Tình yêu lứa đôi qua tâm sự của người phụ nữ trong ca dao tình yêu lứa đôi

Trong tình cảm riêng tư của mỗi con người, còn có gì đẹp hơn tình yêu? Đó là thứ tình cảm da diết, gắn bó hai tâm hồn với nhau, để lại dấu ấn trong suốt cả cuộc đời. Và tất cả, tất cả những rung động của tình yêu đã được sàng lọc qua tâm hồn phong phú của nhân dân. Cùng nhịp bước theo lịch sử, tình yêu trong thơ ca Việt Nam nói chung và ca dao dân ca nói riêng đã nở rộ, sáng ngời, đầy sức lay động. Chúng ta hãy trở về bên làn điệu ca dao dân ca, tiếp xúc với những vần thơ trong sáng, tinh vi với âm hưởng dạt dào tha thiết... Và đã thực sự trở về bên khu vườn với những đóa hóa đậm sắc bền hướng về tình yêu, ta không thể hờ hững với nhịp sóng lòng của trái tim người phụ nữ dam mê sống, dam mê yêu, khao khát một tình yêu nồng nhiệt, vĩnh cửu.

ca dao tình yêu lứa đôi

Hình tượng người con gái đang sống trong tình yêu hiện lên trong các câu ca dao sau với mọi sắc độ của tình cảm, mọi trạng thái tâm hồn. Và nó như chất men say đầy sức quyến rũ, lay động lòng người với lời thơ trang nhã, đài cát.

Lửng lơ bóng quế dải thềm

Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng

Khung cảnh hiện lên trong ta thật huyền ảo với màn đêm thanh vắng, lung linh, mờ ảo. Cảnh vật như quyện lấy tâm hồn của người con gái đang yêu, đang tương tư một “trang nam tử”. “Bóng quế” với ánh sáng dìu dặt, nó “lửng lơ” như tâm tình của người con gái trong lúc thả hồn tìm chút mộng mơ về phút rung động đầu đời. Ánh trăng bàng bạc, thoang thoảng một mùi hương. Phải chăng với tâm tình thiếu nữ, vầng trăng cũng trở nên thơm tho, “bát ngát”? Khung cảnh này, không gian này càng làm cho trái tim cô gái một phút phập phồng lo nghĩ vu vơ. Không gian như ngừng trôi, lắng lại trong cô một mối "bận lòng” vô cớ. Bận lòng? Thật khó hiểu làm sao. Nguyên nhân nào đã đưa cô gái vào tâm trạng phức tạp này? Lời thơ, khung cảnh thơ càng gợi ở ta một thắc mắc. Và điều này dường như gói gọn trong vần thơ kế tiếp:

Dao vàng bỏ đẫy kim nhung

Dao vàng đi với đẫy kim nhung quả là một hình ảnh rất đẹp, rất xứng đôi. Cái “dao vàng” đã quý rồi mà được nâng niu trong đẫy kim nhung càng tôn chỉ lên giá trị quý giá vô ngần. Nhưng trong khung cảnh cổ tích ấy, trong không khí thanh tao ấy cô lại nghĩ đến hình ảnh này? Có duyên cớ gì đây? Tiếp theo là hãy chìm đắm trong nỗi lòng cô gái:

Biết rằng người ngọc có dùng cho chăng?

Bao tâm tư sâu kín đã bật lên một điều nghi vấn. Cô gái đã tôn người yêu lên tầm lí tưởng thành “người ngọc” trong tim mình. Cô lo sợ sự vô tình của “người ấy” rồi tự cảm thấy nhỏ bé, lạc lõng như một sinh vật cần sự chở che. Đây cũng là một sắc thái, tâm trạng chung của người thiếu nữ khi chập chững với tình yêu. Cô sợ tình yêu của cô sẽ là một tình yêu đơn phương, như chiếc lá thu rơi bị cuốn vào cơn lốc xoáy cuộc đời, của tình cảm không phân định được bến đỗ bình yên. Dấu chấm hỏi càng làm câu thơ có gì vấn vương, một điều gì không hề lí giải được, sự thắc mắc vu vơ, một chút bâng khuâng của trái tim đang rộn rã với tấu khúc ái tình. Cô gái rõ ràng đã tương tư trong khung cảnh thật sự tạo ra cảm giác.mộng mơ, dìu tâm hồn con người vào thế giới thần tiên, huyền bí, với “ngổn ngang trăm mối bên lòng”. Thời khắc trôi qua, trôi qua, khi nhìn lại, cô mới biết là:

Đèn tà thấp thoáng bóng trăng

Đèn lụi, trăng khuyết bóng, nhưng vẫn mờ nhạt một màn sương cổ tích, chính chung cảnh này càng làm cô da diết nhớ thương hơn về “người quân tử”.

Ai đem người ngọc thung thăng chốn này?

“Ai”? Vang lên như sự trách móc vu vơ, trước mắt cô là hình ảnh “người ngọc” ẩn rồi hiện, đeo đẳng tâm hồn cô. Tâm trạng này ta đã bắt gặp ở trong câu thơ:

Tương tư nhất dạ mai hoa khởi

Hốt kiến song tiền nghi thị quân

(Một đêm tương tư hoa mai rụng

Bỗng thấy trước song cửa ngỡ chàng đi)

và đọc câu ca dao ta như cảm nhận tâm tư của nàng Kiều tương tư Kim Trọng:

Kiều từ trở gót trướng hoa

Mặt trời gác núi chiêng đà thu không

Gươmg nga chênh chếch dòm song

Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân

Hải đường nở ngọn đông lân

Sương gieo nặng hạt cành xuân la đà

Một mình lặng ngắm bóng nga

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời

Câu ca dao phảng phất phong cách văn chương bác học một nét gì rất độc đáo, nó trang nhã, khuê các mà vẫn lắng sâu, thâm thúy. Câu ca dao này là cả một bức tranh nội tâm sâu sắc của người con gái đang yêu với rung cảm chân thành trong sáng.

Những rung cảm về tình yêu không chỉ tạo nên nét hoa mĩ trong câu ca dao đài các, óng chuốt trên mà nó còn thực sự gắn bó, quyện chặt vào chúng ta qua lời lẽ mộc mạc bình dị, tuy nhiên nó không làm mất đi nét trong sáng hồn nhiên của tình cảm.

Nếu câu ca dao trên đưa ta vào làn điệu trang đài của ngôn ngữ, thì câu ca dao sau đưa ta trở về bên tình cảm bình dị của cô thôn nữ đồng quê với lời lẽ thật mộc mạc.

Em nghe anh đau đầu chưa khá

Em băng đồng chỉ sá hái nạm lá anh xông

Một tình yêu chân thành thể hiện ở tấm lòng quan tâm thật nồng thắm. Cô gái “băng đồng chỉ sá” bất kể đường xa chỉ vì người yêu “đau đầu chưa khá”, “nạm lá” nhỏ nhoi nhưng thể hiện một sự mãnh liệt của tình yêu mà cô gái trao trọn cho người yêu. Cơ hội này đã giúp cô bày tỏ tâm tư, mốì quan tâm nồng nhiệt của mình với người yêu. Nhưng ở góc độ nào đó, nó vẫn ở giới hạn cho phép của lễ giáo. Tình cảm bao ngày chất chứa không thể dối lòng cô đã thực sự bày tỏ cái khát vọng cua mình:

Ước chi nên đạo vợ chồng

Đổ mồ hôi em chặm, ngọn gió nồng em che.

