Về luận đề chính nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo

Có thể xem Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩBình Ngô đại cáo là ba cái mốc đánh dấu những chặng đường phát triển rực rỡ của chủ nghĩa yêu nước trong văn học trung đại Việt Nam. Tuy nhiên, Nam Quốc sơn hà và Hịch tướng sĩ là hai bước của giai đoạn tiến hành những cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại nhằm khẳng định sự tồn tại và chủ quyền của quốc gia Đại Việt. Bình Ngô đại cáo lại ở một giai đoạn khác, gian nan hơn, vẻ vang hơn, giai đoạn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Nói cách khác, Bình Ngô đại cáo ra đời trong một giai đoạn lịch sử có nhiều đặc điểm khác biệt so với thời Lí Trần.

Bình Ngô đại cáo ra đời trong một giai đoạn lịch sử có nhiều đặc điểm khác biệt so với thời Lí Trần

Sự thất bại của hai cuộc khởi nghĩa do Giản Định và Trùng Quang lãnh đạo đã khẳng định rằng sứ mệnh lịch sử của nhà Trần đã chấm dứt. Trong hoàn cảnh như vậy, vị hào trưởng bình thường đất Lam Sơn nhận chân rất rõ sức mạnh hay là vai trò lịch sử to lớn, có tính chất quyết định của yếu tố dân trong công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của giặc Minh. Được lòng dân, đoàn kết được toàn dân chính là đòi hỏi lớn lao của thời đại đặt ra với những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Dựa vào dân là dựa vào chính nghĩa. Có chính nghĩa thì nhất định thắng lợi. Đây chính là tư tưởng lớn của thời đại chống Minh được Nguyễn Trãi nêu ở phần đầu bài Cáo: “Nhân nghĩa chi cử yếu tại an dân”. Suốt toàn bài, những từ ngữ, hình ảnh nói đến dân chiến một tỉ lệ khá cao so với các tác phẩm của những thời kì trước đó vốn tập trung miêu tả hình ảnh người trai quý tộc yêu nước, khát khao lập chiến công. dân trong bài cáo là tập hợp những dân đen, con đỏ (thương sinh, xích tử), những phu phen, tạp dịch, những người còng lưng mò ngọc, đãi cát tìm vàng trong những Kim Trường Cục, Châu Trường Cục, những người làm ruộng, những kẻ nô lệ (manh lệ). Đó là những tầng lớp thấp nhất trong xã hội phong kiến nhưng lại chiếm đa số trên mảnh đất Đại Việt bao đời tồn tại và phát triển bằng nền kinh tế nông nghiệp. Thơ văn Lí Trần ít chú ý đến họ mà chỉ tập trung miêu tả hình ảnh những người anh hùng quý tộc. nó chứng tỏ rằng thực tiễn lịch sử của thời đại chống Minh đòi hỏi phải phá vỡ cách hiểu cũ bị chi phối nghiêm ngặt bởi đẳng cấp, tôn ti trật tự phong kiến về vai trò của quần chúng thời Lí Trần. Sau này, trong thơ của mình, Nguyễn Trãi cũng hay nhắc đến vai trò lịch sử của dân mà ông đã nhận thực được ngày một sâu sắc trước, trong và sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:

Phúc chu dĩ tín dân do thủy

Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiền

(Lật thuyền mới biết dân như nước

Cậy hiểm khôn xoay được mệnh trời)

(Quan hải)

Hoặc:

Ở yên thì nhớ lòng xung đột

Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày

  (Bảo kính cảnh giới - 19)

Tư tưởng yên dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm nền tảng cho sức mạnh của toàn bài cáo. Có dân là có chính nghĩa. Nhân nghĩa thực sự là phải vì dân.

Dân là người phẫn nộ trước ách thống trị của ngoại bang và cũng chính dân, những người lấy gậy thay cờ (Yết can vi kì manh lệ chi đồ tứ tập) sẽ lớn mạnh, đoàn kết. Hợp lực thành một cơn bão dữ quét sạch xâm lược.

