Văn thuyết minh - Truyện cổ tích

Đó là một trong những thể loại văn học dân gian quan trọng và được phổ biến rộng rãi. Khái niệm “truyện cổ tích” có một nội dung khá rộng, thường dùng để chỉ nhiều loại truyện khác nhau về đề tài và cả về phương pháp sáng tác. Khác nhau về đề tài như các truyện về loài vật, truyện về các nhân vật dũng sĩ hoặc các nhân vật có những khả năng phi thường về trí tuệ, về sức khỏe, truyện về số phận các nhân vật có địa vị thấp kém trong gia đình và xã hội... Khác nhau về phương pháp sáng tác như các loại truyện thần kì, truyện hiện thực. Vì vậy đã có khó khăn trong việc xác định cho khái niệm “truyện cổ tích” một nội dung thật chặt chẽ. Trong hàng loạt định nghĩa đã có về truyện cổ tích, có thể nêu lên mấy nội dung nói chung ít nhiều đã có sự thống nhất như sau:

1. Truyện cổ tích đã nảy sinh từ trong xã hội nguyên thủy, do đó có những yếu tố phản ánh quan niệm thần thoại của nhân dân về các hiện tượng tự nhiên và xã hội và có ý nghĩa ma thuật. Song truyện cổ tích phát triển chủ yếu trong xã hội có giai cấp, nên chủ đề chủ yếu của nó là chủ đề xã hội, phản ánh nhận thức của nhân dân về cuộc sống xã hội muôn màu muôn vẻ với những xung đột đặc trưng cho các thời kì lịch sử khi đã có chế độ tư hữu tài sản, có gia đình riêng, có mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp.

Truyện cổ tích

2. Truyện cổ tích biểu hiện cái nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại, đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan điểm về công lí xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại.

3. Truyện cổ tích là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của nhân dân, và ở một bộ phận chủ yếu, yếu tố tưởng tượng thần kì tạo nên một đặc trưng nổi bật trong phương thức phản ánh hiện thực và ước mơ.

loại truyện cổ tích về loài vật, có sự kết hợp những điều quan sát hiện thực về các con vật với trí tưởng tượng nhân cách hóa giới tự nhiên. Loại truyện này thời cổ xưa ở dân tộc nào cũng có. ơ Việt Nam, tính chất cổ xưa của loại truyện về loài vật đã bị pha trộn với khuynh hướng của người đời sau mượn truyện loài vật để nói về xã hội loài người, do đó giữa loại truyện này với truyện ngụ ngôn có những trường hợp không có sự phân biệt thật rạch ròi.

Loại truyện cổ tích thần kì cũng có nhiều yếu tố cổ xưa có liên quan đến những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người thời thị tộc, bộ lạc. Ví dụ những mẫu đề “người bỏ lốt vật” (như trong các truyện Sọ Dừa, Lấy chồng Dê, Lấy vợ Cóc...) và “người chết đi sống lại trong kiếp loài vật hoặc cây cỏ” (như trong truyện Tấm Cám) có liên quan với quan niệm vạn vật hữu linh và tín ngưỡng vật tổ. Hay như mẫu đề “nộp mạng người định kì cho một con vật đã thành tinh” (như trong truyện Thạch Sanh) có liên quan với tín ngưỡng và nghi lễ hiến tế, v.v. Những yếu tố của quan niệm thần thoại và tín ngưỡng cổ ấy một mặt đã có sự pha trộn với các quan niệm tôn giáo của xã hội có giai cấp (như Phật giáo, Đạo giáo...), mặt khác lại có ý nghĩa xã hội và thẩm mĩ, phản ánh những nét tiêu biểu trong quan hệ với thực tại của con người thời kì xã hội có giai cấp. Cho nên tuy truyện cổ tích thần kì có những yếu tố liên quan với thần thoại hoặc kế thừa thần thoại, song nội dung chính của truyện cổ tích thần kì là đời sống xã hội của con người và số phận của con người trong xã hội có giai cấp. Nhân vật trung tâm của truyện cổ tích thần kì là những người mồ côi, người con riêng, người em út, người đi ở, người làm thuê và người lao động nghèo khổ nói chung... Những nhân vật ấy là nạn nhân của chế độ tư hữu tài sản, của chế độ gia đình phụ quyền và của chế độ xã hội có giai cấp.

