Văn tự sự - Cô bé hát rong

Chiều nội trú với những cơn gió rít ầm ĩ, tôi thấy lòng nao nao. Giờ này ở nhà bố đang làm gì? Mấy đứa em nhỏ có học bài không? Rồi tôi cứ thèm cua đồng nướng mà thằng Tồ hay cho tôi... Cảm giác nhớ nhung, thèm khát cứ dâng trào. Bỗng con Hà phòng cạnh bên gọi chí chóe:

- Bảo ơi! Đi xem hát rong đi.

- Ở đâu?

- Ớ cổng trường chứ còn đâu nữa.

Cô bé hát rong

Tôi khoác thêm chiếc áo chạy theo Hà. Tới nơi thì thấy một con bé mảnh khảnh, da tái mét, vừa run cầm cập vừa cất lên giọng hát: “Mẹ ơi! Con biết về đâu mẹ! Mẹ ơi! Con biết về đâu khi trời đầy hoang vắng...”. Rồi nó nghẹn ứ, những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Trời ơi! Tôi thốt lên và cũng òa khóc. Cảnh em cũng giống cảnh tôi ư? Mất mẹ ư? Tôi ôm chầm lấy nó rồi xoa xoa đầu. Mái tóc nó vàng hoe, xơ xơ, khuôn mặt lộ rõ có một nét gì đó trông khắc khổ và từ người con bé bốc lên một mùi hăng hắc nhưng tôi lại cảm thấy gần gũi, thân quen.

Hình ảnh con bé rướn cổ dài, những đường gân guốc xanh lét nổi lên với giọng hát trong trẻo làm tôi không giữ nổi lòng mình.

Tâm can tôi bị cắn rứt, bố em đâu, mẹ em đâu?

Từng này tuổi đầu mà em phải ra bươn chải thế này ư?

Tôi đã tự hỏi lòng mình như vậy. Tôi không muốn hỏi em bởi sợ chạm tới vết thương lòng của em.

- Đêm nay trời rét thế này em ngủ ở đâu?

Nó lúc lắc đầu.

Thế rồi tôi quyết định cho nó về ngủ và ở trong phòng tôi. Tuy nhiên có những người bạn đồng tình với hành động của tôi và tặng cho tôi một nụ cười thông cảm và nhân ái, nhưng một ít đứa thì tỏ vẻ không bằng lòng, bảo tôi: “Mày rước ma về làm giỗ à, cơm không đủ ăn làm sao nuôi nổi cả nó nữa”. Buổi tối hôm đó tôi dành cả phần cơm tôi cho nó. Nó ăn vội vã, ngon lành làm tôi thèm thèm và nuốt nước miếng ừng ực. Điệu bộ nó ăn sao giống những đứa em ở nhà của tôi vậy. Giờ này bố đã nấu cho chúng ăn chưa? Rồi tôi bật khóc hu hu.

- Làm sao chị khóc thế?

- À bởi vì chị thấy em giống mấy đứa em của chị, chị nhớ chúng nó quá.

Đột nhiên nó nói:

- Chị này, ngày mai em không ở đây nữa.

- Không, em ở đây với chị, tuần sau chị sẽ đưa em về ở với các em của chị rồi cho em đi học.

Con bé nhìn tôi không chớp mắt, nước mắt rưng rưng như muốn nói cảm ơn tôi.

Tối hôm đó tôi cấp tốc biên thư cho bố: “Bố kính quý! Con có việc rất quan trọng muốn hỏi ý kiến bố. Bố ạ! Con vừa rồi gặp một em bé hát rong mồ côi cả cha lẫn mẹ rất tội nghiệp. Con muốn bố cưư mang nó, cho nó ăn học như mấy đứa em của con... Hi vọng nhiều ở quyết định của bố”. Ba ngày sau tôi nhận được thư của bố: “Việc ấy tùy con quyết định lấy”.

Tôi hơi buồn, vẫn biết rằng bố là người hiền hậu, giàu lòng vị tha. Tuy thế, tôi đã quyết định cuối tuần sẽ đưa nó về nhà.

- Giờ em ở nhà ngủ cho khỏe. Chiều chị đi học về ta sẽ cùng nhau về nhà.

- Vâng! Nó đáp ngoan ngoãn.

Tan học trở về, người tôi ướt sũng vì mắc một cơn mưa bất ngờ. Tới nhà, cửa khóa ngoài, thấy lạ tôi gọi:

- Thanh ơi, mở cửa cho chị nào.

Không thấy nó đâu cả, vẫn may có chiếc chìa khóa tôi bỏ riêng. Cửa đã mở, tôi ló đầu vào và thấy là lạ.

- Ô hay! Chiếc áo lông và chiếc ô của mình treo đây đâu rồi nhỉ? Cả con Thanh nữa.

Văn tự sự - Cô bé hát rong

Tôi lo lắng, sợ sệt, chạy giữa cơn mưa to để tìm con bé.

- Thanh ơi! Thanh ơi! Tôi hét toáng lên.

Cái Na, cái Thủy còn chọc tôi: “Nghe tụi tao thì có phải là mày khỏe thân ra không, bây giờ đã biết được tác hại nuôi ong tay áo là như thế nào chưa?”.

Tôi ngây người ra: “Trời ơi, con bé quả quyết thế này ư?”.

Bực quá, tôi khóa trái cửa ngồi khóc.

Chốc lát có tiếng cửa “cốc, cốc” và tiếng gọi:

- Chị Bảo! Mở cửa.

- Thanh đó phải không? Sao đi mà không nói gì với chị cả. Định bỏ đi à? Mặt tôi hầm hầm.

- Em xin lỗi chị. Rồi nó từ từ rút tay từ áo mưa ra với một nắm tiền và bảo tôi giữ lấy.

Tôi hơi run và hỏi:

- Tiền ở đâu nhiều thế này? Em nhặt được hay ai cho? Nói cho chị biết đi nào?

- Không! Đó là số tiền em dành dụm được trong thời gian vừa qua. Em đã giấu nó ở cái hốc của kho vật tư đấy.

- Ôi! Em tôi. Tôi ôm chầm lấy nó với cảm giác buổi ban đầu gặp em. Giờ đây niềm tin tưởng, hi vọng về em lại tràn ngập trong tôi.

Rồi hai chúng tôi dắt nhau ra bến xe về nhà trong đêm mưa tầm tã.

Leave a Reply