Phân tích đoạn thơ sau: "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Dẫu biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim." (Viếng lăng Bác)

Viễn Phương thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chông Mỹ, có nhiều đóng góp cho văn học ở phía Nam. Sự liên tưởng và sáng tạo nghệ thuật trong thơ của ông thường bắt đầu từ tình yêu và cảm xúc. Điều đó càng được thể hiện rõ trong tác phẩm Viếng Lăng Bác ông viết vào 4-1976 . Bài thơ là đỉnh điểm của niềm xúc động vô biên khi nhà thơ được ra Hà Nội viếng lăng Bác. Khoảnh khắc viếng lăng đã để lại những dư âm trong sâu thẳm tâm trí nhà thơ để từ đó có một tiếng vọng tha thiết vào thơ. Qua tình yêu thương, niềm tự hào và thái độ tôn kính của tác giả. Hình ảnh Bác hiện lên thật thiêng liêng, cao đẹp. Trong đó có đoạn:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên 

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

Viếng lăng Bác

Khổ thơ miêu tả cảnh trong lăng với rất nhiều hình ảnh có giá trị nghệ thuật cao và được chia làm 2 phần rất rõ ràng. Hai câu đầu miêu tả cảm nhận của nhà thơ về cái chết của Bác. Với hai câu sau tâm trạng của nhà thơ đã thay đổi hẳn thể nỗi đau đớn của tác giả trước sự thật Bác đã ra đi mãi mãi. Giọng điệu bài thơ lắng lại, nghẹn ngào. Được tận mắt chiêm ngưỡng Bác kính yêu nhà thơ như quên đi sự thật – Bác đã qua đời – mà ông tưởng như người đang ngon giấc trog giấc ngủ bình yên sau những bộn bề bận rộn của công việc. Ánh sáng xanh nhạt của những ngọn đèn neon tỏa dịu dàng trong trẻo khiến nhà thơ ngỡ như Bác đang yên giấc dưới ánh sáng của vầng trăng. Dùng hình ảnh này và kết hợp với phép tu từ ẩn dụ, phép nói giảm đã làm cho những cảm xúc của câu thơ càng trân trọng thiêng liêng. Sự liên tưởng sáng tạo nghệ thuật trong thơ thường xuất hiện bắt đầu từ tình yêu và cảm xúc. Đọc những câu thơ này ta có liên tưởng như mình được vào lăng viếng Bác để được chiêm ngưỡng giấc ngủ thanh thản của Bác như một thánh nhân sau khi đã làm cho đời biết bao việc ý nghĩa.

Hai câu sau là cảm xúc mãnh liệt, dâng tràn trong trái tim của nhà thơ ngay khi được tận mắt ngắm nhìn Bác 

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim​

Hai câu thơ dung cấu trúc khá độc đáo: “ vẫn biết “ – “ mà sao “ diễn tả một nghịch lý đau đớn - giữa khát vọng và thực tế, giữa ước mơ và hiện thực. Nhà thơ tự an ủi mình bằng những luận thuyết - trời xanh là mãi mãi – Bác vĩ đại thiên liêng nên người trường tồn, bất diệt như trời xanh. Nhưng đó là sự bất diệt của một vĩ nhân đã khuất - sự thật này không thể không nhìn thấy, không thừa nhận: Bác đã vĩnh viễn ra đi. Vì thế nên ông mới nhận ra nỗi đau đớn đột ngột đang nhói lên trong trái tim của mình. Chữ “ nhói “ diễn ta sắc thái đau đớn tột đỉnh của tâm trạng diễn ra quặng thắt khó tả. Điều đó cho ta thấy tình yêu thương của nhà thơ dành cho Bác sâu nặng đến mức nào.

Chỉ qua một đoạn thơ ngắn ngủi, ta đã thấy được tình cảm chân thành, mãnh liệt của tác giả đối với Bác kính yêu, thể hiện niềm yêu kính, biết ơn thương tiếc, đối với con người đẹp nhất Việt Nam...Qua cảm xúc ấy hình ảnh Bác hiện lên thật đẹp, thật thiêng liêng. Người là biểu tượng của ánh sáng, của sự sống, của sự bất tử. Nhờ những cảm xúc, những hình ảnh ấy ta mới thấy được hình ảnh Hồ Chí Minh khắc sâu trong lòng những con người Nam Bộ, những con người Việt Nam như thế nào .

Leave a Reply