Cảm nhận về vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ trong Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

Nguyễn Du có không ít câu từ đặc sắc xây dựng nên hình tượng chung của những người phụ nữ thời phong kiến. Đây là một trong số đó:

“Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”​

Tôi không muốn dùng “Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” tại đây. Vì với những con người như thế, ngoài thân phận bi thương, tôi luôn cảm nhận được một vẻ đẹp cao quý, vẻ đẹp đến từ nhân cách và tâm hồn của họ. Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương cũng mang đến cho tôi một nhận định tương tự.

thân phận người phụ nữ trong Bánh trôi nước

Về vẻ đẹp, nhắc đến đây, tôi không muốn phủ nhận cái đẹp hình thể của người phụ nữ. Tôi yêu cái đẹp, nên không thể ruồng rẫy một nét đẹp nào. Mỗi người phụ nữ, dù đằm thắm dịu dàng hay ương ngạnh cứng cỏi, cá tính đó đều có thể toát lên nơi hình thể của họ. Người phụ nữ trong Bánh trôi nước cũng vậy. Tôi đã mường tượng ra rồi đây. mang cho mình cái dáng vẻ điềm đạm đáng yêu, khoác áo tứ thân, cổ yếm đeo bùa, đôi má bầu bầu, lúm đồng tiền tròn tròn nho nhỏ. Từ đâu tôi biết? Không phải đoán bừa, tôi từ câu thơ này đây:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”​

Hình ảnh càng không chi tiết cụ thể lại càng để cho trí tưởng tượng bay bổng. Thủ pháp ấy làm tôi liên tưởng đến “làn thu thủy, nét xuân sơn” của nàng Kiều. Nhưng không hoa mỹ cao sang đến thế, Hồ Xuân Hương vận dụng một cách dung dị, gần gũi hơn. Cánh mày râu tha hồ mày tưởng đến nàng thơ trong mộng.

Và cũng chính cái sự “vừa trắng lại vừa tròn” này đây, không chỉ là dáng vẻ mắt thường nhìn thấy. Phải trông vào tâm hồn nàng chứ! Nếu không các vị lại cho rằng tôi thiển cận, chỉ thấy được cái đẹp nông cạn bên ngoài mất. Trắng đấy vừa là làn da hoa sứ, cũng vừa là sự trong trắng ngây thơ trong con người nàng. Tròn đấy vừa là nụ cười duyên dáng, vừa là nết ăn nết ở vẹn toàn, trên hiếu thuận với hai đàng phụ mẫu, với chồng thì tương kính như tân, dưới thì nuôi con dạy cái, giữ cho gia đình hòa hảo. Nàng không phô trương mà chừng mực, vừa đủ để luyến lưu.

Trong phong ba của thời đại, sự trong trắng ngây thơ kia có thể bị bào mòn, nhưng “tấm lòng son”, bản chất con người nàng vẫn không thay đổi. Do đâu? Không phải thụ động chờ đợi xã hội buông tha, mà là sự chủ động “giữ [gìn]” của nàng. Tôi quý cách nhận thức đó. Ở đây, tôi bắt gặp lại lối suy nghĩ quen thuộc của Hồ Xuân Hương, táo bạo, quật cường, không đầu hàng số phận.

Trở lại với nữ thi nhân tài hoa của chúng ta. Ý tại ngôn ngoại, bài thơ tuy không trực tiếp nhắc đến nhưng sao có thể quên đi nét đẹp tài hoa của họ. Thời đại không cho họ có cơ hội xuất đầu lộ diện. Thế mà ta vẫn có những người phụ nữ danh rạng non sông. Ta có Trưng Trắc - Trưng Nhị, ta có một Dương Văn Nga, ta có một Nguyên phi Ỷ Lan, ta có Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Bất hạnh đó, truân chuyên đó, nhưng bản thân họ cũng để lại vết son chói lọi trong lịch sử, văn đàn Việt Nam, bằng tài hoa, bằng “tấm lòng son” với con người, với quê hương đất nước. Tâm hồn thanh khiết làm gốc rễ nuôi dưỡng tài hoa, tài hoa xuất chúng trở lại tôi luyện tâm hồn.