Khởi nguồn từ Khổng học, tư tưởng nhân nghĩa của Trung Quốc, thực chất, không thực thi cho tầng lớp manh lệ hèn kém mà Nho giáo cho là những kẻ tiểu nhân mặc dù, về nghĩa của từ thì nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong một xã hội, một cộng đồng. Theo Khổng học, tiểu nhân là những kẻ không đọc sách thánh hiền nên học thuyết nhân nghĩa không thể dành cho họ. Trong Luận ngữ, Khổng Tử nhan mạnh nhiều lần sự khác biệt giữa người quân tử với kẻ tiểu nhân: “Quân tử có ý thức làm tốt cho người mà không làm điều ác còn tiểu nhân thì ngược lại”. “Quân tử lo về đạo đức, tiểu nhân lo về đất đai". “Quân tử lo về việc nghĩa tiểu nhân lo việc lợi”. “Điều nghĩa là con đường, điều lễ là cánh cửa, chỉ có người quân tử mới biết đi con đường đó, ra vào cánh cửa đó”.... Mạnh Tử phát biểu: “Dân vi quý xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, thực chất là nói đến một thứ chính trị được lòng dân và chữ dân của ông cũng giới hạn trong tầng lớp có hằng sản. Ông khẳng định: “Nếu người dân không có hằng sản thì họ không có hằng tâm” và “không có người quân tử thì lấy ai cai trị kẻ thôn quê”.

Về luận đề chính nghĩa của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là sự kế thừa đầy sáng tạo học thuyết Nho giáo bởi lẽ, chữ Dân trong bài cáo chủ yếu là để chỉ những tầng lớp thấp nhất trong xã hội phong kiến, những manh lệ, dân đen, con đỏ... Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế lịch sử và truyền thông nhân đạo tốt đẹp của dân tộc.

Bỉnh Ngô đại cáo cũng nhắc đến quan điểm về Tổ quốc, về những yếu tố cấu thành một cộng đồng dân tộc. Đây là quan điểm tiên tiến của thời đại được phát biểu một cách hoàn chỉnh và đầy sức thuyết phục so với các thời đại trước đó. Nam Quốc sơn hà quan tâm đến ba yếu tố:

- Địa lí (Sông núi nước Nam)

- Chính trị (Vua Nam ở)

- Sách trời (Thiên thư) hay Thiên mệnh

Hịch tướng sĩ quan tâm nhiều đến yếu tố Thái ấp do bị chi phối nặng nề của chế độ Đại điền trang đang phát triển mạnh mẽ thời Trần. Nguyễn Trãi phát biểu đầy đủ, rõ ràng hơn trên cơ sở thời Lí Trần:

- Địa lí (Núi sông bờ cõi đã chia)

- Nền văn hóa lâu đời (Vốn xưng nền văn hiến đã lâu)

- Yếu tố tâm lí, phong tục, tập quán (Phong tục Bắc Nam cũng khác)

- Các triều đại chính trị (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần...)

- Người tài (Song hào kiệt đời nào cũng có)

- Truyền thống lịch sử vẻ vang (Lưu Cung tham công nên thất bại...)

Đây là đoạn văn mang tính chất tổng kết những yếu tố cấu thành một cộng đồng dân tộc. Nó thể hiện một cách hiểu mới mẻ, sâu sắc, toàn diện, hình thành, phát triển và được kiểm nghiệm từ chính thực tiễn lịch sử. Stalin có một định nghĩa được xem là khá hoàn chỉnh về dân tộc: Dân tộc là một khôi cộng đồng ổn định thành lập trong lịch sử dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, lãnh thổ, về sinh hoạt kinh tế và tình hình tâm lí thể hiện trong cộng đồng văn hóa. So với định nghĩa, Nguyễn Trãi tiến bộ hơn trong thời điểm đó.

Như vậy có thể thấy rằng, phần đầu của bài cáo nêu một cách rõ ràng mối quan hệ hữu cơ giữa ba yếu tố: NHÂN-DÂN-NƯƠC. Chính mối quan hệ này mới là nền tảng cho toàn bộ luận đề chính nghĩa của áng thiên cổ hùng văn Bỉnh Ngô đại cáo.

Leave a Reply