Truyện cổ tích thần kì đã miêu tả những nhân vật bất hạnh ấy theo khuynh hướng lí tưởng hóa. Đó là những người tuy ở vào những địa vị rẻ rúng trong gia đình và xã hội, nhưng lại có phẩm chất đạo đức tốt đẹp, có tài năng, đôi khi có những tài năng phi thường. Đó là những con người vừa đẹp nết lại vừa đẹp người, và ở một số truyện (như truyện Sọ Dừa, truyện Lấy vợ Cóc...) tuy lúc đầu xấu xí, dị dạng, nhưng cuối cùng bao giờ cũng trở thành người đẹp tương xứng với tài năng và phẩm chất của mình. Theo lôgic của truyện cổ tích thần kì, những con người như thế phải được hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Cho nên khi miêu tả những điều thiệt thòi, nỗi đau khổ, những bước đường gian truân mà họ phải trải qua, bao giờ truyện cũng dẫn đến một kết thúc tốt đẹp: từ những người nghèo khổ, bị rẻ rúng, bị coi thường, họ trở thành những người giàu sang, phú quý hoặc được giữ quyền cao chức trọng trong xã hội. Một kết cục như thế là không tưởng trong thực tế xã hội có giai cấp. Cho nên truyện cổ tích đã phải nhờ đến các yếu tố thần kì như nhân vật thần kì (Tiên, Bụt..), vật thần kì (chim thần, gậy thần, cây đàn diệu kì...) hoặc sự biến hóa thần kì (chết đi sống lại, vật biến thành người...) can thiệp vào cốt truyện để có thể từ việc miêu tả hiện thực cuộc sống (số phận đau khổ của nhân vật) dẫn đến được một kết cục có tính chất ước mơ (sự đổi đời của nhân vật).

Trong truyện cổ tích thần kì, loại nhân vật phản diện tiêu biểu cho cái xấu và cái ác trong xã hội. Loại nhân vật này được miêu tả theo cách hoàn toàn tương phản với loại nhân vật chính diện. Nhân vật phản diện cũng thường mang tính cách xã hội - cụ thể như nhân vật chính diện. Đó là nhân vật người dì ghẻ, người anh cả, tên lái buôn, ông chủ, viên quan..., tức những nhân vật giàu có và có quyền thế trong gia đình và xã hội. Đồi khi nhân vật phản diện mang tính cách siêu nhiên như đại bàng, mãng xà, yêu quái..., tượng trưng cho những lực lượng tự nhiên hoặc xã hội thù địch với con người. Nếu như việc miêu tả lí tưởng hóa về nhân vật thiện - nhân vật chính diện - và về số phận của nhân vật thiện là biểu hiện của khuynh hướng dân chủ, thì việc miêu tả nhân vật ác - nhân vật phản diện - và sự trừng phạt đối với nhân vật ác là biểu hiện của khuynh hướng phê phán xã hội; hai khuynh hướng ấy đã tạo nên giá trị chủ yếu về nội dung tư tưởng của loại truyện cổ tích thần kì.

