Kể lại một câu chuyện cảm động mà em đã được chứng kiến
Người đàn bà vớt xác trên sông.
"Nhiều người nói, sao mỗi lần vớt được tử thi không đòi gia chủ nhiều thù lao vào, để có tiền mà nuôi thằng Đạt. Tui nghe mà tủi thân, người ta mất người thân đã đau khổ, mình lấy đó mà vòi vĩnh thì có phải đạo", chị Nguyệt "vớt xác" thút thít.
Nhà nghèo, chị Nguyệt dù tần tảo cũng không nuôi nổi con trai ăn học đến nơi đến chốn dù cậu bé học giỏi.
48 tuổi đời, hơn 30 tuổi nghề vớt xác người trên sông Lam, đó là những gì mà người ta tóm lược được khi nói về chị Nguyễn Thị Nguyệt trú ở tổ 1, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. "Nhiều khi bưng bát cơm định ăn, người ta lại gọi mình đi vớt xác. Cái nghề làm phúc làm đức chứ ai lấy nó làm cái nghiệp kiếm miếng ăn mô", chị tâm sự. Vậy mà chẳng biết từ bao giờ, nghề vớt tử thi trôi sông đã gắn với chị. Cái tên Nguyệt "vớt xác" cũng gắn với chị như một cái duyên khó dứt.
Vớt xác không công
Cứ mỗi lần gặp xác chết trôi sông, người ta lại í ới nhau gọi Nguyệt "vớt xác", chị lại có mặt nhanh như đội cứu hộ, trong tay luôn sẵn sàng lưỡi câu, dây thừng. Xác người nổi lềnh phềnh trên mặt nước, nhìn thấy đã sợ chứ đừng nói đến chuyện vớt. Vậy mà chỉ với vài thao tác đơn giản, chị Nguyệt đã đưa vào bờ biết bao con người xấu số mà đến nay chị cũng không nhớ mình đã vớt được bao nhiêu người.
Số phận run rủi đưa chị vào nghề từ tuổi 18. "Một hôm có anh bộ đội không may bị lật thuyền thúng khi ngang sông Lam. Mọi người dáo dác tìm xác nhưng chẳng ai dám lặn tìm. Khi đó, tui đang là con gái độ xuân chẳng biết sợ là chi, liền lao xuống dòng nước lặn tìm, mãi rồi cũng thấy anh" - chị Nguyệt nhớ lại.
Từ đó, khúc sông Lam chạy qua Nghi Xuân, Xuân Thành (Hà Tĩnh), Bến Thủy, Cửa Lò (Nghệ An) biết chị với khả năng tìm vớt xác người chết đuối. Hễ có người mất tích trên sông lâu ngày người ta lại tìm chị, có tử thi thối rữa ai cũng ngại tiếp xúc thì Nguyệt "vớt xác" lại ra tay, đưa cả cái xác trương phình giao lại cho gia chủ.
Gọi là nghề nhưng chưa bao giờ chị lấy đó làm "cần câu cơm", chị chỉ xem đó là việc phúc đức nên làm. Nhiều lần vớt được những em học sinh, những đôi trai gái yêu nhau chết trong tư thế quyện chặt nhau, chị đã không giấu được nước mắt.
"Mỗi lần gặp cảnh như rứa, lòng tui đau như thắt anh ạ. Cứ như ruột rà mình rứa. Có gia đình sau khi vớt xác xong, họ cho mình ít tiền gọi là công cán, làm cái nghề bất đắc dĩ ni hơn 30 năm tui chưa bao giờ đòi tiền công dù chỉ một đồng", chị xúc động. Chị kể tiếp: "Nhiều khi gặp người chết nổi trên sông, tui vớt về khâm liệm đàng hoàng rồi chờ gia chủ tới nhận".
Nói chị Nguyệt "vác tù và hàng tổng" cũng đúng khi chị làm cái việc không công cho thiên hạ ngót nghét nửa đời người. Nhiều người cho chị "dở hơi" cũng chẳng sai khi ngư nghiệp kiêng cữ việc "cướp cơm" của hà bá như vậy. Nhưng chị tâm niệm, "nghề ni không phải ai làm cũng được, tui đã sống với những cái xác trôi sông suốt mấy chục năm âu cũng là duyên trời định, là phúc là đức cho đời".
Hằng ngày chị cùng mấy người em trai quăng lưới, đánh cá, ngư nghiệp chính là công việc mưu sinh của chị. Nhưng cứ nghe có người gọi đi vớt xác là chị lại bỏ vó, buông lưới đi tìm giúp cho người ta đã.
Suốt đời gắn bó với nghề vớt xác, chị Nguyệt luôn tin mình sẽ được hưởng phúc đức.
Mong ước bình dị
Cả một đời vớt xác làm phúc, đến nay khi ở cái tuổi "xế chiều", chị vẫn sống trong căn nhà cấp 4 xập xệ nằm sát mé sông Lam.
Sinh ra trong một gia đình vốn nghiệp sông nước, chị Nguyệt mất mẹ từ tuổi nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, lại lỡ bước với một tay "Sở Khanh", một mình chị nuôi con trai đã khó, càng nặng vai khi cáng đáng thêm người em trai tàn tật.
"Mình vớt được xác đem lên cho người ta, mình nói mấy tiền mà người ta chẳng đưa. Nhưng ngửa tay lấy tiền của thân nhân người xấu số tui không đành lòng". Sống mãi với tâm niệm phúc đức đó nên chị nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hằng ngày chị Nguyệt vẫn cùng những người em trai của mình lặn lội mò tôm, bắt ốc trang trải cuộc sống. Học phí của cháu Nguyễn Văn Đạt, con trai của chị phụ thuộc vào khoản tiền của mẹ. Sức của chị yếu đi cũng là lúc em Đạt phải rời xa trường lớp dù kết quả học tập của em luôn đạt thành tích tốt.
Điều làm chị Nguyệt đau khổ nhất chính là không nuôi nổi con ăn học đến nơi đến chốn. "Nó học giỏi lắm, nhưng tui nghèo một mình tui không nuôi nổi nó" chị nghẹn ngào. Những lúc thời tiết thuận lợi gia đình còn có đồng ra đồng vào, còn lúc mưa gió bão bùng, dòng Lam dữ dội, cả nhà lại rơi vào cảnh túng thiếu.
"Nhiều người nói với tui, sao mỗi lần vớt được tử thi không đòi gia chủ nhiều thù lao vào, để có tiền mà nuôi thằng Đạt. Tui nghe mà tủi thân, chao ôi, người ta mất người thân đã đau khổ, mình lấy đó mà vòi vĩnh thì có phải đạo", chị Nguyệt thút thít.
Đã có lần chị bị bọn lưu manh đánh vì chúng cho rằng chị đã "giành cơm" của chúng. Nếu như kiếm tiền trên những xác chết trôi sông thì mỗi lần vớt như vậy không dưới vài triệu. Nhưng với chị Nguyệt, công việc chị làm xuất phát từ tấm lòng không dễ ai cũng có.
Nói ước mong của mình: "Bộ câu xác người và cả bộ dây thừng, tui mong sẽ không còn dùng đến nữa", chị Nguyệt chỉ mong được "giải nghệ" cái nghề nhiều đau khổ này để không còn chứng kiến nhiều cái chết thương tâm.
Trời chiều, hai mẹ con chị Nguyệt chất đống lưới lên thuyền, bắt đầu một buổi tìm kiếm từng con cá, mò từng con tôm. Đi được một quãng, chị chợt giật mình khi nghe ai đó gọi giật giọng: "Cô Nguyệt "vớt xác" ơi".