Suy nghĩ của em về hình ảnh những con người lao động trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thanh Long

DÀN Ý

I. Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đặc biệt là đưa được trích chủ đề vào

- Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và ký. Trong đó “Lặng lẽ Sa Pa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm là kết quả của chuyến “thâm nhập thực tế” ở Lào Cai của tác giả trong mùa hè năm 1970.

- Hình ảnh những con người lao động trong truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Điều ấy sẽ được thấy rõ qua nhân vật: anh thanh niên; ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa, anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét,…

II. Thân bài: 

Đọc Lặng lẽ Sa Pa chúng ta không chỉ bị vẻ đẹp của Sa Pa hấp dẫn, lôi cuốn bởi vẻ đẹp độc đáo, đầy chất thơ ở nơi đây, nhưng truyện còn giới thiệu với chúng ta về vẻ đẹp của con người Sa Pa. Đó là những con người miệt mài làm việc, nghiên cứu khoa học, trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người.

1. Phân tích hình tượng anh thanh niên: Anh là nhân vật chính trong truyện làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. 

Phân tích hình tượng anh thanh niên

* Hoàn cảnh sống và làm việc của anh vô cùng đặc biệt:

- Anh thanh niên sống và làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng chỉ làm bạn với cỏ cây và mây mù lạnh lẽo không một bóng người. - Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu . Công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng,tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu”.

- Mỗi ngày 4 lần ốp (1giờ , 4giờ, 11 giờ, 19 giờ) đều đặn và chính xác dù mưa nắng, gió bão, nửa đêm tuyết rơi đều phải đi ốp => Một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng gian khó đòi hỏi ở anh sự chính xác, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. 

- Tuy nhiên cái gian khổ của công việc chưa đáng sợ bằng cái gian khổ của hoàn cảnh sống: đó là sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người. Đây quả thực là một thử thách lớn đối với tuổi trẻ vốn khát khao và hành động như anh. => Như vậy anh thanh niên sống và làm việc trong hoàn cảnh rất đặc biệt nhưng chính điều đó đã làm tỏa sáng ở anh nhiều nét đẹp đáng trân trọng, yêu mến và cảm phục. Vậy điều gì đã khiến anh sống tốt, sống đẹp trên mảnh đất Sa pa này?

* Trước hết, ở anh thanh niên có một lý tưởng, lẽ sống giản dị, chân thành mà đẹp đẽ, đáng quý vô cùng

- Là một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Đại học, vậy mà anh đã rời bỏ nơi phồn hoa đô thị, tự nguyện trở về Sapa, trở về quê hương Lào Cai của mình để làm việc, dâng hiến tuổi trẻ, sức lực của mình để xây dựng quê hương. Quả thực lựa chọn của anh thật đúng dắn, sâu sắc mà không phải ai cũng làm được.

- Anh luôn ao ước được sống và làm việc ở nơi có độ cao hơn 3000 m. Bởi anh cho rằng đó mới là nơi lí tưởng. 

- Anh luôn xác định cho mình một lẽ sống rất rõ ràng: “Mình sinh ra là gì? Mình đẻ ra ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?”. Anh hiểu mình sinh ra để làm người có ích, để vì quê hương đất nước mà hoàn thành nhiệm vụ, làm việc để cống hiến cho tổ quốc - Hiểu được điều đó, vì thế mà khi biết mình phát hiện ra đám mây khô giúp bộ đội ta bắn rơi được nhiều máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng anh đã sống thật hạnh phúc => Đối với anh thanh niên được cống hiến chính là niềm vui lớn, cuộc sống mới thật có ý nghĩa. Anh quả thực là người sống có lí tưởng, có lẽ sống thật đẹp khiến ta khâm phục, đáng để ta học tập và noi theo.

* Anh thanh niên còn là người có lòng say mê, nhiệt huyết, tận tâm tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Anh có suy nghĩ sâu sắc và đúng đắn về công việc mình đang đảm nhận:

- Hồi chưa vào nghề, khi thấy một ngôi sao trên bầu trời đen kịt, anh nghĩ rằng nó lẻ loi, đơn độc. Thế nhưng khi đã vào nghề rồi những suy nghĩ của anh đã thay đổi. Anh hiểu rằng vì sao kia có nhiệm vụ thắp sáng bầu trời đêm, cũng giống như anh có nhiệm vụ cống hiến cho đất nước. 

- Anh rất yêu công việc của mình, anh kể về nó một cách say sưa và tự hào. Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống. Hãy nghe anh tâm sự của anh với ông họa sĩ:“[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Qua lời anh kể và lời bộc bạch này, ta hiểu rằng anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.

