Phân tích bức tranh phố huyện về đêm qua tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút tài hoa, xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Truyện của Thạch Lam luôn có sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp hiện thực và bút pháp lãng mạn. “Hai đứa trẻ” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam. Trong đó bức tranh phố huyện lúc về đêm đã khắc họa cuộc sống bần cùng, khó khăn nơi phố huyện.

“Hai đứa trẻ” đã thể hiện được đặc trưng của giọng văn Thạch Lam. Truyện như bài thơ trữ tình đượm buồn về số phận của những con người nơi phố huyện nhỏ. Cuộc sống con người nơi đây được dựng lên bằng những nét vẽ rất đỗi chân thực, xúc động qua cái nhìn của chị em Liên, đặc biệt là trong cảnh phố huyện về đêm.

“Hai đứa trẻ” đã thể hiện được đặc trưng của giọng văn Thạch Lam

Cảnh sống nơi phố huyện không ồn ào, không to tát, chỉ bằng những mảnh đời nhỏ bé như những lát cắt của cuộc sống.Thạch Lam đã tái hiện chân thực cảnh sống quẩn quanh, công việc vất vả của con người nơi đây bằng ngòi bút hiện thực xuất sắc. Điển hình cho những kiếp người đó là gia đình chị tí với nhịp sống quẩn quanh: “Ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cậy bàng, bên cạnh cái mốc gạch.” Thức hàng của chị là những thứ chẳng mấy giá trị “ dăm bát nước chè, mấy điếu thuốc lào”.Khách hàng của chị là “mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm”. Gia đình chị Tí là hiện thân của số phận cơ cực, nghèo đói. Bên cạnh đó tác phẩm còn hiện lên hình ảnh của bà cụ Thi điên: chỉ đủ tiền mua một cút rượu uống một hơi cạn sạch. Đó là một hình ảnh đầy sức ám ảnh với dáng đi lảo đảo và tiếng cười khanh khách tan vào trong bóng đêm. Phải chăng đó chính là sản phẩm của một cuộc sống mòn mỏi,quẩn quanh, người vẫn còn đó nhưng đời đã tàn quá nửa.

Nổi bật lên trên bức tranh con người nơi phố huyện là gánh phở bên đường của bác Siêu. Những tưởng là nghề bán phở sẽ khá khẩm hơn nhưng phở lại là thứ quá xa xỉ đối với người dân nơi phố huyện, chị em Liên dù có tiền cũng không mua được , điều đó đi liền với sự ế ẩm của gánh hàng phở của bác Siêu. Cuộc sống khó khăn cũng là hoàn cảnh của gia đình bác Xẩm làm nghề hát xẩm- là nghề mạt hạng, thấp hèn “ xướng ca vô loài”. Tiếng đàn bầu vốn đã não nề thê lương giờ lại bật lên trong không khí vắng vẻ, tĩnh lặng, buồn tẻ của phố huyện nhấn mạnh kiếp người đầy bất hạnh. Đặc biệt chi tiết “thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường.” càng khiến cho gia cảnh của gia đình bác Xẩm càng hiện lên tội nghiệp đáng thương.Cuối bức tranh cuộc sống buồn thảm, héo tàn là bóng hai chị em Liên cũng âm thầm không kém với cái cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Cha Liên mất việc ở thành phố, cả nhà phải chuyển về quê, sống cuộc sống lam lũ, gian hàng của chị em Liên là do mẹ Liên thuê của bà lão móm, ngăn ra bằng giấy nhật trình và giao cho Liên trông coi vì bà còn bận làm hàng sáo. Hàng quà của Liên cũng chẳng có gì nhiều, chỉ là vài phong thuốc lào, mấy bánh xà phòng, vài cút rượu. Chị em Liên đang ở cái lứa tuổi đến trường vui chơi nhưng giờ đây phải lăn lội cùng cha mẹ kiếm miếng cơm manh áo. Qua những số phận con người hiện lên trong bức tranh phố huyện lúc về đêm, tác giả đã ghi lại một cách tỉ mỉ với tấm lòng thương cảm sâu sắc cuộc sống nghèo đói, mù tối, bế tắc của một phố huyện nhỏ.Những kiếp người quẩn quanh đó cũng đã đi vào trong thơ văn của Huy Cận:

