Có nhận định về văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX như sau: “Trong giai đoạn... trong xã hội”. (Nguyễn Lộc). Bằng các tác phẩm đã học, em hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên

Đề tài

Có nhận định về văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX như sau: “Trong giai đoạn văn học này đã hình thành một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong đó có cac nhà thơ, nhà văn đặt ra những vấn để về quyền sống của người phụ nữ, vấn đề tình yêu tự do và hạnh phúc lứa đôi, và đấu tranh chống lại những thế lực xã hội vùi dập con người. Tác giả của văn học giai đoạn này thường đứng trên lập trường nhân sinh để nhìn nhận những vấn đề đặt ra trong xã hội”.

(Nguyễn Lộc)

Bằng các tác phẩm đã học, em hãy giải thích và làm sáng tỏ nhận định trên.

BÀI LÀM

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

Quả thật, từ xưa đến nay, nền văn học Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Nó là tấm gương phản chiếu đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Văn học nước ta vừa chuộng sự hài hòa giữa tình và lí, vừa coi trọng chữ tâm, chữ tài, vừa gợi, vừa tả, vừa rực rỡ lại vừa giản dị, vừa mạnh mẽ, vừa trầm lắng sâu sắc. Nhưng có lẽ khi nhân phẩm con người bị vùi dập, chà đạp thì ánh hào quang rực rỡ của văn học lại càng tỏa sáng để tố cáo những thế lực đàn áp con người, để đòi quyền sống, quyền tự do của con người. Điều này thể hiện rõ trong giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX. Vì thế sách Văn học 10 (tập 1, Nhà Xuất bản Giáo dục) nhận định: “Trong văn học giai đoạn này... những vấn đề đặt ra trong xã hội”.

Con sâu cái kiến kêu gì được oan

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu “nhân đạo chủ nghĩa” là gì? “Nhân đạo” là tình thương người, đặc biệt là những người bất hạnh, đau khổ, bị thiệt thòi trong cuộc sống. Ngoài ra, “nhân đạo” còn là sự khám phá và biểu dương những giá trị làm đẹp con người. Nói: “Trong văn học giai đoạn này đã hình thành một trào lưu nhân đạo”, vậy thế nào là “trào lưu”? “Trào lưu” cũng giống như phong trào, nó xuất hiện rất nhiều, hàng loạt và phổ biến một vấn đề nào đó. Ớ đây, giai đoạn văn học này đã xuất hiện hàng loạt những tài năng lớn, những nhà nhân đạo lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương,... Trào lưu này hướng tới con người bị đàn áp, nhất là những người phụ nữ, nó giúp ta thấy cái rối ren của xã hội thời đó.

Nhưng tại sao trong thời kì này lại nảy sinh “trào lưu nhân đạo”? Phải chăng khi tự do, nhân phẩm và hạnh phúc của con người bị chà đạp thì chủ nghĩa nhân đạo lại phát triển mạnh mẽ? Thật vậy, trong thời kì này, thời kì mà con người phải sống trong cái “cõi người ta”, sống trong cảnh: “Ma đưa lối quỷ đưa đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” thì thử hởi các nhà nhân đạo làm sao có thể làm ngơ trước thực trạng xã hội ấy? Con người sống trong xã hội lúc bấy giờ bị đày đọa khổ sở, thân phận của họ không bằng con sâu, cái kiến, những con vật nhỏ bé thấp kém.

Con sâu cái kiến kêu gì được oan

(Nguyễn Du)

Trong khoảng thời gian này cũng có lúc xã hội ta được yên ổn nhờ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ thắng lợi. Nhưng tiếc thay, ánh hào quang ấy lại xẹt qua quá nhanh để rồi tất cả cũng trở lại như cũ.

Sống trong một xã hội như vậy, các nhà thơ, nhà văn rất cảm thông cho số phận con người cho nên họ thường đứng trên lập trường nhân sinh để viết nên những dòng thơ văn bênh vực con người, tố cáo các thế lực phong kiến xấu xa đã đẩy con người đến bước đường cùng. Có lẽ, người phụ nữ trong xã hội này là bất hạnh nhất, thiệt thòi nhất. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã bao lần rơi lệ cho những kiếp hồng nhan bạc phận, những con người tài sắc vẹn toàn nhưng phải trải qua bao đắng cay khổ nhục:

Sống làm vợ khắp người ta

Hại thay thác xuống làm ma không chồng!

Hay phải trải qua cảnh:

Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần

Trong xã hội phong kiến, những chuyện như thế, những chuyên: “Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa” (Văn chiêu hồn) đã trở thành phổ biến. Ngày xưa, nếu như Nguyễn Công Trứ đã đánh giá Kiều:

Đoạn trường cho đảng kiếp tà dâm

thì ngày nay, những định kiến ấy đối với gái giang hồ không phải là hết. Thế mà, Nguyễn Du lại khác, trái tim ông lại biết cảm thông, thương xót cho những người con gái ấy:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

“Đau đớn thay”, chỉ với bao nhiêu chữ ấy cũng đã cho ta thấy được tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du. Nhà thơ không hề trách những con người lỡ bước sa chân vào con đường “buôn nguyệt bán hoa” mà ông chỉ coi đó là số mệnh của mỗi con người. Từ xưa đến nay, đã có nhà thơ nào lại biết quan tâm đến cuộc sống về già của những người kĩ nữ như Nguyễn Du không? Chỉ có Nguyễn Du, một nhà thơ với trái tim vĩ đại là biết lo lắng cho họ:

Ngẩn ngơ khi trở về già

Ai chồng con tá biết là cậy ai?

