Phân tích nhân vật Phương Định (trong Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê)

DÀN Ý

1. Mở bài

Đường Trường Sơn - một cái tên thôi cũng gợi cho ta về một thời lửa cháy. Viết về thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm đánh Mĩ, người đọc bắt gặp nhiều chân dung quen thuộc và đáng yêu, đáng cảm phục: Những chiến sĩ lái xe trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, những cô gái mở đường trong "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mĩ Dạ,... Và Lê Minh Khuê - một nhà văn thuộc thế hệ những tác giả bắt đầu sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Mĩ - cũng đóng góp một chân dung như thế cho văn học nước nhà: Cô gái Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi". Cô là nhân vật hội tụ nhiều nét đẹp tiêu biểu của thanh niên Việt Nam thời “đất nước đứng lên”.

2. Thân bài

a) Hoàn cảnh sáng tác:

“Những ngôi sao xa xôi” được sáng tác vào năm 1971, giữa lúc cuộc đấu tranh chống Mỹ của dân tộc đang diễn ra hết sức ác liệt. Truyện ngắn là một bức tranh sinh động về cuộc kháng chiến với những ngôi sao mà ánh sáng của nó chiếu rọi trong lòng ta – ánh sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ánh sáng ấy được tỏa ra từ những cô trinh sát mặt đường giữa bụi mù Trường Sơn.

b) Phân tích

* Luận điểm 1: Phương Định là 1 nữ thanh niên xung phong có lí tưởng sống đẹp và nhiều phẩm chất anh hùng

Phân tích nhân vật Phương Định

· Lí tưởng sống đẹp

Phương Định là cô gái Hà Thành, nghe theo tiếng gọi của non sông, cô tạm rời xa gia đình, xa thành phố thân yêu vào chiến trường với đầy rẫy những hiểm nguy, khốc liệt. Ở Phương Định, người đọc thấy được lí tưởng sống, lí tưởng cách mạng cao đẹp, cô là đại diện cho hàng vạn hàng triệu thanh niên Việt Nam sẵn sàng gác bút nghiên, hi sinh cả tuổi thanh xuân vì lí tưởng độc lập tự do.

· Phẩm chất anh hùng

Bên cạnh lí tưởng sống cao đẹp, Phương Định còn là cô thanh niên xung phong với nhiều phẩm chất anh hùng.

- Ngay từ đầu tác phẩm, hoàn cảnh sống, chiến đấu được Phương Định giới thiệu bằng những câu văn ngắn, đầy hiện thực: “Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm…Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy”. Cuộc sống của cô và đồng đội khốc liệt, đầy mùi chiến tranh, không có màu xanh của sự sống, chỉ thấy thần chết luôn rình rập. Chưa dừng lại ở đó, công việc của cô cũng đặc biệt nguy hiểm. Phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch để đo và ước tính khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom. Nhiệm vụ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh.

- Hoàn cảnh sống và nhiệm vụ nguy hiểm là thế nhưng ở Phương Định vẫn toát lên vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, thái độ bình tĩnh vượt lên mọi hiểm nguy và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Hằng ngày, cô thường xuyên phải chạy trên cao điểm bị bom đạn cày nát, ẩn giấu những quả bom chưa nổ. Điều đó cũng có nghĩa cô luôn phải đối mặt với thần chết. Mỗi ngày, cô cùng đồng đội phải phá từ 3 - 5 lần bom, nguy hiểm là vậy nhưng cô vẫn bình thản thậm chí còn thấy thú vị dù trên mình còn có vết thương chưa lành miệng. Cứ mỗi lần phá bom, đất rắn, tiếng xẻng va chạm vào vỏ quả bom nghe sắc lạnh đến ghê người. Ngay cả lúc ấy, cô vừa trách vừa nhắc nhở mình "phải nhanh hơn chút nữa", nếu không vỏ quả bom nóng lên hoặc nóng từ bên trong quả bom hay nóng do mặt trời khi đó sẽ rất nguy hiểm". Xác định được tính chất nguy hiểm, song với tinh thần dũng cảm cùng tình yêu Tổ quốc, cô đã vượt qua tất cả. Thao tác, tư thế, thái độ bình tĩnh khi phá bom là vẻ đẹp đáng quý ở Phương Định nói riêng và những cô gái trẻ nói chung. Có những lúc, cô cũng nghĩ đến cái chết nhưng đó là “ một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”, điều chính mà cô quan tâm là "Liệu mìn có nổ, bom có nổ không? Làm thế nào để châm mìn lần thứ hai?". Trong suy nghĩ của Phương Định, cô luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thật tốt dù có phải hi sinh. Cảm xúc, suy nghĩ chân thật ấy của cô đã truyền sang người đọc nhiều đồng cảm, yêu mến, trân trọng và kính phục.

- Chính nhờ sự gan góc, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp cô thực hiện tốt công việc của mình. Một cô gái như muôn ngàn cô gái khác trên tuyến đường Trường Sơn, đang hàng giờ dệt nên những kì tích cho Tổ quốc thân thương: Những con đường bằng phẳng để các chuyến xe vượt Trường Sơn, Nam tiến.