"Quanh quẩn mãi giữa vài ba dáng điệu

Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người

Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười

Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện"​

Bao quanh cuộc sống buồn tẻ của người dân phố huyện là cái chõng tre sắp gãy trong gian hàng của chị em Liên, là gánh phở tồi tàn của bác Siêu, là manh chiếu rách của gia đình bác Xẩm.Bên cạnh những sự vật tàn ấy còn là một chút ánh sáng bao quanh những kiếp người tàn. “Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với những vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây, quần sáng chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí.” Ngọn đèn vặn nhỏ của chị em Liên hắt ra từng hột sáng thưa thớt, chấm lửa nhỏ lơ lửng trong đêm tối hiện ra rồi lại mất đi trên gánh phở của bác Siêu. Dường như có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu ánh lửa nhưng ánh sáng yếu ớt, leo lét ấy chỉ đủ soi tỏ một vùng hoạt động của một người, chỉ đủ làm dấu hiệu của sự sống trong một vùng tối mênh mông : “ Đường phố và các con ngõ con chứa đầy bóng tối, tối hết con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà và các đường vào làng lại sẫm đen lại hơn nữa,” Bóng tối dày đặc, mịt mờ dường như muốn nuốt chửng ánh sáng.

Thạch Lam là một cây bút tài hoa

Bên cạnh bóng tối và ánh sáng là âm thanh “ cót két” của cái chõng che sắp gãy, tiếng đàn bầu rung “bần bật” trong yên lặng và những tiếng thở than nói chuyện rời rạc. Âm thanh nơi đây hiện lên thật mong manh, xa vắng, nhỏ bé. Nếu ánh sáng và âm thanh là biểu hiện của sự sống, bóng tối và sự tĩnh lặng là biểu hiện của sự hư vô thì ở nơi phố huyện nghèo này cuộc sống đang bị vùi lấp bởi sự hư vô, bởi buồn tẻ, vắng lặng. Khi nhìn bức tranh phố huyện về đêm đã gợi lên trong Liên sự cảm thương, xót xa đối với những người dân nghèo nơi mảnh đất này. Liên hỏi han chị Tí, ái ngại cho gia cảnh nhà bác Xẩm và gánh phở của bác Siêu. Tác giả Thạch Lam đã hóa thân vào nhân vật Liên, ông dùng tình yêu thương để gắn kết những kiếp người nhỏ bé lại với nhau và thắp lên ngọn lửa tình người ở nơi phố huyện tăm tối. Vẫn là cuộc sống nghèo khổ, tối tăm nhưng Thạch Lam đã làm nên nét đặc biệt rất riêng cho nhân vật của mình với các nhân vật của các nhà văn hiện thực khác cùng thời. Nhân vật của Thạch Lam không quằn quại, giãy giụa trong tuyệt vọng mà họ vẫn luôn mơ hồ mong ước một sự đổi thay “ chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì đổi thay trong cuộc sống nghèo khổ này.” Thạch Lam không nhìn những người dân nghèo khổ nơi phố huyện bằng cái nhìn bi quan, chán nản mà ông quan sát, ghi lại cuộc sống của họ với tấm lòng yêu thương, sẻ chia, cảm thông sâu sắc.

Truyện “Hai đứa trẻ” đã miêu tả một cách tinh tế sự biến đổi sắc thái của cảnh vật và lòng người., sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, âm thanh và sự tĩnh lặng của phố huyện.Bên cạnh đó Thạch Lam còn thành công trong việc kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình . Những nghệ thuật đặc sắc ấy đều nhất loạt vẽ lên bức tranh phố huyện ấy gợi ra sự buồn tẻ, đói nghèo quẩn quanh, bế tắc.Đây cũng chính là cảnh làng quê Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt, “Hai đứa trẻ” cũng đã cho thấy tấm lòng nhân đạo, cảm thương đối với con người, thiết ta gắn bó với quê hương của tác giả Thạch Lam.Chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn “Hai đứa trẻ”

“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam đã vẽ lên những số phận nghèo khổ, bế tắc với khát vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Và qua đó,tác phẩm còn cho thấy ngòi bút tinh tế của Thạch Lam khi miêu tả thiên nhiên và con người cũng như giúp người đọc nhận ra tình cảm xót thương mà Thạch Lam đã dành cho những kiếp người ấy.

Leave a Reply