Phát biểu cảm nghĩ bài Qua đèo ngang

Đã có dịp tôi thực hiện chuyến xuyên Việt, đó là năm tôi học cấp 2, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nửa tháng sau cô giáo dạy bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Tôi đứng trước lớp phát biểu thao thao bất tuyệt về cảnh vật Đèo Ngang, địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình như thế nào, trên núi nhìn xuống ra sao và so sánh cảnh ngoài đời thực và trong thơ. Lần đó tôi được chín điểm. Ấn tượng khó quên về bài Qua Đèo Ngang của tôi là thế, đó cũng là bài thơ tôi tập trung tìm hiểu nhiều để thi học sinh giỏi tỉnh môn Văn năm đó.

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Đến bây giờ gần 10 năm, nhưng có lẽ Qua Đèo Ngang cũng sẽ nằm mãi trong lòng tôi, không sao có thể xóa bỏ nó, và cũng chưa bao giờ tôi có ý định xóa bỏ bài thơ hay và đẹp đó trong đầu. Tới bây giờ, khi được học môn Thi pháp học, nhận được đề tài Thi pháp lời văn nghệ thuật tôi nghĩ ngay đến Qua Đèo Ngang, không hiểu sao bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan lại xuất hiện ngay lúc này, có lẽ lời trong bài thơ quá hay khiến nó ám ảnh tôi chăng?

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, luật thi rất là chặc chẽ, có thể thấy được qua sơ đồ sau:

T T B B T T B

T B B T T B B

B B T T B B T

T T B B T T B

T T B B B T T

B B T T T B B

B B T T B B T

T T B B B T B

Nhìn vào sơ đồ trên ta thấy thi luật bài thơ rất chặc chẽ, ở Qua Đèo Ngang có 29 thanh bằng và 27 thanh trắc, nó làm nên tính nhẹ nhàng, ru hồn, êm ái và đễ đi vào lòng người. Tôi có đọc được một nhận xét cho Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan "Ở tất cả những bài thơ viết bằng luật Đường của bà, niêm luật đều chặt chẽ mà không có cảm giác gò bó, xếp đặt, câu thơ trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu. Bà là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng nước ta".(Nguyễn Lộc - Từ điển Văn học).

Đây cũng là bài thơ đại diện cho tính nghiêm ngặt của lối thơ Đường luật, chặc chẽ nhưng có hồn, không thô kệch, cứng cáp. Câu khởi đầu là câu nhập vận, khởi đầu bằng thanh trắc, câu nhập vận T T / B B / T T B đúng chuẩn trong thơ Đường. Vần gieo ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 (chỉ có vần bằng). … xế tà.… chen hoa.… chợ mấy nhà.… cái gia gia. … ta với ta

Bài thơ được viết bằng chữ Nôm nên đọc ra dễ hiểu, toàn những từ ngữ giản dị nhưng không tầm thường, Trời sắp tối “bóng tà” cũng gợi buồn thấm thía. Câu 2, tả cảnh sắc: cỏ cây, lá, hoa… đá. Hai vế tiểu đối, điệp ngữ “chen”, vần lưng: “đá” – “lá”, vần chân: “tà” – “hoa”, thơ giàu âm điệu, réo rắt như một tiếng lòng, biểu lộ sự ngạc nhiên và xúc động về cảnh sắc hoang vắng nơi Đèo Ngang lúc mặt trời sắp xuống núi. Có chen chúc đó chứ, cỏ cây đang chen với đá, thế nhưng sao lại thấy buồn? Phải chăng do hai từ “xế tà” ở trên.

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.”

Điệp từ "chen" ở câu thứ hai khiến ta hình dung cảnh vật bề bộn, ngổn ngang trong đá núi, tuy tươi tốt xum xuê song bao trùm vẫn là cảnh sắc um tùm, hoang dã. Ở hai câu sau nữ sĩ sử dụng phép đối và đảo ngữ trong miêu tả đầy ấn tượng. Âm điệu thơ trầm bổng du dương, đọc lên nghe rất thú vị:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông chợ mấy nhà”.