* Luận điểm 2: Phương Định là cô gái mang vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, nhạy cảm và mơ mộng

- Chiến trường khốc liệt không làm mất đi nét hồn nhiên trong sáng, sư nhạy cảm và nhiều mơ mộng trong tâm hồn người con gái Hà Nội ấy.

- Là một cô gái xinh xắn, cũng như các cô gái mới lớn, Phương Định nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Chiến trường khốc liệt nhưng không đốt cháy nổi tâm hồn nhạy cảm của cô. Cô biết mình đẹp và được nhiều người để ý : “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá…” ; còn mặt tôi thì các anh lái xe bảo : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. Điều đó làm cô thấy vui và tự hào.

- Biết mình được cánh lính trẻ để ý nhưng cô “không săn sóc, vồn vã”, không biểu lộ tình cảm mà tỏ ra kín đáo giữa đám đông “thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt”. Đó là cái vẻ kiêu kì đáng yêu của các cô gái Hà Nội như chính cô đã thú nhận : “chẳng qua là tôi điệu đấy thôi”.

Phương Định là cô gái mang vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, nhạy cảm và mơ mộng

- Cô đem cả lòng say mê ca hát vào chiến trường Trường Sơn ác liệt. Cô thích “những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận”, thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng, thích Ca chiu sa của Hồng quân Liên Xô, thích cả dân ca ý trữ tình giàu có. Thậm chí Phương Định còn có tài bịa ra lời bài hát nữa. Tiếng hát của cô cất lên trong những khoảnh khắc "im lặng" khi máy bay trinh sát rè rè trên đầu, khi cơn bão lửa sắp chụp xuống cao điểm. Cô hát để động viên đồng đội và cũng là để động viên chính bản thân mình, để gửi vào trong tiếng hát nỗi khát khao của tuổi trẻ, của người chiến sĩ, mong được trở về quê hương yêu dấu, được gặp lại người yêu sau bao nhiêu nhớ nhung, chờ đợi. Đó không chỉ là nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ mà còn thể hiện niềm lạc quan, yêu đời giữa những khốc liệt chiến tranh.

- Phương Định còn là cô gái nhiều mơ mộng. Cơn mưa đá ngắn ngủi đột ngột xuất hiện ở cuối truyện, ngay sau trận phá bom đầy nguy hiểm cũng thức dậy trong cô bao niềm vui thơ trẻ : cô nhớ về mẹ, cái cửa sổ căn nhà, những ngôi sao to trên bầu trời thành phố… Nó thức dậy những kỉ niệm và nỗi nhớ về thành phố, gia đình, về tuổi thơ thanh bình của mình. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh, khốc liệt và nóng bỏng của chiến trường.

- Ở Phương Định, ta còn thấy thường trực một tình cảm đồng đội, đồng chí nồng ấm.

+ Cô luôn yêu thương trìu mến và quan tâm đến đồng đội. Cô lo lắng cho chị Thao lên cao điểm chưa về đến nỗi “nói như gắt vào máy” khi đại đội trưởng hỏi tình hình. Cô vỗ về và chăm sóc cho Nho tận tình như một cô y tá khi Nho bị thương lúc phá bom. Sự chăm sóc tận tình của cô đã giúp Nho khỏe lại nhanh chóng.

+ Đặc biệt, cô còn dành tình cảm trân trọng, yêu mến của mình cho những người chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Trong suy nghĩ của cô, “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ.” Tình đồng đội, đồng chí của Phương Định thật thiêng liêng, cao cả và đáng quý. Chính điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để cô làm tốt nhiệm vụ của mình.

c) Nhận xét, đánh giá:

- Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí chân thực, tinh tế, ngôn ngữ tự nhiên, trẻ trung, gần với khẩu ngữ, nhiều nữ tính, cách lựa chọn ngôi kể phù hợp, Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong mọi người hình ảnh tuyệt đẹp của những cô gái thanh niên xung phong thời kháng chiến chống Mỹ với tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan. Phương Định, tuy chỉ là một ngôi sao bé nhỏ, nhưng sẽ luôn tỏa sáng, sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam. Các cô mãi là những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến.

- Phương Định cùng nhiều nhân vật khác trong các tác phẩm văn học cùng thời đã đem đến cho độc giả nhiều thế hệ niềm tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

3. Kết bài:

Trường Sơn là nơi thử thách ý chí, khí phách con người Việt Nam. Chính những con người như Phương Định, Thao, Nho đã xướng nên bài ca tuyệt đẹp của "những bông hoa trên tuyến lửa" anh hùng. Giữa sự ác liệt của chiến tranh, vẻ đẹp của họ vẫn tỏa sáng. Sức trẻ, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình đã tạo nên sức mạnh cho cuộc kháng chiến gian khổ mà anh hùng. Họ vốn chỉ là những con người rất đỗi bình thường nhưng đã góp phần tạo nên những kì tích anh hùng cho dân tộc:

Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ

Mà lòng phơi phới dậy tương lai

Leave a Reply