Đừng như cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn (Một chàng trai trẻ đến xin học một vị cao tăng... Đừng như cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn). Hãy viết một bài văn khoảng 20 dòng trình bày suy nghĩ của em về bài học được gợi ra từ câu chuyện trên

Đừng như cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn

Một chàng trai trẻ đến xin học một vị cao tăng. Anh lúc nào cũng bi quan và phàn nàn về mọi khó khăn. Đối với anh, cuộc sống chỉ có những nỗi buồn, vì thế học tập cũng chẳng hứng thú gì hơn.

Một lần khi chàng ta than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, vị hiền sư im lặng lắng nghe, lát sau đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ rồi yêu cầu chàng trai uống thử.

- Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời:

Vị cao tăng dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước rồi cũng với yêu cầu tương tự.

- Nó chẳng hề mặn lên chút nào. Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử.

Cuối cùng vị cao tăng chậm rãi nói:

"Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này, tuy nhiên mỗi người lại chọn cách hoà tan khác nhau.

Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích.

Bởi vậy khi đớn đau, cách tốt nhất con có thể làm là hãy giải tỏa cảm giác của mình. Đừng như cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn.

Hãy viết một bài văn khoảng 20 dòng trình bày suy nghĩ của em về bài học được gợi ra từ câu chuyện trên.

DÀN Ý

I. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề, giới thiệu câu chuyện trong đề bài

- Nêu vấn đề cần nghị luận

II. Thân bài:

1. Giải thích:

- Tóm tắt thật ngắn gọn truyện để ta có thể nắm được nội dung, ý nghĩa & thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.

- Mượn câu chuyện giữa hạt muối, cốc nhỏ và mặt hồ lớn, tác giả đã nêu lên và khẳng định một quan niệm triết lí nhân sinh đúng đắn, tích cực

Đừng như cốc nước nhỏ, hãy là mặt hồ lớn

2. Lí giải vấn đề: 

- Câu chuyện nêu lên hai quan niệm sống, hai lối sống trái chiều nhau: một bên luôn biết cách ''hòa tan'' chia sẻ, sống lạc quan, một bên thì chỉ biết buồn bã, không bao giờ chia sẻ và sống một cách bi quan, tiêu cực...

Từ câu chuyện, sau khi nghe theo lời nhà hiền sư đem muối hòa tan vào cốc nhỏ và hồ lớn thì anh chàng trong câu chuyện thấy rằng:

+ Nước trong cốc nhỏ sau khi hòa tan với những hạt muối thì rất mặn chát. 

+ Nước trong hồ sau khi được hòa tan cùng những hạt muối thì nước trong hồ vẫn như cũ, và ''không hề mặn lên chút nào''. 

-> Trong câu chuyện như lời người thầy nói những hạt muối là đại diện cho những nỗi buồn khó khăn của con người trong cuộc sống, còn việc hòa tan muối chính là cách giải quyết với nỗi buồn của mỗi người, lời dạy dỗ của người thầy chính là bài học sâu sắc mà ta rút ra được sau câu chuyện đó.

- Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp những chuyện thuận lợi, suôn sẻ; ta có thể gặp những khó khăn trở ngại. Hãy nhớ rằng, cho dù đó là khó khăn trở ngại hay là sự vui sướng, niềm vui niềm, hạnh phúc,...chúng ta phải biết các hòa tan. Con người chúng ta có rất nhiều cách để hòa tan nó theo những suy nghĩ khác nhau.

- Đừng tự hủy diệt mình bằng sự ích kỷ, bi quan; cứ sẵn sàng chia sẻ, hòa tan với đời. Để từ đó ta quên đi những muộn phiền, tạp niệm trong cuộc sống mà nhận lấy những niềm vui to lớn hơn từ chính cuộc đời.

(Trong quá trình lí giải cần chọn dẫn chứng minh họa)

3. Bàn luận, bác bỏ

- Bên cạnh những người sống lạc quan, biết mở rộng lòng mình, san sẻ khó khăn và niềm vui với mọi người, nhưng bên cạnh đó lại có những người còn chưa biết sẻ chia nỗi niềm của mình với mọi người xung quanh, còn hẹp hòi hoặc ngần ngại khi bày tỏ khó khăn với người khác rộng mở. (dẫn chứng minh họa)

- Câu chuyện gợi cho chúng ta cần phải lựa chọn cho mình một lối sống tích cực: không nên bi quan mà nên sống một lối sống lạc quan và yêu đời hơn.