Tôi vừa nhắc đến thứ gọi là “phong ba thời đại”. Thời đại tôi muốn đề cập trực tiếp ở đây chính là thời đại của chế độ phong kiến tập quyền, tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ở đó, thân phận người phụ nữ lại đớn đau hơn cả.

“…

Ba chìm bảy nổi với nước non

Rắn nát mặt dầu tay kẻ nặn

…”​

Về vẻ đẹp, nhắc đến đây, tôi không muốn phủ nhận cái đẹp hình thể của người phụ nữ

Họ chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, họ không tự quyết định được vận mệnh của mình mà phải chịu tầng tầng phụ thuộc. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Ở nhà tuân lệnh cha mẹ. Nói cha mẹ chỉ là nói cho thuận tai. Thực tế vai trò của người mẹ lại chỉ như chiếc bóng mờ nhạt, lời mẹ dạy bất quá chỉ là một hình thức khác để người cha thể hiện quyền lực tối thượng trong gia đình. Lấy chồng tùy chồng, chồng mất nghe con. Cả cuộc đời họ, sống như thế nào, chết đi ra sao, đều không thể tự quyết định. Vũ nương hiếu đạo vẹn toàn hàm oan tự vẫn. Lý Chiêu Hoàng đánh mất giang sơn họ Lý, nhường ngôi cho chồng, sau lại chịu lưu lạc, vì mang tội với họ Lý mà mất đi vẫn không được thờ tại đền Đô. Sự áp đặt của tam tòng chỉ là cái vi mô trong cái vĩ mô. Ai đặt ra và duy trì đạo tam tòng? Là tư tưởng Nho giáo, là xã hội phong kiến. Không có sự ủng hộ của xã hội thì đã không có sự bất công này. Có lẽ bởi thế, Hồ Xuân Hương mới không chỉ đích danh một ai đó điều khiển vận mệnh nàng thơ mà chỉ dùng một hình ảnh chung chung: “nước non” (đây đồng thời là nét chung của văn học trung đại Việt Nam).

Đây là bài thơ, mà theo tôi, là có giọng điệu khá lạ so với phong cách thường thấy của Hồ Xuân Hương. Thiếu một phần phóng khoáng ngang tàng, thêm một phần dịu dàng đằm thắm. Cấu trúc “Thân em…” quen thuộc trong văn học dân gian vừa gợi mở được chủ đề của bài thơ (vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ) vừa kết hợp biện pháp biến đổi thành ngữ (“Ba chìm bảy nổi” thành “Bảy nổi ba chìm”) làm bài thơ trở nên gần gũi. Ngôn ngữ thơ cùng hình tượng bánh trôi nước càng làm rõ nét bình dị, mộc mạc trong lời thơ.

Bánh trôi nước đã đi đúng với tinh thần của Hồ Xuân Hương, không quá nhiều biện pháp nghệ thuật phức tạp mà gợi mở thành công về mặt nội dung. Chủ đề vẻ đẹp và thân phận người phụ nữ vỏn vẹn với bốn câu thất ngôn đã vừa vặn như chính hình tượng chiếc bánh trôi nước vậy. Đặt vẻ đẹp người phụ nữ vào đền đài lầu các, vào chốn bình yên là cái đẹp chỉ khiến tôi thưởng thức trong tức thời. Vẻ đẹp “gió dập sóng vùi biết tắp vào đâu” mới là vẻ đẹp khiến độc giả canh cánh mãi. Muốn bảo hộ, muốn đua tay chặn đứng guồng quay phong kiến mà kéo họ ra. Nhưng không thể! Chúng ta cách họ không chỉ là mấy trăm năm, mà là cả một thời đại.

Leave a Reply