Cho đoạn văn: "Nghe đến đây, Vũ Nương ứa nước mắt khóc....mờ nhạt dần mà biến mất." Em hãy nói về tư tưởng và nghệ thuật mà đoạn kết tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" để lại trong lòng người đọc

GỢI Ý

1. Về mặt tư tưởng:

- Với đặc trưng riêng của thể loại truyền kỳ, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm phần cuối mang đầy yếu tố thần kì. Vũ Nương sống cuộc sống bình yên ở chốn thủy cung. Tại đây, Vũ Nương tình cờ gặp một người cùng làng là Phan Lang. Nàng đã nhờ Phan Lang gửi chiếc hoa vàng cùng lời nhắn cho Trương Sinh. Trương Sinh nghe Phan Lang kể, biết vợ bị oan, bèn lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang. Vũ Nương trở về, ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, lúc ẩn, lúc hiện, nói với chồng lời tạ từ rồi vĩnh viễn trở về chốn làng mây cung nước. 

- Đây là một kết thúc vừa có hậu vừa không đánh mất tính bi kịch:

+Vì Vũ Nương được giải oan, sống ở chốn thủy cung với các nàng tiên, đây là motif của truyện truyền kì của thể loại truyện cổ tích Việt Nam. Nó thể hiện ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong cuộc đời: ở hiền gặp lành, người tốt dù có gặp bao nhiêu oan khuất, cuối cùng cũng sẽ được minh oan, được trả lại thanh danh và phẩm giá. 

Số phận bi thảm của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến

+ Mang màu sắc bi kịch: Vũ Nương trở về uy nghi, rực rỡ nhưng chỉ thấp thoáng, lúc ẩn lúc hiện ở giữa dòng sông rồi vĩnh viễn biến mất. Tất cả chỉ là ảo ảnh, hư vô và mau chóng tan biến, nó góp phần tô đậm nỗi đau của người phụ nữ bạc mệnh. Thực tại lại trở về với thực tại: Vũ Nương vĩnh viễn không thể trở về trần gian, nàng chẳng bao giờ được làm vợ, làm mẹ như mong muốn lớn nhất của đời nàng; chàng Trương vẫn phải trả giá cho hành động phũ phàng của mình, sống trong cảnh phòng không vắng vẻ…ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya; bé Đản mãi mãi không còn mẹ… 

=> Qua kết thúc truyện này, chúng ta thấy được thái độ căm ghét, lên án của Nguyễn Dữ đối với xã hội bất công đương thời, cái xã hội mà ở đó người phụ nữ không thể có hạnh phúc. Điều đó càng khẳng định nỗi đau xót và niềm thương cảm của tác giả với số phận bi thảm của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến

2. Về mặt nghệ thuật:

- Yếu tố kì ảo được sử dụng hợp lí khiến câu chuyện vừa thực vừa hư -> Kết truyện vừa có hậu lại không đánh mất tính bi kịch nhờ sự kết hợp hài hòa hiện thực và yếu tố kì ảo -> câu chuyện gần gũi và chân thực hơn

- Xây dựng tình huống truyện đặc sắc: Ở đoạn này tác giả đã thực hiện cởi nút thắt cho câu chuyện của mình

- Xây dựng nhân vật mang tính nhất quán cao: Sự dịu dàng, hiếu nghĩa, tận tụy và chung tình của cô đã bị chồng cô phủ nhận rồi cô bị mắng nhiếc, đánh đập và đuổi đi thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn một lòng hướng về chồng con, vẫn luôn nặng tình, nặng nghĩa.

Leave a Reply