Trên cơ sở những đặc điểm chung về hiện thực xã hội được phản ánh, về cách hình dung hiện thực và về các khuynh hướng tư tưởng trên đây, trong truyện cổ tích thần kì đã hình thành một số chủ đề phổ biến, từ đó đã hình thành một số cốt truyện phổ biến. Tập hợp những truyện có cùng chủ đề và cốt truyện tương tự như nhau, được gọi là kiểu truyện. Ví dụ kiểu truyện Tấm Cám ở Việt Nam gồm có các truyện Tấm Cám của người Việt, truyện Tua Gia - Tua Nhi của người Tày, truyện Ý Ưởi, Ý Noọng của người Thái, truyện Gầu Nà của người Mèo, truyện Gơliu, Gơlát của người Xơrê, truyện u và Cao của người Hơrê, truyện Chiếc giày vàng của người Chàm.. Thuộc kiểu truyện này, ở các nước Đông Nam Á có truyện Con cá vàng của người Thái Lan, truyện Nêang Cantôc của người Khơ-me, truyện Con rùa vàng của người Miêh-điện... Những truyện trên cũng được xếp vào cùng một kiểu truyện phổ biến trên thế giới mà các nước phương Tây gọi là kiểu truyện Cô Tro bếp. Hay như kiểu truyện Người lấy vật ở Việt Nam gồm có các truyện Sọ Dừa, truyện Lấy vợ Cóc, truyện Lấy chồng Dê... của người Việt, truyện Chàng Bâu của người Mường, truyện Chàng Cađác của người Thái, truyện Ếch lấy con vua của người Mèo, truyện Chàng Lợn của người Gia-rai và rất nhiều truyện cùng kiểu ở các dân tộc khác và các nước khác nữa, v.v. Các kiểu truyện ấy cùng với nhiều kiểu truyện khác ở Việt Nam như kiểu truyện Sự tích trầu cau, kiểu truyện Hai anh em và đảo vàng, kiểu truyện Thạch Sanh (tức kiểu truyện dũng sĩ diệt đại bàng cứu người đẹp), v.v. đã làm nên bộ mặt chính của truyện cổ tích thần kì Việt Nam, phản ánh những nét tiêu biểu của hiện thực xã hội Việt Nam thời xưa, chứa đựng một cách tập trung những truyền thống sáng tác chủ yếu của loại truyện cổ tích thần kì Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện được một cách rõ ràng hơn cả tính quốc tế của loại truyện này.

Văn thuyết minh - Truyện cổ tích

Bên cạnh loại truyện cổ tích thần kì, còn có loại truyện cổ tích hiện thực. Nội dung phản ánh của truyện cổ tích hiện thực cũng là những xung đột trong quan hệ gia đình và xã hội thời kì xã hội có giai cấp. Song nếu như ở truyện cổ tích thần kì, diễn biến số phận của nhân vật được lái theo hướng ước mơ ảo tưởng của nhân dân, thì ở truyện cổ tích hiện thực, diễn biến số phận của nhân vật về cơ bản tương ứng với diễn biến của cuộc sống hiện thực hơn. Một trong những biểu hiện rõ rệt về sự khác nhau này có thể thấy trong phần kết thúc của cốt truyện. Truyện cổ tích thần kì bao giờ cũng kết thúc có hậu. Kết thúc số phận của nhân vật bất hạnh trong truyện cổ tích hiện thực thường không đẹp đẽ như vậy. Ví dụ như trong truyện Sự tích chim hít cô, hai cô cháu nghèo khổ đã chết đói trong một hoàn cảnh bi thảm. Tuy ở truyện sau này, vẫn còn yếu tố thần kì: người cháu sau khi chết đi đã biến thành con chim hít cô, nhưng ý nghĩa của yếu tố thần kì đây đã khác với yếu tố thần kì trong truyện cổ tích thần kì; ở truyện cổ tích thần kì, nó có ý nghĩa của một yếu tố trợ lực giúp con người đạt tới những ước mơ không thể thực hiện trong đời sống thực tế, còn ở truyện cổ tích hiện thực, nó chỉ có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa của một sự kiện hiện thực. Vì vậy trong truyện cổ tích hiện thực, có rất ít hoặc thường là không có yếu tố thần kì. Truyện cổ tích hiện thực phản ánh cái nhìn thực tế hơn của nhân dân về cuộc sống, do đó loại truyện này cũng thường không miêu tả hiện thực theo đúng cái khuôn cốt truyện có sẵn như truyện cổ tích thần kì.

Việt Nam, truyện cổ tích đã được ghi chép khá sớm. Từ thế kỉ XV, một số truyện đã được biên soạn và giới thiệu trong quyển Lĩnh nam chích quái. Trước Cách mạng tháng Tám, tập truyện cổ tích có dung lượng phong phú hơn cả là tập Truyện cổ nước Nam gồm hai tập (xuất bản lần đầu năm 1928) của Nguyễn Văn Ngọc. Sau Cách mạng, việc sưu tầm, giới thiệu và nghiên cứu truyện cổ tích Việt Nam rất được chú ý. Hàng loạt công trình biên soạn, nghiên cứu truyện cổ tích các dân tộc đã được xuất bản, như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập), Truyện cổ dân tộc Mèo, Truyện cổ Vân-Kiều, Truyện cổ Ba-na, Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền Nam, Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích Việt Nam qua truyện Tấm Cám...

Leave a Reply