Có ý kiến cho rằng: “Phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người cũng quan trọng và cần thiết như ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết”. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trên không? Hãy bình luận

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Giải thích:

- Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh là không quan tâm, để ý đến người khác và với những biểu muôn màu đang diễn ra. Thờ ơ, ghẻ lạnh là thái độ tiêu cực có thể biến con người thành kẻ vô tâm, thậm chí là “vô cảm” với chính đồng loại của mình, dần dần nó có thể chuyển thành một thứ căn bệnh rất nguy hiểm cho xã hội loài người.

- Lòng vị tha thể hiện ở “tinh thần chăm lo đến lợi ích của người khác một cách vô tư, sẵn sàng vì lợi ích của người khác mà hi sinh lợi ích của cả nhân mình”. Sống không chỉ chăm chút cho bản thân mình mà còn quan tâm tới người khác một cách tự nguyện, không bị những vụ lợi ràng buộc. Tình đoàn kết là sự gắn bó mật thiết giữa người với người trong một cộng đồng nhằm đem lại sức mạnh tổng lực để giải quyết thắng lợi một nhiệm vụ nào đó.

Sự thờ ơ, ghẻ lạnh trong xã hội hiện nay

- Ý nghĩa câu nói: Đây là một ý kiến đúng đắn mà chúng ta cần phát huy trong đời sống. Nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết mà ít chú ý phê phán thái độ thờ ơ, lạnh nhạt với con người. Thực chất đây là hai mặt của một vấn đề, chúng liên quan chặt chẽ với nhau, cần thiết cho nhau.

2. Phân tích thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người

- Quan niệm của dân gian về vấn đề trên: Truyền thống nhân đạo quý báu đã được ông cha ta đúc kết: “Người với người sống để yêu nhau”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”, “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một người vì mọi người, mọi người vì một người”... Đó là truyền thống văn hoá của một dân tộc biết sống yêu thương và tình nghĩa, sống nhân ái, vị tha. Ca ngợi, đề cao truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc giúp cho thanh niên thế hệ mới hiểu rõ và quý trọng đồng loại mình, đồng thời là cách bồi đắp tình cảm thẩm mĩ trong sáng, lành mạnh để thế hệ trẻ nhận thức các hiện tượng đa chiều của đời sống và tìm cách cải tạo chúng.

- Sự thờ ơ, ghẻ lạnh trong xã hội hiện nay. Chúng ta đang sống trong một xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, chằng chịt, trong đó mỗi cá nhân là một tế bào, khi xã hội thay đổi cá nhân cũng thay đổi theo, ngược lại khi cá nhân có bước phát triển mới cũng tác động không nhỏ đến bộ mặt xã hội. Vậy mà trong đời sống lại không thiếu những con người thờ ơ, ghẻ lạnh, không quan tâm đến những chuyện thường ngày diễn ra trước mắt họ: một hòn đá chắn ngang đường, xe cộ qua lại nhưng ai ngã thì mặc kệ, thấy một vụ tai nạn giao thông, mọi người xúm vào vì tò mò, có người vẫn thờ ơ, lạnh nhạt bỏ đi không chút thương tâm.

3. Nguyên nhân của hiện tượng thờ ơ, ghẻ lạnh.

Do trong xã hội còn có những cá nhân thiếu lòng nhân đạo, không có ý thức xây dựng tập thể, hoặc thiếu ý thức công dân, trách nhiệm xã hội. Mặt khác cũng có thể do sự thiếu hiểu biết, thiếu nhiệt tình và tự thoả mãn với mình mà không biết hành động như vậy là tự giết mình... Tất cả những biểu hiện có vẻ mơ hồ đó lại rất có thể gây ra hậu quả khó chữa cho xã hội như bệnh trầm cảm, bệnh trẻ tự kỉ... Những căn bệnh tinh thần này đang có nguy cơ lây lan trong đời sống hiện đại. Vì vậy, phê phán sự thờ ơ, ghẻ lạnh đối với con người là việc làm vô cùng cần thiết, là trách nhiệm của tất cả mọi người.

4. Vai trò của việc phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh với con người

Tình đoàn kết

- Mỗi người đều thuộc một tầng lớp, một giai ấp, một đoàn thể nhất định và không ai có thể tách mình ra khỏi cộng đồng để sống biệt lập và đánh mất bản chất xã hội của mình. Cá nhân đó phải có trách nhiệm với cộng đồng, không thể tách rời “cái tôi” ra khỏi “cái ta” chung. Chính vì vậy, xã hội cần lên tiếng cảnh báo, phê phán những thái độ, hành vi thiếu tính người.

- Thái độ “ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết” là phương cách hữu hiệu để con người xây dựng một thế giới nhân văn và ấm áp tình người. Những hoạt động vì con người cần được các tổ chức quốc tế tích cực mở rộng phạm vi ảnh hưởng nhằm làm cho con người đến gần nhau hơn.

- Việc ca ngợi lòng vị tha, tình đoàn kết phải song song với việc phê phán thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh của con người: đây là hai mặt biện chứng của vấn đề. Ca ngợi hay phê phán đều rất quan trọng, và chúng có mối liên hệ ngang hàng nhau, không thể đề cao mục đích này mà xem nhẹ mục đích kia. Nêu quá chú trọng đến ca ngợi, con người sẽ rơi vào tự kiêu, tự mãn; nếu chỉ phê phán, chúng ta có thể đánh mất cơ hội tìm ra bước phát triển mới cho sự vật. Thiên lệch hai mục tiêu đó, chúng ta sẽ không thể đánh giá bản chất sự vật, hiện tượng xã hội một cách tiên bộ được.

5. Liên hệ, giải pháp

- Giới trẻ ngày nay đang được hưởng thụ những thành tựu khoa học kĩ thuật hiện đại. Cuộc sống đầy đủ, tiện nghi làm cho một bộ phận bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái thụ động hưởng thụ những gì sẵn có trong cuộc đời mình. Đến khi gặp những cảnh ngộ éo le, họ chỉ có được sự cảm thương hời hợt, nhạt nhẽo với con người. “Tình người” do đó mà có nguy cơ bị bó hẹp. Họ chỉ sống vì lợi ích thiết thực của bản thân mà không để ý đến nhu cầu, lợi ích của người khác. Có người lại thờ ơ, phó mặc trước những việc làm sai trái của người khác để chối bỏ trách nhiệm. Bạn trẻ ngày nay cần gắn bó với xã hội, tránh lối sống khép mình, ích kỉ. Nếu sống thờ ơ, ghẻ lạnh với người khác, bạn sẽ trở thành kẻ nhẫn tâm, đơn độc trong cuộc đời. Mất phương hướng sống, bạn không còn sự gắn kết nào với nhân loại và chính bạn lúc đó sẽ trở thành người bị bỏ rơi.

- Chúng ta cần đoàn kết để cùng nhau tháo gỡ những sự việc, hiện tượng xấu đang xảy ra hằng ngày. Để đấu tranh với thứ bệnh dịch có nguy cơ phổ biến này, cần có một cái nhìn dân chủ khi đánh giá các sự kiện trong đời sống. Trong nhà trường, chúng ta nên đưa vào chương trình học của học sinh các bài học giáo dục tâm lí để các em biết cách thể hiện tình thương và sự quan tâm tới người khác.

Leave a Reply