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Vòng gia giáo, đạo đức đã không cho phép cô được tận tình chăm sóc người yêu chính trong lúc này, trong lúc tình yêu lên đến tột đỉnh, cô phải bật ra tiếng nói chân thành mà người con gái thời ấy không bao giờ dám ngỏ. Ước mơ thật bình dị, vì có những kẻ yêu nhau nào mà không có dệt mộng tương lai về viễn ảnh của hạnh phúc vợ chồng? Lời lẽ giản đơn, biểu thị một phẩm chất tốt đẹp, của người phụ nữ yêu chồng, chu đáo, lo toan, đảm đang... Tuy nhiên người con gái với tình yêu mãnh liệt nồng cháy ấy vẫn không vượt qua vách rào đạo đức Nho giáo:

Cực vì hai đứa hai nơi

Muốn qua thăm bậu sợ lời thế gian

Có những lời bộc bạch tâm tư một cách chân thành nhưng bên cạnh đó, nỗi lòng thầm kín vẫn không dám thổ lộ vì nhiều nguyên nhân, nhiều nỗi lòng cần giải tỏa. Câu ca dao sau thể hiện điều này sâu sắc nhất:

Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

Hòn đả bạc đầu vì bởi sương sa

Em thương anh chẳng dám nói ra

Sợ mẹ bằng đất sợ cha bằng trời

Em với anh cũng muốn kết đôi

Sợ vừng mây bạc trên trời mau tan.

Cô gái đang sống trong tình yêu đơn phương với tâm trạng lo sợ. Yêu mà không bày tỏ được tình yêu “chẳng dám nói ra”. Cô sợ cha, sợ mẹ như sợ các thế lực siêu nhiên. Nhưng vì trái tim có một lí lẽ riêng tư, nó vẫn thôi thúc mãnh liệt khát vọng của tình yêu, vì thế, nỗi lo sợ cha mẹ dần dần mờ nhạt, hiện diện trong cô là nỗi lo cho tình yêu của mình. Cô sợ nó sẽ tan biến đi vuột khỏi tầm tay như những gì mong manh, dễ vỡ:

Sợ vừng mây bạc trên trời mau tan.

Vừng mây bạc tượng trưng cho một tình yêu nguyên thủy nhưng chỉ cần một cơn gió thoảng qua, một tia nắng cũng làm nó “tan mau”. Cô lo sợ phập phồng dù biết rằng, tình yêu của cô đã có sự xuất phát từ hai trái tim không còn đơn phương nữa, nhưng: đá kia còn phải bạc đầu, còn phải đóng rong vì “dòng nước chảy” vì “sương sa” thì tình yêu này làm sao cô dám vững tin cho được. Tâm trạng này thể hiện là cô gái chưa có niềm tin vững chắc ở người cô yêu, ở hạt giống tình yêu vừa tạo nên:

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu mai có thể xa rồi.

(Nói cùng anh - Xuân Quỳnh)

Câu ca dao là một lời tâm sự thầm kín, thiết tha, nhưng cũng thật tế nhị và sinh động; cảm xúc chân thành. Các câu ca dao trên là một bức tranh tâm lí đặc sắc thể hiện tất cả vẻ đẹp tâm hồn của người con gái đang yêu, đang sống trong viễn cảnh của tình yêu. Và chính vì thế, các câu ca dao có sức lôi cuốn làm xao động lòng người là nhờ vào men say tình yêu đôi lứa đã thêu dệt rót tất cả những gì hoa mĩ lên khung ngôn ngữ thi ca. Ngôn ngữ thật điêu luyện, óng chuốt nuột nà đáng được trân trọng và tự hào.

Xuyên suốt qua các câu ca dao trên ta nhận ra nhiều vẻ đẹp của văn học dân gian. Am hưởng của ca dao đã ngưng tự bao giờ mà trong ta vân còn dào dạt cảm xúc khó phai. Đây chính là âm hưởng nhịp sóng lòng của những trái tim với tình yêu cháy bỏng, thiết tha. Giai điệu ca dao, dân ca đã góp vào bản trường ca bất tận về tình yêu của con người một âm thanh trong trẻo trầm lắng, thiết tha, đầy nữ tính. Các câu ca dao trên đã góp thêm một tiếng nói, một cách diễn tả độc đáo, điêu luyện về đề tài muôn thuở của loài người - đề tài tình yêu.

Leave a Reply