Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, Phạm Ngũ Lão cũng đã lập chiến công, không cần phải thẹn, hạ thấp mình như thế. Ngược lại, đó là biểu hiện hoài bão lớn lao của trang nam nhi. Em hãy bình luận

Cảm hứng yêu nước trong giai đoạn văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến XV là chất men say làm sống dậy hào khí của dân tộc trong thời kì nhân dân ta lập nên những chiến công hiển hách. Nổi bật hơn hết là chiến thắng oanh liệt ba lần đánh tan giặc Nguyên Mông xâm lược, vết son chói lọi đó in sâu vào lịch sử đấu tranh giữ nước sáng ngời truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Trong đó, Phạm Ngũ Lão là một người tài giỏi từng được mệnh danh “đánh đâu thắng đó” đã góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng những thành quả trong quá khứ. Ngày nay tên tuổi của ông vẫn còn sống mãi. Bài thơ duy nhất còn lại của ông là Thuật hoài cũng gây không ít những bàn cãi tranh luận. Thiết nghĩ chúng ta nên có những cái nhìn chung và xem xét kĩ để có thể từ đó hiểu thêm về con người và xã hội thời đó chăng?

Quả thật không ai có thể phủ định giá trị âm vang lịch sử mà Thuật hoài mang lại

Có bạn cho sự hổ thẹn của tác giả là quá đáng, Phạm Ngũ Lão cũng đã lập chiến công, không cần phải thẹn, hạ thấp mình như thế. Ngược lại, có bạn cho đó là biểu hiện hoài bão lớn lao của trang nam nhi. Vậy sự hổ thẹn ở đây là gì? Và liệu nó có quá đáng hay không? Đó là những gút mắc, những điều bức xúc mà không chỉ có một mà nhiều người đặt ra khi thưởng thức tác phẩm Thuật hoài. Thuật hoài là một bài thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt được sáng tác để giải bày nỗi lòng của tác giả, của Phạm Ngũ Lão. Câu cuối cùng ông có đề cập đến chữ thẹn:

Tu tính nhân gian thuyết Vũ hầu (nguyên tác)

(Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu) (bản dịch)

Chữ thẹn ở đây là thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu. Vũ hầu là Khổng Minh Gia Cát Lượng, một người được xem như bậc vĩ nhân ở Trung Quốc. Bằng tài trí, sức lực của mình, Khổng Minh đã giúp Lưu Bị từ tay trắng trở thành một đế vương. Công lao ấy, tài đức ấy luôn được xem là mục tiêu hướng tới của bao người anh hùng thời đại bấy giờ, trong đó có cả tướng tài Phạm Ngũ Lão. Ông cảm thấy thẹn, xấu hổ vì không bằng người, không thể đóng góp được nhiều hơn nữa, để đền “ơn vua, lộc nước”. Sự hổ thẹn ở đây không có gì là quá đáng. Con người luôn mong muốn vươn tới đỉnh cao nhất của vinh quang, được đem trí tuệ tài sức để giúp vua, giúp nước, được cống hiến hết lòng mình vì sự nghiệp chung. Đóng góp không mệt mỏi, điều đó có gì là quá đáng? Đó là những biểu hiện hoài bão lớn lao của trang nam nhi, nhận thức được trách nhiệm làm trai, không ngừng vươn lên tự hoàn thiện, tự khẳng định bản thân và làm cho tên tuổi lưu danh ngàn đời. Do đó chữ thẹn trong Thuật hoài không phải là sự hạ thấp mình của Phạm Ngũ Lão mà nó thể hiện lòng yêu nước thiết tha và ý thức bổn phận rất sâu sắc của ông. Thẹn không chỉ để thẹn, thẹn rồi mới biết tự khắc phục, tìm mọi cách để hoàn thiện bản thân. Đó là một điều đáng trân trọng trong tính cách của ông vì không ai trên đời này tự nhận mình là xấu. Một khi đã đối diện với sự thật, con người trở nên sáng suốt hon bao giờ hết và lòng tràn đầy quyết tâm.

