Văn thuyết minh - Di tích cố đô Huế, di sản văn hóa thế giới

Nổi bật trong di sản văn hóa cố đô Huế là hệ thống di tích cố đô đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thật ra di tích cố đô còn lại đến nay mới được khởi công xây dựng đầu thế kĩ XIX dưới thời các vua Gia Long (1802 - 1820), Minh Mạng (1820 - 1840), là sự tiếp nối hệ thống kiến trúc của các dinh phủ, đô thành thời chúa Nguyễn và kinh đô Phú Xuân của triều đại Tây Sơn Nguyễn Huệ, được tiếp tục bổ sung, điều chỉnh đến đầu thế kỉ XX.

di sản văn hóa cố đô Huế là hệ thống di tích cố đô đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

Qua hàng trăm năm tồn tại trong môi trường khí hậu khắc nghiệt, bão lụt thường xuyên xảy ra, nhiều thời kì đất nước có chiến tranh ác liệt kéo dài, di tích cố đô có lúc bị tàn phá nặng nề, một số công trình đã trở thành phế tích hoặc bị hư hỏng nặng, nhưng nhìn tổng thể, đây là một hệ thống kiến trúc cung đình có quy mô lớn nhất, còn lại duy nhất của Việt Nam với hơn 1000 đơn vị công trình và hàng vạn cổ vật cung đình, tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cung đình tinh tế của Việt Nam.

Trong lịch sử, nhiều cố đô của Việt Nam đã được hình thành, tiêu biểu nhất là kinh đô Thăng Long, nhưng cũng chính những biến động lịch sử đã xóa đi hầu hết những công trình đặc sắc của kiến trúc kinh thành Việt Nam một thời. May mắn còn lại Huế là một tổng thể kiến trúc cung đình hoàn chỉnh nhất, thể hiện một bước phát triển của nghệ thuật kiến trúc cung đình Việt Nam sau quá trình hưng phế của nhiều triều đại quân chủ, bao gồm một hệ thống các loại thành, từ Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành, Trấn Bình thành, Trấn Hải thành gắn với hệ thống các sông hồ cửa biển như Ngự Hà, Hộ Thành hà, Hộ Thành hào, Kim Thủy trì, Hải khẩu Thuận An. Đi liền với thành trì là một loạt các hệ thống cung đình, miếu đàn, lăng tẩm, quan ti thự phủ đệ ngự viên,... và các vùng dân cư, binh xá, ruộng đất quan phòng. Đây thực sự là một thành tựu có giá trị của kiến trúc kinh thành Việt Nam, chứa đựng nhiều tinh hoa truyền thống của kiến trúc dân tộc.

Là một tổng thể khá hoàn chỉnh, nhưng kiến trúc kinh thành, cung điện ở Huế không to lớn choáng ngợp mà khô khan như kiến trúc của một số kinh đô khác. Ngược lại đây là một hình thái kiến trúc tinh tế, các công trình kiến trúc gắn bó với cảnh quan sông núi hữu tình, chứa đựng những đường nét trang trí chạm khắc nhỏ nhắn tinh xảo. Trong kiến trúc cố đô Huế, nghệ thuật tạo hình không gian đã đạt đến tính hòa điệu, gây được ấn tượng thẩm mĩ cao. Bàn tay xếp đặt của con người ẩn giấu tài tình trong các góc cạnh của vẻ đẹp thiên nhiên và chỉ xuất hiện, hé mở trong từng chi tiết tinh xảo.

Nhiều người lấy làm thú vị khi được biết vùng đất xây dựng nên kinh thành Huế nguyên là một mặt bằng được sắp đặt lại bởi công sức lao động của hàng vạn dân binh. Bằng một nguồn nhan lực rất lớn, dưới thời vua Gia Long, người ta điều chỉnh lại vùng đất “vưong đảo” Phú Xuân, lấp dòng Kim Long cũ, đào mới một ioạt các sông Ngự Hà, Đông Ba, An Hòa, Bạch Yến để tạo ra một thế đất cân đối bên dòng sông Hương, đối diện với tiền án núi Ngự, hai bên là cồn Hến tả thanh long và cồn Giã Viên hữu bạch hổ, trong một thế hài hòa tự nhiên đến nỗi ít người nhận ra được quá trình con người đã xẻ đất, lấp sông.

Di tích cố đô Huế, di sản văn hóa thế giới

Nằm vị trí trung tâm, kinh thành Huế với hai hệ thống Thành nội, Đại nội là một mẫu mực của kiến trúc cân đối. Đại nội với Hoàng thành, Tử Cấm thành và hàng trăm công trình kiến trúc tinh xảo, sơn son thếp vàng, bố trí cân xứng thể hiện nghiêm ngặt trật tự lễ nghi và uy the chốn cung đình. Thành nội Huế với Kì đài vững chãi, uy nghi, với 10 cổng thành đối xứng, với hệ thống các dinh thự Lục Bộ, Cơ Mật viện, Quốc Tử Giám, Tàng Thư lâu,... vừa phản ánh những thiết chế trị nước của một vương triều vừa là chứng tích ghi dấu sự co mặt của nhiều thế hệ danh nhân của đất nước như Nguyễn Du, Phân Huy Vịnh, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan, Tùng Thiện, Tuy Lí, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,... phản ánh bộ mặt sinh hoạt chính trị và văn hóa của chốn kinh kì một thời.

Phong cách kiến trúc tạo cảnh tinh tế của cung đình Huế còn đạt đến sự hài hòa tuyệt mĩ ở một số lăng tẩm nằm ẩn mình trong vùng đồi núi ven hai bờ sông Hương, ở phía Tây Nam kinh thành. Các lăng vua triều Nguyên khá bề thế, vừa tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc của lăng vua với hệ thống sân chầu, tẩm điện, bi đình, bảo thành, đồng thời lại vận dụng hình thái kiến trúc cung điện, điểm xuyết thêm hồ sen, lối dạo, tùng viện, thủy tạ, đình quán, cá biệt còn có cả nhà đọc sách, nhà hát, trường bắn của nhà vua như lăng Tự Đức. Mỗi lăng vua là một phong cách kiến trúc riêng, thể hiện một phần những yếu tố triết lí, tâm linh và giá trị thẩm mĩ riêng biệt. Và bao trùm lên tất cả là lăng vua Nguyễn không gợi lên cảm xúc đau buồn về cái chết, ngược lại mỗi lăng vua là một chốn thanh nhã để con người dạo chơi, ngắm nhìn và suy tưởng.

Gắn với kinh thành, cung điện, lăng tẩm còn có các đền miếu, đàn Nam Giao, đền Xã Tắc, điện Hòn Chén, chùa Linh Mụ, chùa Thúy Vân và hệ thống các danh lam cảnh tự ở kinh kì, nằm giữa những vùng dân cư với những phủ đệ, đình miếu, nhà vườn, những tầng lớp cư dân da nhiều đời gắn bó với mảnh đất cố đô, thấm sâu những giá trị truyền thống, còn lưu giữ khá đậm nét những lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng một thời, phảng phất bộ mặt của một vùng đô thị cổ Việt Nam cách đay hàng thế kỉ.

Leave a Reply