Cảm nhận những nét đặc sắc về nghệ thuật trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi

GỢI Ý LÀM BÀI

I. ĐẶT VẤN ĐỂ

Nguyễn Thi là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Tác phẩm của Nguyễn Thi từ khi ông trở lại miền Nam (1962) thường bắt nguồn từ hiện thực nóng bỏng, ác liệt ở mặt trận miền Đông Nam Bộ. Nhân vật tiêu biểu trong sáng tác của ông là những người nông dân vùng đất này, những con người bản chất vừa hồn nhiên, bộc trực, trung hậu vừa có lòng căm thù giặc sâu sắc; vô cùng gan góc, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

- Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo. Văn Nguyễn Thi vừa giàu chất hiện thực, đầy những chi tiết dữ dội, ác liệt của chiến tranh, vừa đằm thắm chất trữ tình với một ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, đậm chất Nam Bộ. “Những đứa con trong gia đình” là một truyện ngắn xuất sắc thể hiện rất rõ bút pháp, phong cách nghệ thuật của Nguyễn Thi. Nét nghệ thuật đặc sắc ấy được thể hiện qua cách kể chuyên, cách xây dựng nhân vật và cách sử dụng ngôn ngữ.

Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Cách kể chuyện

Những đứa con trong gia đình được trần thuật chủ yếu qua dòng hồi tưởng miên man đứt nối của nhân vật Việt khi bị trọng thương nằm lại ở chiến trường. Trong một trận chiến đấu ác liệt tại một khu rừng cao su, Việt đã hạ được một xe bọc thép của địch, nhưng bị thương nặng và lạc đồng đội. Việt ngất đi và tỉnh lại nhiều lần. Mỗi lần tỉnh lại, dòng hồi ức lại đưa anh trở về với những kỉ niệm thân thiết đã qua: kỉ niệm về má, về chị Chiến, chú Năm, về đồng đội và anh Tánh...

Cách thức trần thuật như thế đã đem đến cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động, đồng thời có thể tạo cho nhà văn có điều kiện nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Diễn biến của câu chuyện cũng chính vì thế mà hết sức linh hoạt, không phụ thuộc vào thời gian của tự nhiên, có thể xáo trộn, từ những chi tiết ngẫu nhiên của hiện thực chiến trường mà gợi ra những dòng hồi tưởng, liên tưởng đến quá khứ khi gần khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác hết sức tự nhiên của nhân vật. Qua đó, ta thấy được Nguyễn Thi đã chọn lựa cách trần thuật rất đặc sắc.

2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

Từ ngữ mang đậm màu sắc và không khí Nam Bộ

Đặc sắc của truyện là đã dựng nên hình tượng những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ. Những con người này có những nét rất chung thống nhất. Đó là, họ căm thù giặc sâu sắc; gan góc, dũng cảm, khao khát được chiến đấu giết giặc; giàu tình nghĩa, rất mực thủy chung son sắt với quê hương và Cách mạng. Tuy nhiên, trong cái dòng sông truyền thống của gia đình, “mỗi người một khúc”, có nét tính cách riêng, không ai giống ai. Chỉ bằng một vài chi tiết, một vài hình ảnh, mỗi nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của Nguyễn Thi đã ghi được những dấu ấn rất riêng trong lòng độc giả. Chú Năm hay kể sự tích gia đình. Chú là tác giả cuốn sổ gia đình ghi chép tội ác của giặc và chiến công của các thành viên trong gia đình. Tâm hồn chú Năm bay bổng, dạt dào cảm xúc khi cất lên tiếng hò. Đó là má Việt, một tay bồng con, một tay cắp rổ đi theo thằng giặc đòi đầu chồng... Cuộc sống của má Việt lam lũ, vất vả, chồng chất đau thương nhưng lại rất đỗi kiên cường, cao cả. Đó là nhân vật Chiến với câu nói cùng em trai trước ngày nhập ngũ còn khắc ghi mãi trong lòng độc giả: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất”. Đó là Việt, nhân vật chính trong câu chuyện. Việt có nét riêng dễ mến của một cậu con trai lộc ngộc, tính tình còn rất trẻ con, rất vô tư. Một cậu thanh niên “không sợ giặc mà lại sợ ma”, “bên cạnh cây súng còn có cây ná thun”...

3. Về ngôn ngữ

Văn của Nguyền Thi đầy chi tiết cụ thể làm nổi rõ góc cạnh của cuộc sống, tạo được không khí hết sức chân thực và làm cho tất cả bỗng trở nên có linh hồn. Trong truyện Những đứa con trong gia đình, tác giả đã vận dụng sáng tạo ngôn ngữ của người nông dân Nam Bộ. Tác giả đã khéo léo trong việc chọn lựa những từ ngữ mang đậm màu sắc và không khí Nam Bộ: ba má, trọng trọng, việc thỏn mỏn, kiếng, ná thun, tèm lem, rê thuốc... Ngoài những từ ngữ đậm màu sắc Nam Bộ, tác phẩm có những câu văn làm xúc động lòng người. Đó là những câu văn miêu tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm: “Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”.

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ

- Nguyễn Thi là cây bút có năng lực phân tích tâm lí sắc sảo. Ông có khả năng thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật, phân tích và diễn tả chính xác những quá trình tâm lí tinh vi của con người.

- Truyện Những đứa con trong gia đình đã tập trung nhất nét đặc sắc nghệ thuật của Nguyễn Thi về kể chuyện, về xây dựng nhân vật và về sử dụng ngôn ngữ. Những nét đặc sắc nghệ thuật đã góp phần tạo nên sức sống của tác phẩm trong lòng độc giả.

Leave a Reply