Bài thơ Thuật hoài có mạch thơ xuyên suốt liên tục làm tái hiện tư thế hiên ngang, tầm vóc vũ trụ lớn lao, khí thế hào hùng qua nghệ thuật xây dựng hình ảnh hùng tráng múa giáo, khí mạnh át sao Ngưu. Bài thơ khẳng định ý chí sôi sục, quyết tâm cao độ được “nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” của người anh hùng Phạm Ngũ Lão. Điều đó càng được thể hiện rõ qua từ thẹn của câu cuối. Từ thẹn đặt trong bài thơ rất thích hợp với mạch thơ, nhịp thơ mạnh, chắc, rắn rỏi.

Thuật hoài không chỉ để bày tỏ nỗi lòng của tác giả mà bài thơ còn là lời nhắc nhở đối với bậc nam nhi sống trong thời đại phải có ý cầu tiến, xả thân vì nghĩa, lớn. Đây cũng là một bài học đầy ý nghĩa thiết thực cho những con người hôm qua, hôm nay và mai sau. Sự hổ thẹn của tác giả không có gì quá đáng, quá đáng chăng là những người trai không ý thức trách nhiệm của mình, lười nhác, chỉ hưởng không công, hay những người ca ngợi chiến công, nâng chiến công “ngủ say trong chiến thắng” mơ về quá khứ rực rỡ oanh liệt mà quên đi thực tại. Điều đó có nên có hay không trong dân tộc ta, đất nước chỉ vừa mới giành độc lập. vết thương chiến tranh còn hằn sâu trên bầu trời trong xanh, trong từng con người, để lại dấu vết trên mái nhà, mảnh đất quê hương?

Thuật hoài không chỉ có ở một thời đại mà nó mang giá trị chung của mọi thời đại

Còn trong bài Cảm hoài của Đặng Dung, chữ “thẹn” thể hiện rõ nhất ở hai dòng cuối:

Bạc đầu thù nước còn chưa trả,

Mấy độ mài trăng bóng nguyệt tà.

Ông thẹn cho mình thời gian còn ngắn ngủi, đời người qua mau trong vô vị, chưa làm nên được việc hiển hách, chưa làm tròn nhiệm vụ rửa nhục nước, trả thù nhà đã phải chịu bế tắc. Ông không thể làm gì được nữa. Thật phí cho tài cao chí lớn nhưng không được trọng dụng. Đấy là cái thẹn của người thất thế.

Trên đây là những con người dù ở những thời khác nhau, ở địa vị, giai cấp khác nhau nhưng họ đều có tấm lòng yêu nước, quyết tâm làm tròn bon phận, nghĩa vụ của một trang nam nhi đối với đất nước. Tấm lòng đó tràn đầy hoài bão vô tận, không bao giờ được thỏa mãn, không bao giờ thấy đủ khi họ chưa trút hơi thở sau cùng.

Với ý nghĩa to lớn như thế, tác dụng của Thuật hoài không chỉ có ở một thời đại mà nó mang giá trị chung của mọi thời đại. Chính nội dung, tầm tư tưởng đáng quý ấy đã làm cho bài thơ sống mãi qua bao nhiêu thời gian và tên tuổi Phạm Ngũ Lão trở nên bất tử.

Ảnh hưởng của bài thơ trong thời đại chúng ta không những thiết thực mà còn bổ ích. Chúng ta phải làm gì để không hổ thẹn khi nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Điều rất đơn giản nhưng không phải dễ dàng cho những ai thiếu quyết tâm, những người không biết hổ thẹn là gì. Chúng ta cần làm hết sức mình, tận tâm hoàn thành nghĩa vụ của một người dân đôi với đất nước.

Quả thật không ai có thể phủ định giá trị âm vang lịch sử mà Thuật hoài mang lại. Tác phẩm làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta và làm sống dậy hào khí Đông A cao đẹp của một thời đại.

Leave a Reply