Viết bài văn biểu cảm về bài thơ "Buổi chiều đứng ở phủ thiên đường trông ra"

Nhắc đến kho tàng văn học trung đại Việt Nam ta nghĩ ngay đến nhà hiền triết Trần Nhân Tông. Ông là một vị vua tài trí lỗi lạc đã cùng quân dân nhà Trần đánh tan quân Mông - Nguyên xâm lược. Không những thế, Trần Nhân Tông là thi sĩ có tâm hồn thanh cao, luôn gắn bó máu thịt với quê hương, thôn dã. Đọc thơ ông, ta không thể nào quên áng thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, một bài thơ nặng tình quê hương thắm thiết:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều man mác có dường không

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Bóng chiều man mác có dường không

Cảnh buổi chiều của phủ Thiên Trường là cảnh của một vùng quê trầm lặng, yên bình. Thôn xóm đang chìm dần vào làn sương mờ bảng lảng. Đây là lúc ánh hoàng hôn sắp tắt, khoảnh khắc giao thời giữa ngày và đêm ở chốn thôn quê, cảnh vật mờ ảo, chập chờn rất nên thơ, nó gợi lên bao cảm xúc trong lòng người, nhất là những tâm hồn mang nặng tình quê thắm thiết. Vì yêu quê hương tha thiết nên nhà thơ cảm nhận được cái đẹp và cái đáng yêu của một làng quê mộc mạc. Trong mắt thi nhân, cảnh vật thật đẹp và thân thương, gần gũi. Tuy nó là một bức tranh vùng quê thôn dã, rất giản dị như bao vùng quê khác nhưng nhà thơ cảm thấy cảnh vật ở đấy thật thơ mộng, thật đẹp, cái đẹp trầm lặng mà không chút đìu hiu. Nhà vua - nhà thơ - nhà hiền triết ấy đã dấy lên một niềm cảm xúc dạt dào, cảm xúc từ lòng yêu quê hương sâu nặng.

Có yêu quê hương nhà thơ mới thấy được cái đẹp của đồng quê, nhà thơ mới có được những giây phút buồn man mác khi thấy quê hương trống vắng một cái gì đó thân thương, gần gũi, dù hình ảnh ấy thật mộc mạc:

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Buổi chiều đứng ở phủ thiên đường trông ra

Nhà vua - nhà thi sỹ thích nghe tiếng sáo vi vút, ngọt ngào của quê hương, thích nhìn những chú bé ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Phải chăng tiếng sáo của đám mục đồng đã giúp nhà vua thư thái sau bao nhiêu nỗi lo toan việc nước, việc quân? Hay tiếng sáo ấy đã đưa nhà vua trở lại cái thời đáng yêu, đáng nhớ của mình. Có lẽ rằng tình yêu quê hương, tình yêu đồng nội đã làm cho nhà vua thích lắng nghe tiếng sáo của các em chăn trâu đi dọc đường làng. Thích nhìn cái cò đáp cánh trên đồng ruộng. Tình yêu ấy đã làm cho vua và quân dân thêm khăng khít. Bởi thế, phủ Thiên Trường của vua và làng mạc nông dân không có những đường hào ngăn cách ngặt nghèo, không có "bệ rồng" lộng lẫy, không có thành quách cao dày hay cung điện nguy nga. Phủ Thiên Trường của vua không cách biệt với cuộc sống của người nông dân. Phải chăng Trần Nhân Tông là một vị vua thấm đẫm tình người. Một con người có địa vị tối cao nhưng gắn bó với quê hương, gắn bó với hương đồng cỏ nội, thật đáng trân trọng.

Với bút pháp miêu tả, cách dùng những đường nét chấm phá, bài thơ đã giúp ta cảm nhận cái đẹp của tâm hồn nhà vua và vẻ đẹp của làng quê Việt Nam ở triều đại nhà Trần. Đó là tâm hồn của bậc vĩ nhân giàu lòng yêu quê hương đất nước, một con người tài đức vẹn toàn đã khắc họa nên bức tranh làng quê yên ả, bức tranh hiện lên một cảnh tượng ngọt ngào, sâu lắng. Ở đó có sự trầm lặng nhưng ánh lên sự sống của con người trong sự hòa hợp của cảnh vật thiên nhiên.

Bài thơ thật hay, thật cảm xúc, nó chứa đựng đầy ắp tình yêu thương của một bậc vua tài trí, nhân hậu, gắn bó sâu nặng với cuộc đời. Bài thơ muốn nhắn gửi con người: Hãy yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp của làng quê; yêu cỏ hoa đồng nội. Từ tình yêu đó sẽ hun đúc nên ở mỗi con người một tình yêu đất nước sắt son.

Leave a Reply