- Chúng ta cần phải tu dưỡng, rèn luyện, bồi dưỡng đời sống tâm hồn phong phú hơn, sống phải vị tha, chan hòa, rộng mở và chia sẻ với mọi người...

Cuộc sống luôn có những khó khăn và thử thách, thế nhưng thái độ sống của mọi người mới chính là màng lọc tinh thần để có những cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề khác nhau. Người tích cực nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan, người tiêu cực lại nhìn bằng con mắt chán chường, bi quan. Thế nên trong cuộc sống, có rất nhiều khó khăn ngăn trở chúng ta đến với thành công, anh chàng kia cũng vậy. Nhưng nhờ câu chuyện thực tế về những hạt muối mà vị hiền sư đã chỉ cho anh, anh chàng trong câu chuyện đã biết suy nghĩ thoáng hơn trong cách thức xử lý vấn đề và không để những khó khăn, thách thức trở thành gánh nặng trong lòng, thay vào đó vui vẻ, tự tin lăn xả mình trong các môi trường mới chính là bước khởi đầu của một người thành công.

III. Kết bài: Liên hệ rút ra bài học về nhận thức và hành động

BÀI LÀM THAM KHẢO

Mặt hồ lớn

Trong cuộc đời này, mỗi người có một cách nhìn, cách nhận thức khác nhau, và từ đấy cũng sẽ có cách giải quyết của riêng mình. Qua câu chuyện ngắn trên, chúng ta có thể rút ra được một bài học quan trọng rằng cách nhìn nhận của bản thân đối với mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống rất quan trọng vì chúng tác động rất nhiều đến cách suy nghĩ và hành động trong đời sống thường ngày. Thay vì than vãn, phàn nàn như những gì anh chàng đã làm trong câu chuyện trên, chàng trai này nên có cách suy nghĩ tích cực hơn để vượt qua nỗi buồn cũng như các cản trở, tìm niềm vui và hứng thú mới để khơi gợi lại niềm yêu thích đối với học hành, từ đấy, chàng trai có thể tăng thêm hứng thú, động lực trong học tập. Cốc nước nhỏ thể hiện cho những người có tâm hồn, cách suy nghĩ hạn hẹp. Thay vì chọn cách giải quyết, công việc đơn giản hơn, những người có cách nghĩ hạn hẹp sẽ đưa ra những quyết định nhỏ nhoi, nông và ko hiểu biết. Điều này sẽ dẫn họ tới bi quan, phiền não, ủ rũ, trong khi những người có tầm nhìn xa như mặt hồ lớn, sẽ có suy nghĩ thấu đáo hơn đối với sự việc, có thể buông bỏ và phân tích rõ những ý nghĩ tiêu cực. Từ đó, họ sẽ có thể đến với thành công, nhanh hơn rất nhiều với những người có kiến thức, suy nghĩ hạn hẹp và luôn trong trạng thái bi quan, ủ dột. So sánh giữa mạt hồ và cốc nước, em có suy nghĩ rằng, muối không chỉ những hoà tan trong nước, mà còn có thể là gia vị khi nấu ăn, thêm mùi vị và làm món ăn đậm đà hơn vậy tại sao chúng ta không chỉ những học cách buông bỏ như mặt hồ lớn, mà còn học cách biến địch thành bạn? Chàng trai luôn phàn nàn và bi quan đối với nhũng khó khăn, chướng ngại vật anh ta gặp phải nhưng nếu áp dụng theo bỏ muối vào đồ ăn, anh chàng có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm anh gặp, gặp nhiều trở ngại sẽ cho anh có ý chí, động lực để tiến bước, dẫn tới thành công trong cuộc sống. Đây là cách suy nghĩ của riêng em và cũng từ câu chuyện trên, em có thể rút ra được một bài học rằng, khi bình tĩnh và suy nghĩ kỹ lưỡng mọi chuyện như hồ nước, học cách biết bao dung, vị tha, chúng ta sẽ có một cuộc sống nhẹ nhàng và vui tươi hơn.

Leave a Reply