Ai? Ai? Ai? Vấn đề đặt ra hết sức nan giải. Cũng chính vì vậy mà Nguyễn Du đã phải thốt lên lời than ai oán:

Đau đớn thay phận đàn bà

Và:

Thương thay cũng một kiếp người

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Tấm lòng của Nguyễn Du thật bao la, ông thương xót cho những kiếp người bất hạnh, từ những người dân buôn bán: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”, những kẻ ăn mày bị đời khinh khi, những đứa trẻ phải sớm chịu cảnh “lìa mẹ lìa cha”, cho đến nàng Tiểu Thanh bất hạnh, người gảy đàn vô danh... Tất cả đều làm cho trái tim nhà thơ rung động, làm “thiết tha cõi lòng” ông.

Trong giai đoạn này không những chỉ có Nguyễn Du biết cảm thông với người phụ nữ mà còn có rất nhiều các nhà thơ, nhà văn khác đồng tâm trạng với Nguyễn Du. Chúng ta đã hơn một lần bắt gặp hình ảnh người cung nữ cô đơn mong ngóng được chồng (đấng quân vương) đoái hoài:

Lạnh lùng thay giấc cô miên

Mùi hương tịch mịch, bóng đèn thâm u

Tranh biếng ngắm trong đồ tố nữ

Mặt buồn trông trên cửa nghiêm lâu

Một mình đứng tủi, ngồi sầu

Đã than với nguyệt lại rầu với hoa

(Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều)

Trong xã hội mà “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” này thì những người phụ nữ có chồng cũng như không, không phải là ít. Đáng thương thay cho những kiếp hoa bị vùi dập và đáng giận thay cái xã hội lúc bấy giờ, một xã hội rối ren thối nát.

Tuy nhiên, giá trị nhân đạo của văn thơ giai đoạn này không chỉ là cảm thông, thương xót mà còn lên tiếng bênh vực cho con người, cho tình yêu tự do và hạnh phúc lứa đôi của con người. Chúng ta đã từng bắt gặp một nàng Kiều dám vượt qua lễ giáo phong kiến khắt khe để đến với người yêu của mình:

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình

Hơn nữa, nàng Kiều còn lại dám chủ động thề nguyền với Kim Trọng mà không thông qua cha mẹ mình. Tại sao Nguyễn Du dù đã làm tới chức Tham Tri Bộ Lễ mà vẫn để cho Kiều vượt qua lễ giáo như thế? Ong quá dễ chăng? Không đâu, Nguyễn Du chưa chắc đã dễ, chẳng qua nhà thơ có những nhận thức tiến bộ về sự tự do trong tình yêu. Tiến bộ hơn Nguyễn Du, chủ động hơn nàng Kiều có lẽ phải nói đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, “bà chúa thơ Nôm” của nước ta. Hồ Xuân Hương đã thẳng thắn mở lời trước nam nhi:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

(Mời trầu)

Không những trong tình yêu mà trong đời thường, Hồ Xuân Hương cũng rất mạnh mẽ:

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu

(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Nhà thơ có quá kiêu hãnh chăng khi xem thường sự nghiệp của vị tướng Tàu lừng danh sầm Nghi Đống? Hồ Xuân Hương không phải là người như vậy mà bà là một con người rất có bản lĩnh, biết mình và biết người. Hồ đã tự ví mình với chiếc bánh trôi nước:

Thân em. vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Bảnh trôi nước)

Có thể trong cuộc sống, số phận nhà thơ phải gian truân lận đận, phải bị lệ thuộc vào xã hội nhưng Hồ Xuân Hương vẫn giữ được phẩm chất trắng trong của mình, đó chẳng phải là một điều đáng quý, đáng trân trọng hay sao?

Sống làm vợ khắp người ta

Đọc thơ Hồ Xuân Hương, ta thấy được chất hùng tráng cao vút, thấy chí khí và sức mạnh nội tại của nhà thơ. Thấy được phẩm chất cao quý ấy nhưng Hồ Xuân Hương vẫn cảm thấy đau đớn, xót xa cho thân phận mình. Hồ Xuân Hương luôn muốn mình ở trong tư thế chủ động nhưng xã hội lại đưa đẩy bà vào thế bị động, bị động trong cuộc sống và bị động cả trong tình yêu.

Trong văn chương phi ngã hiếm có nhà thơ nào lại nói đến cái tôi nhiều như Hồ Xuân Hương. Đây là một nét rất độc đáo và rất riêng trong thơ của bà.