Câu thơ tả cảnh chân thực khi Bà Huyện Thanh Quan đứng trên cao nhìn xuống, cảnh vật thu vào tầm mắt bà lúc này là gì? Chú tiều dưới núi và ở bên sông có một cái chợ nhỏ, lác đác, hiu quạnh. Giọng thơ sao nghe buồn, từ láy bà dùng để miêu tả cảnh vật cũng có gì mang lại cho người đọc cảm giác quạnh hiu “lom khom, lác đác” Điểm nhìn đã thay đổi: đứng cao nhìn xuống dưới và nhìn xa. Thế giới con người là tiều phu, nhưng chỉ có “tiều vài chú”. Hoạt động là “lom khom” vất vả đang gánh củi xuống núi. Một nét vẽ ước lệ trong thơ cổ (ngư, tiều, canh, mục) nhưng rất thần tình, tinh tế trong cảm nhận. Phép đảo ngữ và nghệ thuật đối cùng với việc sử dụng từ láy có hiệu quả khắc hoạ cảnh thiên nhiên, núi đèo bát ngát, thấp thoáng có sự sống của con người nhưng còn hoang sơ. Đứng từ trên cao nhìn xuống, những con người đã nhỏ, ở tư thế "lom khom" lại càng nhỏ bé hơn, lam lũ, tội nghiệp.. Mấy nhà chợ bên sông thưa thớt, lác đác. Cũng là cảnh hoang vắng, heo hút, buồn hoang sơ nơi con đèo xa xôi lúc bóng xế tà. Nghệ thuật dùng từ láy tượng thanh, đảo ngữ để diễn tả cuộc sống của con người thưa thớt, nhỏ nhoi. Hơn nữa bà còn sử dụng số từ “ vài-mấy” làm cho khung cảnh trở nên vắng vẻ. Cách gieo vần “hoa –tà –nhà” cũng khá ấn tượng. Hai chữ "tà" và "hoa" được xem là vần với nhau, nhưng ở đây là "vần thông" vì chỉ phát âm gần giống nhau.

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Bốn câu thơ đầu bà cho người đọc thấy được cảnh bà đang đi qua, vắng lặng và buồn. Có sự sống nhưng không sinh động, có cảnh, có hồn, có người nhưng không nhộn nhịp. Tiếp theo nữ sĩ tả âm thanh tiếng chim rừng: chim gia gia, chim cuốc gọi bầy lúc hoàng hôn. Điệp âm “con cuốc cuốc” và “cái gia gia” tạo nên âm hưởng du dương của khúc nhạc rừng, của khúc nhạc lòng người lữ khách. Lấy cái động (tiếng chim rừng) để làm nổi bật cái tĩnh, cái vắng lặng im lìm trên đỉnh đèo Ngang trong khoảnh khắc hoàng hôn, đó là nghệ thuật lấy động tả tĩnh trong thi pháp cổ. Phép đối và đảo ngữ vận dụng rất tài tình. Hai câu thơ đối nhau rất chặc chẽ, “Nhớ nước – thương nhà”

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc.

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.

Để ý kĩ ta sẽ thấy tên của hai loài chim thật ra là tiếng Hán – Việt “quốc” có nghĩa là nước, “gia” có nghĩa là nhà. Con quốc quốc thì nhớ nước , cái gia gia thì thương nhà. Bà Huyện Thanh Quan rất tinh tế trong cách dùng từ ngữ, bà đã biết chọn lọc khi đem hai loài chim ấy vào thơ mình. Ta còn thấy nữ sĩ vận dụng các phép đối ở các câu 3 với câu 4; câu 5 với câu Ở câu 3 – 4: lom khom – lác đác; dưới núi – bên sông; tiều vài chú – chợ mấy nhà. Ở câu 5 – 6: nhớ nước – thương nhà; đau lòng – mỏi miệng; con quốc quốc – cái gia gia. Cùng với cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa : con quốc quốc mà cũng nhớ nước đau lòng, loài gia gia mà cũng thương nhà kêu mỏi miệng . Trong thơ ca, nghệ thuật này thường dùng để mang ý hàm ẩn . Đó ko phải là tiếng kêu của loài chim cuốc, chim gia . Hay nói đúng hay đó chính là tiếng lòng của nhà thơ . Hai câu thơ trên bà đã trực tiếp tả tình, không giống những câu trước, mượn cảnh tả tình.Cái hoang vắng của cảnh vật thiên nhiên làm nền cho nỗi cô đơn của tâm hồn.

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước.

Một mảnh tình riêng, ta với ta.”

