"Có nên chinh phục Everest một cách quá nhanh?" Nêu suy nghĩ về câu hỏi trên

"Có nên chinh phục Everest một cách quá nhanh?"

- Dẫn dắt:

Xã hội hiện đại phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho chúng ta muốn chinh phục những vùng đất mới, những chân trời mới. Đỉnh Everest - nóc nhà của thế giới, một điểm đến của biết bao nhiêu những con người ưa thử thách, không ngại mạo hiểm. Có một câu hỏi đặt ra là "Nếu giả sử bạn đang trong đoàn leo núi, gần chạm tới đỉnh núi và bạn chỉ còn cách người dẫn đầu vài bước chân nữa, bạn có sẵn sàng tăng tốc vượt họ để trở thành người đầu tiên đứng trên đỉnh núi. Cách có vài bước chân thôi nhé!!!". Chúng ta có nên chinh phục đỉnh Everest một cách quá nhanh?

- Giải thích:

Nếu là tôi, tôi sẽ trả lời không trong câu hỏi trên kia. Chẳng có lí do gì tôi phải vượt họ, bởi ước nguyện đơn giản của tôi chỉ đơn giản là leo núi và được đứng trên đó, vươn mình nhìn ngắm thế giới, chứ không phải để thế giới ghi nhận thành tích dẫn đầu của tôi. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của thầy hiệu trưởng David McCullough "Leo lên đỉnh núi không phải là để cắm cờ mà là để vượt qua thử thách, tận hưởng bầu không khí và ngắm nhìn quang cảnh xung quanh. Leo lên đỉnh cao là để các em nhìn ngắm thế giới chứ không phải là để thế giới nhìn ra các em". Trong cuộc sống cũng thế thôi, mấy ai biết rằng ôm đồm tham vọng quá đôi khi lại là trở ngại để ta vấp ngã, lại là sự nuối tiếc sau này.

Everest

- Bàn luận:

+ Leo đỉnh núi Everest cũng tương tự như khi bạn muốn chinh phục mục tiêu của mình trong cuộc sống, chúng ta cần phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt, kiến thức sâu rộng, có kĩ năng xử lí tình huống bất ngờ. Nếu chúng ta cứ mà hấp tấp vội vàng, sẽ dễ dàng vấp ngã. Chẳng phải dân gian với hay nói: "Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây" đó hay sao. 

+ Cũng phải bàn thêm về lối sống "chậm", "nhanh" để tránh nói rằng lối sống mà Xuân Diệu gửi gắm qua bài thơ Vội vàng là điều sai trái. Sống chậm là khi chúng ta chuẩn bị hành trang vững chắc cho mình để chuẩn bị cho thử thách mới (tập thể thao, đọc sách,... để trau dồi kĩ năng trước khi tham gia leo núi). Còn sống "vội vàng" là tận hưởng cuộc sống này một cách trọn vẹn, ( đi đến những miền đất mới, đặt mình vào trải nghiệm mới,...) để sau này về già chúng ta không phải nuối tiếc 

+ Mỗi người có một cách sống khác nhau cũng như một mục tiêu khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ chúng ta đặt ta đích đến và tìm ra cách chinh phục nó. Nhưng tham lam ôm đồm quá nhiều thứ cũng như việc bạn đi leo núi mà ôm nhiều thứ lỉnh kỉnh đi, chắc chắn sẽ khiến bạn bị đuối sức và tụt lại phía sau. Nếu cứ dại dột mà vượt lên phía trước người dẫn đầu, chúng ta sẽ bị chết gục bởi cái lạnh và sự thiếu không khí. Vì thế, chúng ta hãy hạn chế bớt những ánh hào quang mà chúng ta tưởng tượng ra trong tham vọng, trong mục tiêu của mình để tránh sự đánh đổi, sự mất mát không đáng có

+ Đơn giản như việc mua điện thoại, chúng ta nên chọn cái phù hợp với hoàn cảnh của mình. Không ai con nhà bố công nhân, mẹ làm ruộng ngày ngày chắt chiu từng đồng mà lại đi mua điện thoại 20 triệu cả. Tham vọng ôm đồm như thế chúng ta, chúng ta kiể gì cũng chết vì bệnh sĩ trước khi chết vì ung thư. 

+ Suy cho cùng, trước khi sống "vội vàng" chúng ta cứ chậm rãi chuẩn bị những bước chậm mà chắc. Biết đặt mục tiêu cho mình như phải phù hợp, đừng quá tầm với kẻo "trèo cao ngã đau".

Kết luận:

Ai trong chúng ta có lẽ đều có một mục đích sống, một đỉnh everest mà chúng ta muốn tới. Đó là viên thuốc quý hồi phục sinh lực và tiếp thêm sức mạnh mỗi khi ta thất bại. Chỉ cần nghĩ đến mục tiêu, chúng ta lại có thêm nghị lực và niềm tin bước tiếp. Nhưng nó cũng có thể là quả táo có thuốc độc của bà phù thủy khiến ta mù quáng và trượt chân vấp ngã. Những tham vọng ôm đồm, những vội vàng hấp tấp là điều không nên có để tránh sự mất mát và thất bại không đáng có. Vậy bạn sẽ trả lời câu hỏi "Có nên chinh phục đỉnh Everest quá nhanh" như thế nào?

Leave a Reply