Văn tự sự - Cây táo vườn bà

Khi bà về hưu, các bác, các chú, các cô ở Công ti Công viên tặng bà một cây táo Thiện Phiến. Đến nay, cây táo đã được 12 năm tuổi đời.

Bà bảo: “Táo Thiện Phiến, miến Đoài Sơn”; Táo Thiện Phiến quả to, ngọt chua, giòn, là đặc sản của Thái Bình.

Cây táo chiếm lĩnh một khoảng vườn, nằm cạnh góc sân. Gốc cây xù xì, vỏ mốc đen, to hơn cột đình làng Xuân. Có ba cành chĩa ra ba phía, xoè ra như bàn tay khổng lồ, hứng mưa, đón nắng và vẫy gió. Lá táo hình trứng, mặt trên xanh nhạt, mặt dưới màu rêu. Mùa xuân, cành lá sum sê, hoa lấm tấm nở như sao, bé tí, màu vàng nhạt. Hoa táo không có mùi thơm như hoa chanh, hoa bưởi, hoa xoan nhưng ong mật cũng kéo đến hàng đàn, bay rối rít ki. mùa hoa nở. Sau đợt mưa phùn, nắng xuân toả ánh hồng ấm áp, cây táo đã phơ bày hàng chùm trái non, to bằng hạt đỗ, hạt ngô xanh biếc. Có được ngắm cây táo vườn bà vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 mới thấy vẻ đẹp và sự kì diệu của thiên nhiên, của hoa trái mùa xuân.

Táo Thiện Phiến

Gió thổi qua cây táo, không nghe tiếng rì rào, lao xao mà chỉ nghe thầm thì... thầm thì. Nắng mưa trong tháng tư, tháng năm đã làm cho trái táo cãng tròn sinh khí. Lá xanh mượt ngời lên. Những chùm táo trĩu cành. Quả to bằng ngón tay cái, ngón chân cái, bằng quả trứng chim cút, rồi bằng quả trứng gà so. Chim chích choè là vệ sĩ của cây táo. Đàn chim sâu là bà con của cây táo. Những chú chào mào đỏ đuôi là khách vãng lai, cất tiếng hót như tiếng chuông đồng. Nghe chim chào mào hót, bà bảo: “Táo đã vào mùa”. Đôi mắt bà ánh lên bao niềm vui.

Tháng 6, tháng 7, táo vườn bà đã chín. Chim chào mào hót inh ỏi suốt ngày. Bà hái những trái táo chín to, ngon bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ để cúng các cụ và cúng ông. Trước ảnh chú Thành liệt sĩ, bà cũng bày một đĩa táo 21 quả. Chú Thành là con út của bà, hi sinh tại mặt trận Thành cổ Quảng Trị, năm đó chú mới 21 tuổi. Bà thắp hương lên bàn thờ, rồi đứng lặng ngẩn ngơ nhìn đứa con út đi mãi không về.

Trái táo vườn bà chín mọng, màu vàng mơ, vàng ươm, bóng lên, thơm giòn, chua chua, ngòn ngọt. Cho vào miệng, cắn nhẹ, cơm táo trắng phau, thấm vào đầu lưỡi. Vừa nhai vừa “nghe” vị táo, tâm hồn cứ lâng lâng. Đi học về, được ăn vài trái táo chín bà trao cho, đứa cháu nào mắt cũng sáng lên, reo lên thích thú.

Bà hái táo làm quà biếu bà con, bạn bè. Một, hai cân táo chín làm quà, bà cho các cháu lớp mẫu giáo Măng Non. Hầu như sáng nào bà cũng mang táo ra thị trấn bán. Có năm, tiền bán táo, bà gom góp được hơn một triệu đồng. Số tiền ấy, bà để làm giỗ, làm cỗ Tết.

Món táo dầm đường của bà là một thứ đồ uống rất bổ. Các cháu nội, ngoại của bà, đứa nào cũng ưa thích. Có hôm em Lộc con cô Nga nói: “Bà ơi! Cháu nghiền món táo dầm đường của bà rồi đấy! ”. Bà ôm nó vào lòng và cười.

Bà mất đã 2 năm. Cây cối trong vườn, nhất là cây táo cứ đứng lặng buồn ủ rũ. Hôm nay giỗ bà, ngày rằm tháng Mười ta, bố mẹ hái táo chín bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ cúng bà. Nhìn đĩa táo, nhìn cây táo với bao kỉ niệm thời thơ bố, cm cảm thấy được bà nắm tay, dắt đi dạo quanh sân, quanh vườn; nghe bà nói: “Cây táo Thiện Phiến đấy cháu ạ! ”...

Leave a Reply