Nghị luận văn học - Chử Đồng tử, một trong "Tứ bất tử" của Việt Nam

Từ một nhân vật trong truyện cổ tích, Chử Đồng Tử đã vượt ra ngoài truyện để đi vào tín ngưỡng, tiềm thức, tâm linh của con người. Bởi vậy, ở nước ta trước đây, Chử Đồng Tử đã từng được coi là một trong “Tứ bất tử” (bao gồm: Tản Viễn Sơn thần, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh).

Cuộc đời của nhân vật này vừa mang tính bi pha lẫn hài và hùng ca.

Anh sinh ra trong một gia đình cố nông ở làng Chử Xá (thuộc Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nơi xuất xứ của nhân vật cũng là nơi mà nhân dân giữ gìn cho nhân vật sống lâu nhất, bền nhất.

Chử Đồng tử, một trong Tứ bất tử của Việt Nam

Tài sản của gia đình họ Chử là cái khố dùng chung cho cả hai cha con. Khi bố hấp hối có dặn lại: “Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng”. Lời trối trăn giản dị, mộc mạc sao mà nặng nghĩa, nặng tình đến thế!

Thật là xúc động và bi thảm biết bao!

“Cù Vân chết, Chử Đồng Tử không nỡ để cha trần truồng, anh lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn cất”. Hành động và việc làm của anh đầy tình nghĩa phụ tử hợp với đạo làm người của nhân dân ta.

Trong văn học nước ta và thế giới thật hiếm có một nhân vật bất hạnh, nghèo khổ cô đơn như anh. Giờ đây, anh phải trần truồng bên bãi sông “lấy nước là áo” “lấy cát thay quần” không cha mẹ, không họ hàng làng xóm thân thích, không ruộng vườn nhà cửa, trơ trụi giữa cuộc đời. Sự bi thảm trong cuộc đời anh như một thứ định mệnh không gì cưỡng nổi. Thế rồi, tình huống bất ngờ xảy ra cuộc gặp gỡ tình cờ giữa anh và nàng công chúa Tiên Dung trên bãi Tự Nhiên giữa sông Hồng đã làm đời anh đã đổi. Theo triết lí đạo Phật: “ở hiền gặp lành”, trời đã cho anh tất cả. Tạo hóa đã ban cho con người quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc thì hạnh phúc đã đến với anh: Vợ - vợ đẹp - công chúa kiều diễm con vua, nhà để ở: một tòa lâu đài - một cung điện nguy nga tráng lệ, có lính canh gác, có thể nữ để sai bảo, v.v.

Từ chỗ không có gì đến chỗ có tất cả rồi tất cả đều biến đi như một giấc chiêm bao, kể cả Chử Đồng Tử cũng “bay lên trời” để trở thành một thần nhân bất tử. Sự phát triển hành động và tính cách của nhân vật cũng hết sức đặc biệt: Chử Đồng Tử “lên núi gặp nhà sư Phật Quang” để “tu tiên học đạo”, học xong “xuống núi về nhà” truyền phép màu cho Tiên Dung, v.v. Cách xây dựng nhân vật trong truyện là sản phẩm của tư duy nghệ thuật kết hợp nhiều thể loại truyện: cổ tích, truyền thuyết, Tiên thoại, Phật thoại, nhân vật Chử Đồng Tử vừa mang tính bi, tính hài, và về cuối là hùng ca: “bay về trời”. “Từ trên trời cưỡi rồng bay xuống Đầm Dạ Trạch” đưa cho Triệu Việt Vương “vuốt rồng” để cắm lên mũ “đâu mâu”, hình tượng đó đẹp như hình tượng Thánh Gióng lên núi Sóc Sơn bay lên trời....

Nếu nhân vật Chử Đồng Tử tiêu biểu cho khát vọng của con người đi tìm cuộc sống phồn vinh về vật chất, hạnh phúc về tinh thần thì nhân vật Tiên Dung tiêu biểu cho khảt vọng của người phụ nữ đi tìm tự do hôn nhân để tự chủ trong việc xây dựng hạnh phúc cho chính bản thân mình. Đó là nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Tiên Dung.

Tiên Dung xuất thân trong hoàng tộc nhưng không màng vinh hoa phú quý. Nàng không nghe theo ý vua cha, không chịu đi lấy chồng, thích đi du ngoạn để ngắm cảnh đẹp của non sông đất nước. Đến khi gặp gỡ bất ngờ với Đồng Tử trên bãi cát sông Hồng trong “màn tắm” thì nàng đã ứng xử theo tiếng nói của lương tri và lương tâm. Ta hãy nghe tiếng nói trái tim yêu thương của nàng: “Tôi đã nguyện không lấy chồng, nay duyên trời run rủi, lại gặp chàng ở chốn này, mới biết không cưỡng được với trời” và “Thiếp và chàng là tự trời xe duyên việc gì mà từ chối”. Thật là táo bạo, rất độc đáo, đầy hấp dẫn vì nó chân thành nên rất tự nhiên mà tự nhiên nên nó rất đẹp.

Chử Đồng tử

Vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến, Tiên Dung đến với tình yêu tự do để hôn nhân tự do và tự do xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho chính bản thân mình. Cuộc tình duyên kì thú giữa hai con người rất trần tục, rất nhân bản, nó đạt tới sự hoàn hảo của tính chân - thiện - mĩ.

Tiên Dung đã quyết nghĩa phu thê với Chử Đồng Tử cho đến bách niên giai lão mặc dù chưa tâu trình với vua cha và phụ vương chưa cho phép. Nàng đã từ giã cuộc sống vương giả để tự nguyện ở lại cùng chàng, cùng dân làng làm ăn sinh sống. Chi tiết này lại càng tô đậm cho tính cách của nhân vật: tự do yêu thương - tự do hôn nhân - tự chủ trong cuộc sông. Đó là khát vọng lớn nhất của con người mưu cầu hạnh phúc.

Tính cách và hành động của Tiên Dung lại phát triển sang bước mới: Nếu trước đây nàng chỉ thích du ngoạn để thưởng thức cảnh đẹp của non sông đất nước, không đi lấy chồng thì nay xây dựng hôn nhân, ở lại quê hương chồng mà không về kinh đô để làm ăn sinh sống - trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế. Đồng ý để Đồng Tử lên núi “tu tiên học đạo” với Sư Phật Quang cho đến khi đắc đạo, “học phép thuật” do Đồng Tử truyền cho. Nàng đã bị chàng cảm hóa theo chiều hướng thoát tục: “bỏ làng xóm đi tìm nơi hoang vắng” rồi cùng Đồng Tử “bay về trời” để trở thành những nhân vật bất tử trong văn học Việt Nam.

Đọc truyện cổ tích thần kì Chử Đồng Tử, chúng ta cảm thụ đến những vẻ đẹp truyền thống tiêu biểu cho tâm hồn, tính cách của người dân Đại Việt trước đây. Ngày nay - khi đất nước đang mở “nền thái bình muôn thuở" thì ước mơ người dân không có gì cao hơn là có cuộc sống phồn vinh về vật chất, hạnh phúc về tinh thần. Bởi vậy, Chử Đồng Tử là thần tượng trong thế giới tâm linh của người dân Việt Nam - một trong “tứ bất tử” của dân tộc.

Leave a Reply