Giá trị nhân đạo trong tác phẩm văn học còn thể hiện ở chỗ phê phán, tố cáo các thế lực xấu xa chà đạp nhân phẩm của con người. Xã hội lúc bấy giờ không còn là một xã hội nữa, bọn quan lại thì tranh giành quyền lực chém giết nhau, đàn áp người dân “thấp cổ bé họng” để rồi xã hội phải rơi vào cảnh:

Bao phen thay đổi sơn hà

Trong xã hội ấy, bọn tham quan, bọn Tú Bà, sở Khanh có rất nhiều. Bọn chúng đã làm cho bao cuộc tình đẹp phải tan vỡ, làm cho nhiều người phải “nhỡ nhàng một kiếp”... Bọn chúng xứng đáng với những cái tên mà Nguyễn Du đã gọi “ruồi xanh”, “mặt sắt”, “những phường bạc ác tinh ma”... Lúc này, đời sống con người hết sức cơ cực, họ phải dắt nhau đi ăn xin như hình ảnh ba mẹ con trong Sở kiến hành, họ phải ăn “rau lẫn tấm cám” thay cơm. Nhưng một hình ảnh khó có thể mờ phai trong trí người đọc có lẽ là hình ảnh của đứa bé nằm chết co quắp bên cái công nước đen rất tanh hôi, trên tay đứa bé là trái táo bị cắn một miếng đầy ruồi sâu bọ. Trong lúc đó thì bọn quan lại ăn choi thâu đêm, hết tiệc này đến tiệc khác toàn là thức ngon vật lạ:

Nào vây cá, gân hươu

Lợn dê mâm đầy bát

Quan lớn không chạm đũa

Tùy tùng chỉ nếm chút

Thức ăn thừa đổ đi

Chó no ngấy món ngon...

Ôi, độc ác thay những kẻ tự xung là cha mẹ dân mà lại không biết chăm lo cuộc sống cho con dân mình!

Họ là những kẻ “ngoài mặt không thò nanh vuốt” mà lại “cấu xé người nhai nuốt ngọt ngon”. (Phản chiêu hồn - Nguyễn Du)

Trong xã hội loạn lạc ấy, con người không trở thành ăn mày thì cũng phải bị chia li, phải chịu muôn vàn đau khổ khi xa chồng. Chinh phụ ngâm đã tố cáo thế lực chia cắt con người, chia cắt cuộc sống hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ:

Xanh kia thăm thẳm tầng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Ai đã tạo nên cảnh chia li ấy? Vì ai?

Trong Văn tế Trương Quỳnh Như, một loạt câu hỏi “vì đâu?” đã tố cáo mạnh mẽ cái xã hội loạn lạc đầy chia li và những tập tục, những quan niệm cổ hủ đã gây đau khổ cho con người: “Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu?” hay “Chua xót cũng vì đâu? Não ruột cũng vì đâu” Những câu hỏi “vì ai?”, “vì đâu?” đã gây nhức nhối cho người đọc chúng ta không ít và nó cũng giúp cho chúng ta phần nào hiểu được cuộc sống của con người lúc bấy giờ. Phải chăng vì quá xót xa trước cuộc sống hiện tại mà Nguyễn Du lại cứ sống với quá khứ và hướng đến ba trăm năm sau mong cho có người hiểu mình:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Nguyễn Du còn như vậy huống chi người dân không than oán cho được? Tuy thất vọng về xã hội mà mình đang sống nhưng Nguyễn Du còn biết ước mơ, hi vọng vào tương lai ngày nào đó sẽ xuất hiện một Từ Hải anh hùng, tài năng.

Đường đường một đấng anh hào

Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài

Để chấn chỉnh lại cái xã hội ấy, một Từ Hải chỉ cần nửa năm mà đã có trong tay một giang sơn riêng và không còn biết “trên đầu có ai”. Tuy có hơi ngang tàng nhưng Từ Hải của Nguyễn Du lại rất công minh, phân biệt ân oán rạch ròi: ân đền, oán trả. Đó chính là hình ảnh mang giá trị nhân đạo sâu sắc trong Truyện Kiều.

Tóm lại, giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX đã hình thành một trào lưu văn học nhân đạo chủ nghĩa. Nó là tiếng lòng, là tiếng nói của những nhà thơ, nhà văn ưu tú của dân tộc. Nó bênh vực cho con người, đòi quyền sống, quyền tự do của con người, đồng thời nó cũng là bức tranh hiện thực tố cáo những thế lực xấu xa của xã hội. Có sống trong thời đại đó thì chúng ta mới thấy được nhân phẩm, hạnh phúc, tự do của mỗi con người đáng quý biết nhường nào. Ngày nay, chúng ta phải biết trân trọng cái tự do mà mình có được và phải ra sức phấn đấu hoàn thiện nhân cách, tài năng của mình để được đi đến bến bờ của hạnh phúc. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải góp phần xây dựng đất nước ngày càng văn minh tốt đẹp để không còn phải một lần nữa lại giẫm chân vào con đường mà xã hội ta đã trải qua giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX.

Leave a Reply