Ba từ trời, non, nước làm cho người đọc một cảm giác trống trải, thiếu vắng đi hơi ấm con người, chỉ toàn là thiên nhiên tồn tại, lạnh lẽo hiu quạnh từ bên ngoài đi vào cõi lòng. Cụm từ "ta với ta" đối lập với "trời - non - nước". Một bên là cái bao la, bát ngát, trùng điệp của trời, non, nước, một bên là cái cô đơn của "mảnh tình riêng" không người chia sẻ. Trước cái mênh mông, vô cùng vô hạn của trời đất, tác giả cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ, bà đứng lại để quay trở về với chính tâm tư của mình, đối diện với chính mình, cô đơn đến tuyệt đối. Nữ sĩ mang trong lòng một hoài niệm, một nỗi lòng không biết chia sẻ cùng ai. “Ta với ta” một cụm từ chỉ ba âm tiết nhưng đáng phải suy nghĩ nhiều, ở đây một mà là hai, hai nhưng lại là một, bà đang đứng một mình và đối điện với chính mình, ta là Bà Huyện Thanh Quan và ta kia cũng là bà, nghe từ “với” tưởng chừng như hai người, nhưng thật sự chỉ có bà đang ở đó cùng bà. Tâm hồn trống trải không biết tâm sự cùng ai. Có trời, non, nước nhưng tất cả như vô tri, không ai hiểu cho suy nghĩ của người nữ sĩ.

Ở bài Qua Đèo Ngang bà đã sử dụng rất nhiều động từ “bước tới”, “chen”, “nhớ”, “thương”, “dừng chân”…Tuy những từ ấy là động từ thì nó cũng không làm không gian động, đọc cả bài thơ ta thấy có cái gì đó tĩnh lặng và buồn. Lời văn mộc mạc, bình dân , sử dụng tiếng Nôm – ngôn ngữ dân tộc để sang tác nên được nhiều người yêu thích. Đọc những bài thơ chữ Hán tôi thấy khó hiểu, nhưng đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan tôi có cảm giác quen thuộc và dễ hiểu. Bà đã trau chuốc nhiều cho bài thơ, lựa chọn từ ngữ rất hợp lý, tôi khâm phục bà ở hay câu luận, chim quốc và chim gia cũng hàm ý cho nước và nhà. Ở đó loài chim cũng biết nhớ, biết thương, phải chăng tâm trạng bà nằm ở đó và cụm từ “ta với ta”.

Đọc kĩ bài thơ người đọc còn cảm nhận được sự thay đổi trong toàn bài, phần đề, thực đang tả cảnh thì qua phần luận bà lại tả tình, quay lại hai câu kết bà tiếp tục tả cảnh, tuy là thế nhưng nó không đột ngột mà rất nhẹ nhàng. Tâm hồn của nhà thơ xuyên suốt bài thơ và cuối cùng đúc kết lại ở câu cuối, nó như là câu kết luận : “Một mảnh tình riêng, ta với ta”. Tình mà một mảnh, nó không cân đo, đếm được, nhưng nghe từ “một mảnh” người đọc cảm nhận có vẻ nó không được nguyên vẹn mà chắp vá.

Thơ của Bà Huyện Thanh Quan chữ dùng rất khéo, chọn lọc, thích đáng, đối rất chỉnh, rất thần tình, ý hàm súc, lời trau chuốt, gọn, đẹp...Cho nên thơ bà rất được các nho gia xưa yêu chuộng, ngâm nga... Còn giới trẻ bây giờ đọc là nhớ, thơ bà dịu dàng, đầy nữ tính. Nhưng bên trong thì chí khí như một đấng nam nhi. Tâm sự u hoài được gửi gắm vào bức tranh phong cảnh bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, bà mượn cảnh để nói lên nỗi nhớ nhà khắc khoải, nỗi đau và sự xót thương một dĩ vãng đã mất. Bài thơ chỉ tám dòng nhưng chứa cả nỗi lòng của bà, đó là tình cảm của phận nữ nhi đối với đất nước, hoài niệm về quá khứ khi xưa, một triều Lê hưng thịnh. Lòng yêu nước sục sôi nhưng bằng ngòi bút tài hoa, bên ngoài toát lên nhẹ nhàng, đầy nữ tính, lời văn thanh tao nhưng bên trong sôi sục.

"Những bài thơ Nôm của bà truyền lại có ít, phần nhiều là thơ tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức, thường nghĩ tới nhà, tới nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện".

Leave a Reply