũng dạy mọi người phải biết quý trọng tình nghĩa hơn vật chất:

Chồng em áo rách em thương 

Chồng người áo gấm, xông hương mặc người.​

Phải chăng lòng thủy chung son sắt là nguồn gốc hạnh phúc của gia đình?

Thế nên sống trong cảnh nghèo khổ, nhiều đôi vợ chồng trẻ vẫn vui vẻ, đồng lòng:

Râu tôm nấu với ruột bầu,

Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.​

Họ thường động viên nhau tích cực lao động để đổi đời. Đây là một ước mơ, khát vọng chân chính:

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu​

Bên cạnh những câu ca dao viết về tình cảm gia đình là mảng ca dao nói về tình làng xóm, lòng yêu quê hương đất nước thiết tha.

Hình ảnh làng xóm hiện lên đẹp tươi, người người chăm lo làm việc:

Làng ta phong cảnh hữu tình

Dân cư giang khúc như hình con long 

Nhờ trời hạ kế sang đông

Làng nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.

​Chính vì thế anh trai làng xa quê hương đã mang theo nỗi nhớ thương da diết:

Anh đi anh nhớ quê nhà 

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.​

Con cháu bày tỏ lòng biết ơn công lao của ông bà cha mẹ

Và “lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Yêu nước là giá trị truyền thống nổi bật của con người Việt Nam. Con người của dân tộc nào cũng có lòng yêu nước, nhưng lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam nảy nở trong hoàn cảnh đặc biệt. Thiên nhiên Việt Nam có nhiều ưu đãi nhưng cũng rất khắc nghiệt với những năm hạn hán và bão lụt. Rèn luyện trong bối cảnh ấy họ phải gắn bó với nhau để chống chọi với thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nên tình cảm ngày càng keo sơn.

Hơn nữa, lòng yêu nước của con người Việt Nam còn được rèn luyện trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đất nước Việt Nam từ ngày lập quốc luôn gặp cảnh giặc giã liên miên: từ phương Bắc đến phương Tây. Con người Việt Nam lúc bình thường thì âm thầm lặng lẽ, nhưng khi có giặc ngoại xâm thì mạnh mẽ đến lạ thường.

Tình yêu quê hương đất nước là chủ đề chính của ca dao dân ca trữ tình. Nó lan tỏa hồn nhiên, bình dị mà gợi lên, đánh thức niềm tự hào dân tộc sâu sắc. Tình yêu quê hương đất nước muôn hình muôn vẻ. Đó là tình yêu, lòng tự hào về thiên nhiên, sản vật của quê hương, là sự gắn bó và tự hào về truyền thông nơi mình sinh ra và lớn lên.

Lạng Sơn hiện lên trong ca dao thật đáng yêu:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.​

Thăng Long, kinh đô ngày xưa, có:

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.​

Hà Nội với vẻ đẹp cổ kính của bốn nghìn năm văn hiến:

Gió đưa cành trúc la đà 

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương 

Mịt mù khói tỏa ngàn sương 

Nhịp chày Yên Thế, mặt gương Tây Hồ.​

Xứ Nghệ đẹp từ con đường làng quanh co đến núi non hùng vĩ: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Miền Nam thân yêu của Tổ quốc đẹp bởi những cánh đồng mênh mông, sóng lúa nhấp nhô đến tận trời xa; đẹp bởi hệ thống kênh rạch, ao hồ chằng chịt, lắm cá tôm:

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.

Tình yêu quê hương đất nước trong ca dao thường được giới hạn trong phạm vi của một làng vì tầm mắt của người dân ngày xưa bị bó hẹp bởi lũy tre làng, bởi phương thức sản xuất tiểu nông. Trong ca dao chúng ta khó có thể thấy được một tình yêu bao quát cả đất nước như thơ Nguyễn Đình Thi:

Việt Nam đất nước ta ơi 

Mênh mông biển lúa, đâu trời đẹp hơn 

Cánh cò bay lả rập rờn 

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều 

Quê hương biết mấy thân yêu...​

Tình cảm anh em trong gia đình

Đến thời cận đại, ca dao cố vươn tới cảm xúc này nhưng những cảm xúc bao trùm lớn lao như vậy rất hi hữu:

Thuyền ai thấp thoảng bến sông

Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.​

Không đợi con thuyền đến gần, chỉ dõi tầm mắt qua bên kia sông, nhìn cánh buồm khi ẩn khi hiện, nghe điệu hò thân thương là lòng yêu nước lại trào dâng mãnh liệt thiết tha.

Khi đất nước bị chia cắt, ca dao kêu gọi mọi người cùng quê hương, đất nước hãy yêu thương, đùm bọc, cưu mang nhau:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. ​

và:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.​

Tóm lại, những câu ca dao viết về tình cảm gia đình, tình yêu làng xóm, quê hương, đất nước góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Đọc những câu ca dao tuyệt vời, bất tử đó, chúng ta thấy tâm hồn mình sảng khoái, minh mẫn làm sao!

DÀN Ý 1

A. Mở bài : Dẫn dắt vấn đề

- Khẳng định :-Nhân dân Việt Nam vốn là những con người giàu tình cảm, từ xưa đến nay, họ đã biểu lộ những tình cảm tốt đẹp nhất của mình qua các bài ca dao, dân ca…

-Đã là con người, ai cũng có những tình cảm, những tình cảm ấy có thể xấu hoặc tốt

B. Thân bài

Phân tích:

– Những con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam hầu như có chung mọi tình cảm, những tình cảm cao quý.

