Miêu tả về một cảnh biển ở quê hương em (biển Cửa Tùng)

Vào dịp hè, em thường được bố mẹ cho đi du lịch theo tour. Nhờ những tour du lịch, em được thăm rất nhiều cảnh đẹp. Tour du lịch lần này đưa em đến với Huế, thành phố nổi tiếng với vẻ đẹp hoài cổ. Em được đi thăm những quần thể lăng, tẩm và các chùa. Nhưng em thích nhất vẫn là biển Cửa Tùng.

Biển Cửa Tùng

Từ xa, em đã ngửi thấy mùi gió biển thổi, cảm thấy vị mặn mòi của gió biển. Phóng tầm mắt ra xa, em nhìn thấy dải cát trắng trải dài. Em thích thú reo lên: "A! Đến biển rồi! Bố ơi! Con đã nhìn thấy biển rồi". Xe vừa dừng là em nhảy ngay xuống, ba chân bốn cẳng chạy ra biển, mặc cho bố dặn với theo: "Cẩn thận đấy". Em chạy chân trần trên cát. Cát mịn nên thật êm. Thời tiết hôm nay thật đẹp. Dù mùa hè nhưng nắng không gắt. Hay tại ở biển nên cái nắng có phần dịu đi. Biển xanh hiền hòa. Cả một màu xanh mênh mông. Những con sóng ở đây cũng lăn tăn chứ không cuồn cuộn, dữ dội như những bãi biển khác. Biển Cửa Tùng thật dịu dàng. Biển không đánh sóng, sủi bọt trắng xóa. Em đi chân trần trên cát, gần trưa, nước biển âm ấm, cát lại mịn và mát, khiến cho em chỉ muốn đi dọc theo bờ biển, chẳng muốn rời.

Bên bờ biển còn có những chiếc thuyền đánh cá nhỏ, người dân vùng biển neo ở gần đây. Em thấy có những chiếc thuyền đã cũ kỹ, bị hỏng nằm chờ được sửa. Dù bị hỏng nhưng vẫn gắn liền với biển, chắc xa biển, nó cũng thấy buồn.

Bên bờ biển còn có rừng thông. Những cây thông cao vút, lá xanh, nhỏ và dài, đứng trầm ngâm và lặng lẽ. Những khi có gió biển, những cành lá thông va vào nhau kêu xào xạc như đùa vui, thủ thỉ tâm sự với nhau. Em còn thấy cả những cây dừa, thân cao vút. Những tàu lá dừa xòe ra ôm lấy bầu trời xanh, cao và rộng.

Biển Cửa Tùng vẫn còn vẻ đẹp của tự nhiên. Nó không ồn ào và nhiều hàng quán như biển Đồ Sơn, Sầm Sơn và Bãi Cháy. Nó cũng im lặng, yên ả như chính thành phố Huế cổ kính này.

Em yêu vẻ đẹp giản dị của bãi biển nơi đây. Dù chỉ dừng lại ở biển Cửa Tùng có một ngày nhưng em vẫn không muốn rời. Em chia tay biển với đầy lưu luyến.

Leave a Reply