Văn thuyết minh - Đề tài: Kí

Đó là một loại hình văn học bên cạnh thơ, tiểu thuyết và kịch, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi như: bút kí, hồi kí, du kí, nhật kí, phóng sự, kí sự, tùy bút, tự truyện, tạp văn, bút kí chính luận.. Kí phản ánh sự việc và con người có thật trong cuộc sống. Tính chính xác tối đa là đặc trưng cơ bản của kí. Do đó sức hấp dẫn, sức thuyết phục của kí một phần lớn do chính sự việc được phản ánh trong tác phẩm. So với truyện ngắn, tiểu thuyết, kí phản ánh nhanh chóng và linh hoạt cuộc sống. Kí có thể nhiều thể, có thể rất gần với thông tin như kí sự, phóng sự v.v. Có thể rất gần với chính luận như tạp văn, bút kí chính luận v.v.; có thể rất gần với hồi kí, tự truyện v.v.; có thể mang nhiều yếu tố trữ tình như tùy bút, bút kí v.v. Lại có loại gần với truyện như truyện kí v.v. Và thường các yếu tố tự sự, trữ tình, chính luận hòa lẫn, nên kí có thể phản ánh linh hoạt các sắc thái muôn màu của cuộc sống. Trong kí, hư cấu giữ vai trò thứ yếu, nhưng vai trò chủ quan của người viết kí cũng rất quan trọng, tài nghệ của tác giả kí thể hiện ở chỗ biết chọn đúng đối tượng để viết, biết tìm hiểu kĩ đối tượng và làm nổi bật tầm tư tưởng. Thêm nữa, người viết cần biết chọn một hình thức kí thích hợp, một ngôn ngữ hấp dẫn và nhất là có những cảm xúc chân thành, làm rung động người đọc.

Kí

Ớ những thời kì lịch sử phát triển nhanh chóng, con người cần ý thức kịp thời cuộc sống, kí đóng một vai trò quan trọng trong văn học. Thiên phóng sự Mười ngày rung chuyển thế giới của Giôn Rít ra đời trong những ngày bão táp của Cách mạng tháng Mười Nga, tập truyện kí Người Xô-Viết chúng tôi của B. Pôlêvôi, tập tùy bút Thời gian ủng hộ chúng ta của Êrenbua ra đời trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở Liên-Xô, đều là những tập kí nổi tiếng.

Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng để lại những tập kí có giá trị về những ngày chống Pháp: ở rừng, Trận Phố Ràng, Kí sự Cao - Lạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, nhiều tập kí đã ghi lại sự nghiệp anh hùng của nhân dân ta trên hai miền Nam Bắc: Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Bất khuất, Những ngày nổi giận...

Leave a Reply