Qua những tấm gương sáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, em hãy chứng minh phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang
Lịch sử Việt Nam là đất nước luôn bị kẻ thù xâm lược, đô hộ. Những người phụ nữ anh hùng được sinh ra hay tự bản thân đã mang trong mình một truyền thống yêu nước, nghĩ theo cách nào ta vẫn thấy hợp tình hợp lý: "phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu,đảm đang"
Bước từ trong cổ tích Việt Nam, có những người phụ nữ bình thường lại sinh ra những người con phi thường, mẹ Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng là một bà mẹ như thế, mặc dù chỉ có một người con là Gióng nhưng vì việc nước lớn hơn việc nhà, bà chấp nhận hy sinh đứa con của mình để đánh đuổi giặc Ân, có những bà mẹ anh hùng như thế mới có những Phù Đổng Thiên Vương lưu lại muôn đời. Nhưng khi nhắc đến Thánh Gióng có mấy ai đau đáu về tâm trạng của bà mẹ Gióng? “Trong truyền thuyết có chứa đựng một phần sự thật” một nhà hiền triết đã từng khẳng định như thế! Và sự thật ấy được minh chứng qua những trang sử vàng của Việt Nam, Hai Bà Trưng là một điển hình, khi nhắc đến hai bà người ta thường xem như những bậc anh hùng với Ngàn tây nổi án phong trần - Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên. Bên cạnh hai bà còn những nữ tướng Lê Chân, Vũ Thục Nương, Thiều Hoa, Diệu Tiên… lập nên “Đô kì đóng cõi Mê Linh – Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Tiếp nối truyền thống đó, xuất hiện một Lý Chiêu Hoàng chịu tước bỏ ngai vị nhường ngôi cho chồng mong sao nước nhà qua cơn nguy khó mà bà biết một tay nữ nhi không kham nổi, một Huyền Trân ngậm ngùi nước mắt về vương quốc Chăm – pa xa xôi theo lời phụ hoàng để Đại Việt được hai châu Ô, châu Lý, thân phận là nữ nhi thời phong kiến, tránh sao được đức Quân – Sư – Phụ, dù buồn lòng hay không nàng vẫn chấp nhận:
“Nước non ngàn dặm ra đi
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết.”
Cuối thời phong kiến, có một người phụ nữ tuy không nổi tiếng múa gươm đánh kiếm nhưng lại mang một vẻ đẹp đôn hậu mà thế hệ sau này luôn lưu giữ hình ảnh về bà. Nhờ bà mà những cải tiến xã hội về vai trò người phụ nữ trong cuộc sống mới mỗi ngày một cải thiện. Bà là biểu tượng cho lớp phụ nữ Tân học và Tây học, đó chính là hoàng hậu Nam Phương, hoàng hậu là phụ nữ đầu tiên có tân học, ảnh hưởng nếp sống, nếp nghĩ Phương Tây, trọng tinh thần dân chủ, trọng ý thức xã hội. Bà không phải là người chỉ quanh ra quẩn vào chờ cái đèn lồng tối thắp sáng, rồi chuẩn bị son phấn, đón tiếp như một thứ đồ giải trí cho vua. Bà tham dự vào các cuộc họp với các quan bộ lễ, bàn và nghị sự tổ chức các buỗi lễ tế Nam Giao hay lễ Vạn Thọ. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên ở nước ta cùng vua tiếp khách ngoại quốc như Thống chế Tưởng Giới Thạch, Quốc trưởng Shianouk. Vai trò của bà bấy giờ tương đương với vai trò đệ nhất phu nhân.
Bà cũng là Hoàng Hậu đầu tiên xuất cung, tham gia các sinh hoạt xã hội như đi thăm các cô nhi viện, trường nữ Trung học Đồng Khánh Huế, HàNội, các cô nhi viện...
Trong thời kỳ Đảng ra đời, viết thêm những trang sử về những những người phụ nữ thời kỳ kháng chiến, đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang. Nguyễn Thị Minh Khai – người nữ đảng viên đầu tiên của Đảng chịu án tử hình chứ không chịu khuất phục kẻ thù; chị Võ Thị Sáu – người con gái đất đỏ kiên trung, ngay từ thuở thiếu niên chị đã tham gia cách mạng, bị địch xử bắn khi chưa tới tuổi 20. Ngay trên quê hương Quảng Nam trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ , không ai là không biết người con gái anh hùng Trần Thị Lý “Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung - Không giết được em người con gái anh hùng”. Cũng không thể nào quên hình ảnh Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi với lòng quyết tâm đánh giặc “Còn cái lai quần cũng đánh”. Còn những người mẹ đêm đêm chong đèn Che đàn con nằm ngủ - Canh từng bước quân thù – Mẹ ngồi dưới cơn mưa, những bà mẹ chờ con, những người vợ chờ chồng… họ mang trong mình niềm tin mạnh mẽ về ngày mai hòa bình, là hậu phương vững chắc che chở cho những người lính cách mạng dù người lính đó là ai. Mẹ Thứ - một người mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu với chín người con, chín khúc ruột nhưng không ai trở về bên mẹ, tuy mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh của mẹ vẫn luôn ngời sáng.
Ngày hòa bình, vết thương chiến tranh trên quê hương chưa lành, những tưởng sẽ được đoàn tụ sau bao nhiêu năm chờ đợi nhưng có những người phụ nữ vẫn âm thầm chịu đựng khi chồng trở về với một hạnh phúc mới, biết làm sao được lỗi do chiến tranh, lỗi do sự nhầm lẫn, người phụ nữ chấp nhận tất cả, bằng lòng không tranh giành hạnh phúc với người từng là chồng. Rồi những người mẹ vẫn thiết tha mong con trở về nhưng người con đã hy sinh trên chiến trường đã lâu nhưng ngày hòa bình vẫn chưa nhận được giấy báo tử…. Còn biết bao nhiêu người phụ nữ như thế chưa được kể tên? Trong thời bình, người phụ nữ vẫn mang những nỗi đau như thế! Ngày nay, trong xu thế hội nhập, vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Họ không những tròn bổn phận với vai trò là người vợ, người mẹ mà còn khẳng định được mình trong công tác chính trị - xã hội. Phụ nữ Việt Nam ngày nay luôn phấn đấu viết tiếp những trang sử vẻ vang của thế hệ trước để lại, xứng danh anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang.