Anh/ chị suy nghĩ như thế nào về câu nói của nhà văn pháp Mi-sen Ê-ken-đơ Mông-te-nhơ (1533-1592): Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa

DÀN BÀI

I. MỞ BÀI

Trong cuộc sống, con người luôn học tập rèn luyện và lao động sản xuất để tạo ra những tài sản quý giá. Hai tài sản quan trọng là vật chất và tinh thần. Tài sản tinh thần bao gồm kiến thức trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn. Người giàu có về tâm hồn là biết yêu thương, bao dung vị tha và biết rung động trước vẻ đẹp của cuộc sống. Tài sản nào cũng quý giá nhưng tài sản về vật chất dễ tạo ra được còn tài sản tâm hồn thì không hề đơn giản, vì vậy Mi-sen Ê-ken-đơ Mông-te-nhơ (1533-1592) có nói rằng: Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa.

Nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa

II. THÂN BÀI

1. Nghèo nàn về vật chất dễ chữa vì bạn chỉ cần cố gắng, chăm chỉ lao động để có thành quả nhất định thì sẽ cải tạo được điều kiện sống, từ từ sẽ thoát nghèo, tích lũy dần, đời sống vật chất sẽ no đủ, thậm chí giàu có. Rất nhiều tâm gương từ bàn tay trắng làm nên sự nghiệp. Dương Hải Tuyền “vua cá sấu” - Hoa kiều Thái Lan, thời thơ ấu vừa nghèo lại thất học nhưng nhờ bền chí, cuối cùng ông đã có một tài sản khổng lồ.

2. Vì sao nói nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa?

- Trước hết cần tìm hiểu các dạng nghèo nàn về tâm hồn: không có cảm xúc rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc đời; không biết yêu thương san sẻ, cảm thông với bất hạnh của người khác, dửng dưng nguội lạnh trước nỗi đau của đồng loại; cũng không hề biết chia vui với hạnh phúc của những người xung quanh; tri thức hạn hẹp, cái nhìn đời nhìn người phiến diện...

- Có được tâm hồn đẹp là phải trải qua quá trình được giáo dục và tự giáo dục bền bỉ, lâu dài từ nhà trường, gia đình, xã hội và còn tùy thuộc vào cá tính. Người nghèo tâm hồn là thiếu hẳn một quá trình giáo dục lâu bền trên và chính bản thân họ nhiều khi không nhận thức được sự nghèo nàn đó. Làm sao tổ chức lại quy trình giáo dục từ nhỏ đến lớn? Làm sao khai thông những cảm xúc đẹp trong tâm hồn trong khi họ đã xơ cứng? Làm sao uốn nắn được những lệch lạc trong suy nghĩ? Do đó bệnh nghèo nàn về tâm hồn là rất khó chữa.

Tâm hồn đẹp

3. - Có hai dạng: Dạng người nghèo nàn tâm hồn do thiếu giáo dục, không có cơ hội đến trường, tuy có người thất học nhưng vẫn có tâm hồn đẹp. Dạng thứ hai là người bị khô héo tâm hồn, nghĩa là họ đã từng có cảm xúc đẹp nhưng cuộc sống tác động và dục vọng cá nhân làm cho chai sạn, khô héo.

- Nói khó chữa không có nghĩa là không chữa được. Gắng tìm hiểu thì thấy được hai nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ đó mà tìm ra biện pháp chữa trị. Tạo lập môi trường sống tốt đẹp mang tính hướng thiện cao và bản thân người đó phải ý thức, nhìn nhận lại bản thân và thật sự nỗ lực vươn lên cải tạo tâm hồn thì mới có kết quả khả quan.

- Vật chất giàu có mà tâm hồn nghèo nàn thì cuộc sống mất thăng bằng và bị tầm thường hóa, mất đi giá trị, ý nghĩa, cần giàu có hài hòa hai mặt thì cuộc đời mới trở nên phong phú và đẹp đẽ, mặt bằng văn hóa xã hội sẽ được nâng lên cao hơn.

III. KẾT BÀI

Bản thân phải luôn ý thức bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn.

Cần tác động ảnh hưởng tốt đến môi trường sống, đấu tranh chống mọi biểu hiện lệch lạc và hành vi không tốt.

Leave a Reply