- Không những vậy anh còn hết lòng tận tụy với công việc. Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy. Suốt mấy năm ròng rã anh luôn ghi và báo - “ốp” đúng giờ. Thậm chí nhiều khi phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt và đêm tối lúc 1h sáng, anh vẫn không ngần ngại. “Nhiều lúc nghe chuông đồng hồ kêu, anh chỉ muốn đưa tay tắt đi, nhưng rồi anh vẫn dứt khoát vùng dậy xách đè bão đi làm việc,..” => Như vậy chính lòng yêu nghề đã giúp anh vượt qua tất cả những khó khăn trong nghề để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có lẽ anh hiểu rằng, công việc 

* Điều đặc biệt ở anh thanh niên chính là tính khiêm tốn, thành thật:

- Anh luôn cảm thấy công việc và sự đóng góp của mình là bình thường, nhỏ bé, không đáng kể và những lời giới thiệu nhiệt tình của bác lái xe là về anh là chưa xứng đáng -Anh cho rằng mình vẫn còn thua xa ông bố vì chưa được đi bộ đội, chưa được trực tiếp ra chiến trường đánh giặc

- Anh còn thua cả anh bạn trên đỉnh Phan xi phăng cao hơn 3000m. Anh cho rằng ở trên cao như vậy mới là lí thưởng. 

- Khi ông hoạ sĩ kí hoạ chân dung, anh đã e ngại từ chối vì cho rằng mình chưa xứng đáng và anh đã nhiệt tình giới thiệu cho ông họa sĩ những người khác đáng vẽ hơn anh nhiều như: ông kĩ sư ở vườn rau Sa hay anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét

- Vì thành thực quá nên trong cuộc trò chuyện anh đã dốc hết cả ruột gan của mình để kể cho khách nghe những điều đáng lẽ chỉ nghĩ thôi chứ không nên nói ra.

- Cũng vì thành thực mà khi cô kĩ sư có ý muốn tặng cho anh chiếc mùi soa làm kỉ niệm, anh lại tưởng cô bỏ quên và tả lại khiến cô đỏ mặt và e ngại.

=> Anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian 30 phút ngắn ngủi nhưng anh đã để lại ấn tượng khá sâu đậm trong lòng mọi người, khiến ta khâm phục.

2. Ngoài ra, ta còn bắt gặp ở đất Sa Pa những con người làm việc âm thầm, lặng lẽ cho đất nước qua lời kể của anh thanh niên:

Mảnh đất Sa Pa

a) Đó là ông kỹ sư ở vườn rau SaPa: Ngày này qua ngày khác, ông ngồi im trong vườn, chăm chú rình xem cách lấy mật của ong để rồi tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào để hạt giống làm ra tốt hơn, để tạo ra giống su hào ngon ngọt nhất miền Bắc

b) Đó là anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét: Đã “11 năm không một ngày xa cơ quan lấy một ngày” luôn “trong tư thế sẵn sàng, suốt ngày chờ sét” để lập bản đồ tìm ra tài nguyên trong lòng đất làm giàu cho đất nước.

=> Những con người ấy làm cho anh thanh niên thấy “cuộc đời đẹp quá” đâu còn buồn tẻ “cô độc nhất thế gian”. Đúng như tác giả đã viết: “Trong cái lặng im... cho đất nước”.

3. Đánh giá: Từ nhân vật anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau SaPa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét giúp ta hiểu thêm ý nghĩa của những công việc thầm lặng: 

- Sống cống hiến cho dân tộc, cho nhân dân, sống có ý nghĩa sẽ mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. 

- Cuộc sống lao động giản dị nhưng cao đẹp làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, có sức thuyết phục lan toả với những người xung quanh. 

4. Liên hệ, mở rộng

- Trên khắp mọi miền đất nước, có biết bao con người như anh thanh niên đang sống và làm việc âm thầm vì dân vì nước; họ giúp chúng ta thấy cuộc đời thật đẹp.

- Tuy vậy vẫn còn những người sống ích kỷ, vô trách nhiệm, họ vì lợi ích bản thân, không qua tâm tới mọi người xung quanh, hại dân hại nước đáng lên án; ... 

- Nhân vật anh thanh niên, ông kỹ sư vườn rau SaPa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét đã để lại cho ta bài học thấm thía về ý thức trách nhiệm đối với công việc và đối với đất nước. Họ là hình ảnh tiêu biểu cho những con người lao động ở Sa Pa, là chân dung con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ. Qua đó góp phần làm nổi bật chủ đề truyện: Ca ngợi những con người lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng đất nước.

5. Thành công nghệ thuật của tác phẩm:

- Truyện thành công bởi cách xây dựng tình huống truyện đơn giản, tự nhiên, tình cờ nhưng rất hợp lý. 

- Cách kể chuyện theo ngôi thứ ba giản dị, tự nhiên mà sâu sắc, ngôn ngữ trần thuật nhẹ nhàng, trong trẻo.

- Xây dựng chân dung, tính cách nhân vật qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Nhân vật vừa được bộc lộ tính cách trực tiếp qua cử chỉ, việc làm; vừa bộc lộ gián tiếp qua suy nghĩ, tình cảm, đánh giá của các nhân vật khác nên rất khách quan.

- Cách đặt tên nhân vật mang ý nghĩa sâu xa, … 

III. Kết bài: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đang ngân vang trong lòng ta những rung động nhẹ nhàng mà thú vị về những con người âm thầm lặng lẽ nhưng thật đáng yêu. Họ đã dệt lên bài ca về tình yêu tổ quốc, tình yêu đất nước. Bản thân em là một người học sinh em thấy mình cần ra sức phấn đấu học tập sau này trở thành người có ích, phục vụ quê hương, đất nước

Leave a Reply