Anh (chị) hãy phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một thành công lớn của Tô Hoài viết về đề tài miền núi. Mị là nhân vật trung tâm của Vợ chồng A Phủ được Tô Hoài viết năm 1953, sau đợt thâm nhập thực tế ở Tây Bắc năm 1952. Từ cuộc đời của nhân vật Mị, nhà văn đã phản ánh được cuộc sống khổ đau, tủi nhục của người phụ nữ miền núi và sức sống tiềm tàng của họ dưới chế độ thực dân phong kiến. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, diễn biến về tâm lí phức tạp nhất của Mị có lẽ là đoạn miêu tả đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài.

Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong cảnh đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài

Mị là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp lại có tài thổi sáo, có bao nhiêu chàng trai ngày đêm đi theo Mị. Tưởng rằng cô Mị xinh đẹp tài hoa này sẽ được sống hạnh phúc, thế nhưng cô lại phải sống một cuộc sống của một người con dâu gạt nợ trong những tháng ngày ở Hồng Ngài ở cái tuổi xuân sắc - độ tuổi đẹp nhất của người con gái. Mị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Cha mẹ cô có món nợ với nhà thống lí Pá Tra từ ngày cưới nhau, cho đến khi mẹ cô mất món nợ ấy vẫn chưa trả được. Vì thế Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Tuy làm dâu con nhà giàu nhưng cuộc sống của cô không khác gì kẻ ăn người ở trong nhà. Vì thế cô Mị ngày nào vui vẻ, trẻ trung thì giờ đây “lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Từ ngày về làm dâu nhà thống lí, mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc, Mị cầm lá ngón trên tay chạy về khóc với cha nhưng vì thương cha nên cô không đành chết. Từ đó, Mị chấp nhận một cuộc sống câm lặng, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Dù làm gì, đi đâu Mị cũng chỉ là một cái xác không hồn. Một cô Mị sống câm lặng, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” giờ lại muốn đi chơi xuân; nhưng vì duyên cớ gì mà Mị lại muốn đi chơi xuân? Đó là một thử thách đối với ngòi bút của Tô Hoài.

Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài ăn tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ. Thiên nhiên vào mùa xuân ở Hồng Ngài thật đẹp nhưng điều đó chưa đủ làm thay đổi một tâm hồn tê dại suốt bao nhiêu năm của Mị. Phải có một tác nhân nữa tác động vào tâm hồn mới có thể đánh thức được trái tim tuổi trẻ của Mị. Phải chăng là hơi rượu? Ngày tết Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng và hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Mị uống ực từng bát rượu như nuốt uất hận vào lòng Mị nhận ra chính mình “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Nhưng hơi rượu cũng chỉ làm cho Mị quên đi thực tại, nhớ về quá khứ. Dẫn dụ tâm hồn Mị, theo Tô Hoài, đó phải là âm thanh của tiếng sáo.

Không phải ngẫu nhiên âm thanh của tiếng sáo trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm. Lúc đầu, tiếng sáo ngoài đầu núi vọng lại khiến Mị bổi hổi bồi hồi. Nghe thấy tiếng sáo từ đầu núi vọng lại “Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi:

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu

Sau đó là tiếng sáo gọi bạn yêu. Âm thanh của tiếng sáo đã đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi.

Hơi rượu cũng chỉ làm cho Mị quên đi thực tại, nhớ về quá khứ

Theo âm thanh của tiếng sáo, sức xuân cứ lớn dần trong Mị cho đến khi nó chiếm trọn tâm hồn và dường như Mị đắm vào ảo giác. “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vất ở phía trong vách”. Bằng một loạt các câu ngắn có sự xuất hiện của chủ thể, Tô Hoài đã làm nổi bật lên khát vọng đi chơi xuân, khát vọng hạnh phúc tiềm tàng ở Mị. Tất cả những việc làm đó Mị tưởng như trong giác mơ. Mị không thấy A Sử vào, A Sử hỏi, A Sử trói Mị vào cột nhà, “Mị không cúi, không nghiêng đầu được” nhưng Mị vẫn không biết mình đang bị trói. Mị vẫn quên đi thực tại, vẫn thả hồn mình đi theo những cuộc chơi những đám chơi. Và Mị chỉ biết mình bị trói khi vùng bước đi, Mị nhận ra thực tại tàn khốc của mình : “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa. Mị lúc mê, lúc tỉnh”. Đây là giai đoạn chập chờn nửa mê nửa tỉnh, chập chờn giữa hơi rượu, tiếng sáo và sự đau nhức của cơ thể, tiếng chân ngựa đạp vào vách.

Miêu tả diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân. Tô Hoài đã khẳng định ngòi bút miêu tả tâm lí sắc sảo vững vàng của ông. Trước một thử thách lớn, nhà văn đã không hề lặp lại cách kể. Cách tả của những người đi trước mà đã sáng tạo nên những tình huống độc đáo, đặt nhân vật trong bối cảnh đặc biệt: mùa xuân, âm thanh của tiếng sáo, hơi rượu đã tác động đến tâm hồn tưởng chừng đã tê dại của Mị làm cho tâm hồn ấy vui vẻ trở lại, từ một cô Mị sống câm lặng, “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” trở lại một cô Mị giàu cảm xúc yêu đương, một cô Mị trẻ trung phơi phới và nồng nàn tha thiết. Đây là thành công của Tô Hoài trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Nhà văn đã đi vào những ngõ ngách sâu kín nhất trong tâm hồn của nhân vật để khám phá, phát hiện ra vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng của Mị.

Có thể nói đoạn văn miêu tả diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân là một trong những thành công lớn của Tô Hoài. Đoạn văn không chỉ giúp ta hiểu được vẻ đẹp tâm hồn Mị, sức sống tiềm tàng của cô mà còn giúp ta hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của Tô Hoài trong việc miêu tả cảnh và miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật.

Leave a Reply