Nghị luận xã hội - Thương và đau miền trung ơi

1. Cả nước lại thắc thỏm hướng về miền Trung. Nơi một lần nữa, bão lũ lại phủ lên màu tang tóc. Từng người, từng người trở về từ biển cả, trong hi vọng của người này, trong vô vọng của người khác, qua từng ngày mỏi mòn chờ đợi. Các bạn hãy dùng thước kẻ để xác định một địa danh trên biển, ở điểm giao của vĩ độ Bắc 20,58 và kinh độ Đông 117,5 sẽ là nghĩa trang của rất đông đồng bào của ta trong cơn bão số 1 vừa qua.

2. Có bạn học trò tên là Võ Văn Hùng, tháng trước còn ngồi trong lớp học 10A12, chưa kịp thi môn cuối cùng, đã phải làm chiếc lá ngoài sân trường, theo cha đi biển để giúp đàn em có thể tiếp tục ngồi lại lớp học. Bạn Hùng đã không trở về. Có trường hơn 40 bạn có người thân mất tích trong cơn bão, nhà trường cho nghỉ học. Rồi ngày mai khi nhà trường gọi đi học lại, sẽ có bao nhiêu chỗ ngồi trống vắng trong lớp học? Tang tóc và nghèo khó sau cơn bão sẽ còn thổi đi bao nhiêu chiếc lá rơi sớm rời xa sân trường? Bạn hãy đọc thêm về trang phóng sự trong số này để thương về miền Trung, chia sẻ cùng bạn bè miền Trung trong cơn hoạn nạn bạn nhé!

Thương và đau miền trung ơi

3. Thật là thương đau. Thương và đau. Thương vì thảm kịch của những ngư dân trong gió bão. Giữa “nước biển một màu đen sẫm, trên trời hải âu kêu thảm thiết”, có những người ngư dân ăn rong biển và cá sống cầm hơi. Thương vì sự đùm bọc nhau của những thuyền viên trong hoạn nạn. Thương vì những tấm áo lành lặn đặ, cởi đắp cho người đã chết. Thương cả vì những tấm áo rách nát được viết tên mình lên đó để may ra, mai này... thương những chiếc thuyền thúng sống chết thủy chung cùng người ngư phủ. Nhưng chúng ta cũng đau. Đau là vì hoạn nạn đã thổi trơ lại sự nghèo khó mà bây giờ chúng ta mới chợt nhận ra. Có cụ bà 67 tuổi khóc chồng trên bãi biển Thanh Khê, Đà Nẵng. Cụ bà 67, thì cụ ông sẽ là bao nhiêu? Và đến tuổi nào thì người ngư dân mới có thể nghỉ ngơi? Chừng nào mới có bảo hiểm xã hội cho họ? Và chừng nào mới có bảo hiểm rủi ro tai nạn cho họ? Đau với những con thuyền đánh bắt xa bờ mà phương tiện quá thô sơ. Đau với thông tin liên lạc là những chiếc máy vô tuyến đơn giản người ngư dân mày mò tự sử dụng, và không bắt được sóng trong mưa bão. Đau với những con thuyền “như tàu lá chuối trong mùa gió Lào...” khi tan tác thì thuyền viên phải bám vào những chiếc can nhựa và vài khúc gỗ. Đau với những con thuyền đi khơi xa mà chỉ có thể chạy bão với tốc độ 3-4 hải lí trong khi tốc độ tử thần của cơn bão là 10-15 hải lí. Đau là vì trình độ thông tin dự báo thời tiết trên truyền thông của ta lạc hậu 40-50 năm. Đau là vì những cơ quan chức năng nghiệp vụ chẳng giúp được gì mấy cho họ vào những lúc cần giúp. Đau vì cơn bão mang tên Chanchu, có nghĩa là Ngọc Trai, một cái tên có vẻ hiền hòa, không đổ bộ vào Việt Nam mà vẫn gây đại họa cho đồng bào ta ở một góc bất ngờ nhất.

4. Cả thương và đau làm ta nhức nhối. Phát triển khoa học và điều kiện nghề nghiệp cho người nghèo. Xây dựng chính sách cho người nghèo. Có lẽ đó là những điều em phải nghĩ đến trước tiên và sẽ có thể làm, trong tương lai, khi em được nuôi ăn học khôn lớn thành người, trên quê hương của em là dải đất chữ s nghèo khó này.

Leave a Reply