- Họ quan hệ với nhau trong xã hội, trong cộng đồng, họ nảy sinh ra những tình cảm lớn, những tình cảm mà bất cứ một người nào cũng có: tình cảm cộng đồng.

- Nhân dân Việt Nam thương quý như anh em một nhà, tình thương ấy được biểu hiện rất tự nhiên, thực tế mà cũng sâu sắc vô cùng:

Chứng minh qua các bài ca dao :

- “Bầu ơi thương lấy bí cùng Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

=> Hình ảnh của dây bầu, dây bí quấn quýt lấy nhau sao mà thân mật đến thế, cách nói rất mộc mạc, dân dã nhưng chứa bao ý nghĩa. Những tình cảm cao thượng, sáng trong thì phải đến câu ca dao tuyệt vời sau:

-“Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

=>Hình ảnh đẹp nói được một cách cụ thể lời khuyên răn chân tình và chí lý.

- “Máu chảy ruột mền” “Môi hở răng lạnh”

=>Họ gắn bó với nhau như môi với răng, như máu trong cơ thể, gắn bó với nhau như từng bộ phận trong gia đình con người.

- Tình cảm lớn được bộc lộ chân thành với đại gia đình Việt Nam ấm cúng.

- Trong đó, những tình cảm ngọt ngào, bình dị được trau chuốt, dưỡng nuôi rất nề nếp, tốt đẹp. Tình cảm nhỏ bé ấy lại rất đa dạng và phong phú vì thế nên các câu ca dao và tục ngữ, dân ca… đã phản ảnh khá phong phú, cách bày tỏ mộc mạc hơn, đơn giản hơn tình cảm cộng đồng.

-Ai cũng có một người mẹ, một người cha, người ta thường gọi là chữ hiếu, chữ đạo của con người trong đối xử, công lao các bậc sinh thành sâu nặng lắm:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Công lao các bậc sinh thành sâu nặng

=>Bài học răn dạy tốt đẹp của các câu ca dao đều bộc lộ tình cảm kính thương cha mẹ - Người mang nặng đẻ đau, chịu bao đau khổ để tạo nên hình dáng cho con mình.

-. “Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Những câu ca dao thật trữ tình và buồn man mác. Một tình cảm ruột thịt, nhớ thương chồng chất, rất đáng quý.

-Trong văn học dân gian bên cạnh chữ hiếu còn có chữ nghĩa, chữ nghĩa với anh em, chị em.

-Ngoài tình cảm gia đình yêu thương gắn bó, nhân dân Việt Nam vốn trọng nghĩa kim bằng, tình bằng hữu. Tình bạn bè thắm thiết keo sơn, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, yêu thương nhau như anh chị em một nhà. Tình cảm thắm thiết ấy dược diễn đạt khá sâu sắc: “Bạn bè là nghĩa tương tri Sao cho sau trước một bề mới nên”.

C. Kết bài:

-Khẳng định lại vai trò của ca dao

-Nêu suy nghĩ của bản thân

DÀN Ý 2

I. Mở bài: Giới thiệu về tình cảm gia đình

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là dạo con.”

Đây là một trong những câu ca dao nói về tình cảm gia đình hay nhất. câu ca dao nói về tình cảm cha mẹ dành cho con cái và con cái giành cho cha mẹ, nhưng tình cảm gia đình không chỉ có thế, chúng ta cùng đi tìm hiểu về tình cảm gia đình.

Tình cảm của anh chị em đối với nhau

II. Thân bài: Nghị luận về tình cảm gia đình

1. Thế nào là tình cảm gia đình:

- Tình cảm của ba mẹ dành cho con cái

- Tình cảm của ông bà dành cho con cháu

- Tình cảm của con cái dành cho ông bà, cha mẹ

- Tình cảm của anh chị em đối với nhau

2. Biểu hiện của rình cảm gia đình:

- Ba mẹ thương yêu, chăm sóc con cái, luôn quan tâm và hỏi han con cái

- Là cha mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho con

- Là sự hi sinh cả tuổi thanh xuân của cha mẹ nuôi dạy con

- Ông bà tảo tần nuôi con khôn lớn, thương yêu cháu, dạy dỗ cháu nên người

- Con cái thương yêu, kính trọng, hiếu thảo với ông bà cha mẹ

- Là khi con cháu học tập có thành tích tốt để ông bà cha mẹ vui

- Con cháu biết trách nhiệm và vai trò của mình để tạo niềm vui cho ông bà, cha mẹ

- Anh chị em trong nhà yêu thương nhau

- Anh chị em không tranh đua, không ganh ghét nhau

- Không vì chuyện nhỏ mà gây sức mẻ tình cảm gia đình

3. Ý nghĩa của tình cảm gia đình:

- Gia đình có tình cảm gia đình sẽ hạnh phúc

- Được mọi người thương yêu, quý mến và tôn trọng

- Ông bà cha mẹ tự hào

4. Vai trò của em trong tình cảm gia đình:

- Cố gắng học tập và rèn luyện

- Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ

III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về tình cảm gia đình

- Đây là một tình cảm rất thiêng liêng

- Chúng ta cần học tập tốt để đền đáp công ơn của cha mẹ

Leave a Reply